Dâu Hạ Châu là một trong nhiều giống cây ăn trái đặc sản được nhà vườn Cần Thơ chọn lọc và nhân giống. Trước đây, Dâu Hạ Châu có tên là Dâu miền dưới, do giống dâu này có phẩm chất vượt trội (thơm, ngọt) hơn các giống dâu khác, vì vậy chúng được Cụ thân sinh của ông Lê Văn Bảy (Bảy Ngữ) chọn lọc, ươm trồng từ hạt vào những năm 1960.
Hiện nay, Dâu Hạ Châu là cây trồng có giá trị kinh tế cao và đựơc xếp vào nhóm cây ăn trái đặc sản tại huyện Phong Điền TP. Cần Thơ.
Dâu Hạ Châu cho trái 03 vụ/năm, vụ nghịch mùa, chín vào tháng 5 ÂL, vụ mùa, chín vào tháng 8 ÂL, vụ muộn, chín vào tháng 11ÂL âm lịch.
Dâu Hạ Châu trái có màu vàng nhạt, vỏ mỏng, buồng trái dài, mỗi trái có từ 3 - 4 múi, trái có vị chua chua ngọt ngọt và mùi thơm đặc trưng.
Dâu Hạ Châu thuộc loại cây đơn tính, cây đực và cây cái riêng biệt. Điều kiện cơ bản đầu tiên để cây cho trái là có sự thụ phấn từ hoa của cây đực sang nướm nhụy hoa cái. Cho nên trước đây khi trồng Dâu Hạ Châu nhà vườn phải trồng xen cây đực trong vườn. Thông thường, tỉ lệ giữa cây đực và cây cái được trồng là 100 cây dâu cái xen 10 cây dâu đực, cây dâu đực được bố trí sao cho xen kẻ đều trong vườn thì tỉ lệ đậu trái mới cao. Ngoài lợi ít từ việc cho phấn, trồng xen cây dâu đực trong vườn dâu là một trở ngại cho nhà vườn, vì phải tốn ít nhất 10% diện tích đất vườn để trồng, nhưng cây dâu đực không hề cho trái, chúng vừa góp phần làm giảm năng suất (tính trên diện tích), giảm thu nhập, lại tốn thêm công chăm sóc từ phía nhà vườn.
Với hơn 40 kinh nghiệm trồng Dâu Hạ Châu, Bác Lê Quang Bảy (Bảy Ngữ) ở ấp Nhơn Lộc I, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, sau nhiều năm mầy mò học hỏi, nghiên cứu, cuối cùng ông đã thành công từ sự cải tiết kỹ thuật của mình cho cách trồng dâu truyền thống. Sự cải tiến mới về kỹ thuật trồng Dâu Hạ Châu của ông không những giúp cây dâu cho trái sai, năng suất cao lại không tốn thêm diện tích đất trồng cây dâu đực.
Theo ông Lê Văn Bảy, bước cải tiến về kỹ thuật trồng Dâu Hạ Châu của ông chính là sự ghép cành dâu đực trên một nhánh của cây dâu cái.
Ông làm như sau:
Ghép cành dâu đực xen kẽ đều trong vườn, cách một đến hai cây ghép một nhánh. Việc ghép nhánh bắt đầu khi cây dâu sau khi trồng được 2 – 3 năm, chọn một nhánh nhỏ cắt ngang, cách phần thân chính khoảng 10cm, khi nhánh được chọn cắt ra đọt mới, chọn một hoặc hai đọt tốt để lại làm cành ghép, còn lại loại bỏ. Khi đọt vừa già thì tiến hành ghép đọt dâu đực vào. Nhánh dâu đực được ghép trên thân cây dâu cái sau này có nhiệu vụ thụ phấn cho cây dâu cái được ghép và các cây cái lân cận rất hiệu quả. Vườn dâu trái vẫn sai, phẩm chất trái vẫn ngon mà không cần trồng cây dâu đực trong vườn.
Để giúp nhà vườn phân biệt được cây dâu đực, cây dâu cái, ông Lê Quang Bảy chia xẻ kinh nghiệm như sau:
- Cây dâu đực nách lá thưa, lá hơi thon và dài, hoa và đài hoa nhỏ hơn hoa cái. Khi hoa nở, bên trong hoa có các nhị mang phấn màu vàng nhạt, tỏa mùi thơm.
- Cây dâu cái nách lá hơi dầy hơn cây đực, lá hơi bầu, hoa lớn hơn, đài hoa dầy và to hơn hoa đực. Khi hoa nở, bên trong hoa có noãn và vòi noãn dài khoảng 2 - 3mm.