Cẩm Sơn (Bến Tre) Nhân Rộng Mô Hình Chăn Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Thái
Cẩm Sơn là xã chăn nuôi heo tập trung của huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre), với trên 50% số hộ chăn nuôi.
Năm 2013, khi có chủ trương khuyến khích thử nghiệm chăn nuôi heo trên đệm lót sinh thái, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn xã đã nhanh nhạy áp dụng mô hình cho đàn heo nuôi để góp phần xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.
Để nghiên cứu đánh giá về hiệu quả của mô hình đối với môi trường, cuối năm 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Dự án nuôi heo trên đệm lót sinh thái, trong đó xã Cẩm Sơn có 4 hộ được chọn để triển khai. Mỗi hộ được hỗ trợ từ 2,5 đến 4,5 triệu đồng.
Ông Trương Trường Giang - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, đánh giá: Hiệu quả lớn nhất của mô hình này là giải quyết nạn ô nhiễm môi trường rất tốt, người chăn nuôi rất đồng tình. Đây cũng là cơ sở để năm 2014 xã sẽ thực hiện tốt tiêu chí môi trường.
Tham quan mô hình chăn nuôi heo của các hộ được hỗ trợ chăn nuôi trên đệm lót, hầu hết các hộ này đều rất hài lòng so với các cách xử lý trước đây. Ông Phạm Văn Thắm, ấp Bình Phú phấn khởi kể: Hiệu quả xử lý môi trường là quá tốt, mặt khác, heo nhìn đẹp mắt, đầy đặn và nặng ký hơn so với cách nuôi chuồng trước đây.
Do chỉ mới thử nghiệm nên ông Thắm nuôi song song cả hai phương pháp, phân nửa nuôi trên đệm lót, phân nửa nuôi chuồng đan. Ông so sánh: Nuôi trên đệm lót, từ giai đoạn bắt đầu tẻ mẹ là heo lớn rất nhanh, rất ít xảy ra bệnh vặt. Song, ông Thắm cũng thừa nhận, do mới thử nghiệm, mật độ nuôi còn khá cao nên đôi khi còn nghe hắt mùi hôi. Lứa nuôi mới sẽ mở rộng thêm vài chuồng theo mô hình đệm lót và khắc phục tình trạng trên để hiệu quả đạt tối đa.
Một hộ khác cùng được hỗ trợ nuôi heo trên đệm lót, tấm tắc khen: Nuôi theo kiểu này hiệu quả hơn, heo đẹp, ít bệnh, chắc thịt, thương lái chịu... Để hỗ trợ cho đệm lót phát huy tác dụng phân hủy chất thải, thỉnh thoảng, ông đảo trộn đệm lót cho đều. Vào mùa khô, ông thiết kế thêm giàn phun sương để giảm nhiệt.
Qua thực tế, ông Nguyễn Văn Phích - Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn khuyến khích người chăn nuôi nhân rộng mô hình này, đầu tư đúng quy cách. Nếu có nhu cầu tư vấn về kỹ thuật chuồng trại, cách nuôi, người nuôi có thể đến gặp cán bộ khuyến nông xã hoặc đến tại UBND xã, cán bộ xã sẽ tạo điều kiện để người nuôi tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Ông Phích còn cho biết, Dự án sẽ mở rộng hỗ trợ thêm khoảng 38 hộ nuôi trên địa bàn. Người nuôi có thể đến xã đăng ký để được hỗ trợ. Điều kiện để được hỗ trợ là mỗi hộ ít nhất đang nuôi 30 con heo, kinh phí hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ, ưu tiên những hộ không có diện tích đất để xây dựng hệ thống xử lý chất thải.
Nói thêm về lợi ích khác từ mô hình này, ông Trương Trường Giang, cho biết thêm, bước đầu đã xây dựng mô hình làm phân bón từ đệm lót sinh thái trong chăn nuôi. Thời gian tới, sẽ thành lập hợp tác xã để sản xuất riêng về loại sản phẩm này nhằm nâng cao chuỗi giá trị.
Có thể bạn quan tâm
Diện tích trồng cây ăn quả ở xã Hoàng Hoa Thám (TX Chí Linh, Hải Dương) có xu hướng giảm do nông dân phá bỏ một phần diện tích vải thiều. Từ năm 2010 - 2012, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở KH-CN Hải Dương) đã xây dựng mô hình SX thanh long ruột đỏ quy mô 1 ha với 6.000 hom.
Đang giữa mùa thu hoạch rộ, giữa những cánh đồng lạc xã Hoá Phúc (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), chúng tôi gặp nhiều người nông dân với niềm vui hiện rõ trên từng gương mặt.
Số điểm nóng kinh doanh gia cầm sống trái phép trên địa bàn TPHCM đã giảm đáng kể, từ 79 điểm vào thời điểm đầu tháng 4 còn 48 điểm tính đến tháng 6.
Cục trồng trọt vừa đề ra giải pháp rải vụ trên 5 loại cây ăn trái, kỳ vọng giải quyết được tình trạng cung vượt cầu vào chính vụ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, giải pháp này chưa chắc mang lại hiệu quả. Ngay cả địa phương được phân công làm nhóm trưởng cũng lo nông dân... không nghe theo.
6 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng cá bột, cá hương và cá giống các loại trên địa bàn tỉnh Hải Dương đạt khoảng 1.183 triệu con, giảm 17 triệu con so với cùng kỳ năm trước.