Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Cần những giải pháp căn bản

Cần những giải pháp căn bản
Tác giả: ANH NGỌC - TUYẾT NHUNG
Ngày đăng: 31/03/2016

Tôm hùm tiếp tục rớt giá

Theo Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, năm 2015, tình hình dịch bệnh trên tôm hùm nuôi diễn biến rất phức tạp, tỉ lệ tôm chết khá cao khiến người nuôi gặp khó khăn. Các bệnh thường gặp trên tôm hùm là bệnh sữa, bệnh đỏ thân xảy ra ở tất cả các vùng nuôi. Tỉ lệ tôm chết trung bình khoảng 25% trên tổng đàn; riêng tại hai vùng nuôi ở phường Xuân Yên và xã Xuân Phương tỉ lệ tôm chết khoảng 30%.

Nguyên nhân là do thời tiết thay đổi bất thường, các vùng nuôi bị ô nhiễm, mật độ nuôi dày… Từ đầu năm 2016 đến nay, người nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu tiếp tục gặp khó khăn vì giá tôm giống tăng nhưng giá bán tôm hùm thương phẩm lại tiếp tục hạ.

Ông Lê Văn Thành ở thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương, cho biết: Năm nay, gia đình tôi đã thả nuôi hơn 4.000 con, giá tôm giống tại địa phương đã lên đến 320.000 - 350.000 đồng/con, nhưng con giống rất khan hiếm. Với giá như hiện nay, vụ nuôi này người nuôi tôm hùm sẽ gặp khó khăn…

Còn ông Nguyễn Văn Huệ cũng ở thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương, thì cho hay: Hiện nay là mùa xuất bán tôm hùm thịt nhưng giá chỉ còn 1,3 triệu đồng/kg tôm loại 1, nếu bán xô (tôm cỡ 0,8 - 1kg/con) giá chỉ còn 1,2 triệu đồng/kg. Trong khi đó, giá bán tôm hùm thịt cuối năm vừa rồi là 1,4 - 1,5 triệu đồng/kg.

Hiện gia đình tôi còn khoảng 3.000 con tôm hùm thịt đã đến thời điểm xuất bán. Với giá tôm hùm như hiện nay thì gia đình tôi sẽ không có lãi hoặc lãi rất ít nên tôi quyết định nuôi thêm để chờ giá lên.

Người nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu đang gặp khó khăn khi thị trường tiêu thụ bấp bênh. Lâu nay, phần lớn tôm hùm thương phẩm được xuất bán qua đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc, nên giá cả không ổn định.

Đầu năm 2014, giá tôm hùm thương phẩm loại 1 dao động từ 2,3 - 2,5 triệu đồng/kg, đến cuối năm 2015 còn khoảng 1,4 - 1,5 triệu đồng/kg và hiện nay chỉ còn khoảng 1,2 - 1,3 triệu đồng/kg. Theo bà Lan, một trong những người chuyên thu mua tôm hùm ở TX Sông Cầu, có hơn 10 người mua gom tôm hùm sau đó bán lại cho thương lái các tỉnh để bán sang Trung Quốc. Sở dĩ tôm hùm liên tục rớt giá là do thị trường Trung Quốc tiêu thụ chậm.


Tôm hùm tiếp tục rớt giá, người nuôi tôm ở TX Sông Cầu đang gặp khó khăn - Ảnh: A.NGỌC

Cần giải pháp bền vững

Theo Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, hiện số lượng tôm hùm nuôi ở địa phương này khoảng 15.000 lồng, trong đó nuôi mới khoảng 5.000 lồng. Sản lượng tôm hùm đã thu hoạch từ đầu năm đến nay khoảng 50 tấn. Tình hình dịch bệnh trên tôm hùm nuôi từ đầu năm đến nay diễn biến phức tạp, các bệnh thường gặp như bệnh sữa, bệnh đỏ thân xảy ra rải rác ở tất cả các vùng nuôi, tỉ lệ tôm chết trung bình 5 - 10% trên tổng đàn.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Trưởng thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương (TX Sông Cầu), kiến nghị: “Nhà nước cần có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm hùm nói riêng để ngư dân phát triển nghề nuôi, cải thiện đời sống và có thu nhập ổn định. Lâu nay, một số bệnh thường gặp trên tôm hùm nuôi đã được các cơ quan, đơn vị chuyên môn nhiều lần tổ chức tập huấn cách phòng và điều trị.

Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa triệt để, tôm hùm nuôi vẫn xảy ra dịch bệnh, tỉ lệ tôm chết còn khá cao. Các ngành chức năng cần nghiên cứu và đưa ra những giải pháp, phác đồ điều trị bệnh cho tôm hùm nhằm mang lại hiệu quả hơn. Đồng thời, Nhà nước cần tăng cường hợp tác thương mại với nhiều quốc gia, tìm thị trường ổn định cho tôm hùm thương phẩm để ngư dân yên tâm sản xuất”.

Ông Đỗ Văn Chính, Trưởng Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, nói: UBND TX Sông Cầu đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi tình hình nuôi trồng thủy sản ở địa phương mình, đồng thời triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi thủy sản năm 2016. Phòng Kinh tế đã phối hợp với Công ty TNHH Thương mại Quyên Anh (đơn vị phân phối thuốc thú y thủy sản của Công ty Bayer Việt Nam) tổ chức tập huấn kỹ thuật về nuôi tôm hùm và cá bớp ở TX Sông Cầu, nhằm trang bị thông tin kỹ thuật phòng, trị bệnh tôm hùm, cá bớp cho hộ nuôi thủy sản trên địa bàn thị xã.

Phòng Kinh tế đang phối hợp với các địa phương có nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thị xã tiếp tục quản lý, sắp xếp lồng, bè nuôi trồng thủy sản theo phương án phân vùng mặt nước biển đã được phê duyệt. TX Sông Cầu tiếp tục phối hợp với Trung tâm quốc gia Quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản khu vực miền Trung (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III) tổ chức hội thảo, tập huấn phòng, trị bệnh cho tôm hùm ở các vùng nuôi trên địa bàn thị xã.


Có thể bạn quan tâm

Bắt dính cá bông lau to Bắt dính cá bông lau to

Ông Nguyễn Văn Hai ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang vừa bắt dính con cá bông lau nặng gần 10kg tại khúc sông Hậu. Con cá này được một chủ nhà hàng mua với giá 220.000 đồng/kg.

30/03/2016
Nông dân thận trọng với tôm nước lợ Nông dân thận trọng với tôm nước lợ

Tuy vụ 1 nuôi tôm nước lợ năm nay đã qua gần 2 tháng nhưng diện tích thả nuôi trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) vẫn chưa nhiều. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết nắng hạn, độ mặn cao nên người dân không dám mạo hiểm để tránh bị thua lỗ.

30/03/2016
Tôm tăng giá kỷ lục người mừng, kẻ lo Tôm tăng giá kỷ lục người mừng, kẻ lo

Giá tôm nguyên liệu đang ở mức cao kỷ lục so với nhiều năm gần đây khiến người nuôi phấn khởi. Song, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lại lo ngại thiếu nguồn cung để sản xuất, do diện tích thả nuôi giảm đáng kể trước tác động bất lợi của thời tiết.

31/03/2016