Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cải Tạo Đất Bằng Cách Bơm Bùn

Cải Tạo Đất Bằng Cách Bơm Bùn
Ngày đăng: 09/12/2013

Khóm Cầu Đúc từng nổi danh một thời, giúp nhiều hộ nông dân ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) ăn nên làm ra, tuy nhiên những năm gần đây do giá khóm không ổn định, đất bạc màu cộng với bệnh chết bụi khá phổ biến, làm cho người trồng khóm ở Hỏa Tiến gặp không ít khó khăn.

Toàn xã có 948ha khóm, trong đó có 57ha trồng mới, 839ha lưu gốc, hầu hết diện tích khóm ở xã Hỏa Tiến đều bị ảnh hưởng bệnh chết bụi, đất bạc màu nên khi cải tạo giống chỉ được 1 đến 2 mùa là khóm bị lão, trái nhỏ, hiệu quả kinh tế không cao.

Anh Nguyễn Thanh Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến, cho biết: “Toàn bộ diện tích khóm ở xã Hỏa Tiến được trồng từ rất lâu, từ đời này sang đời khác nên đất đã bạc màu, cộng với bệnh chết bụi khá phổ biến nên bà con nông dân trồng khóm đạt hiệu quả không cao, lợi nhuận thấp”.

Rất nhiều nông dân trồng khóm lâu đời ở xã Hỏa Tiến lâm vào hoàn cảnh khó khăn, do hiệu quả kinh tế thấp, như trường hợp của anh Trần Thanh Tùng, ở ấp Thạnh An, xã Hỏa Tiến có 12 công đất trồng khóm, có truyền thống trồng khóm cha truyền con nối, nhưng những năm qua hiệu quả không cao, gia đình anh phá khóm trồng tràm, nhưng tràm hiệu quả cũng thấp nên gia đình tiếp tục quay lại canh tác khóm được hơn 4 năm, những năm đầu trồng lại khóm năng suất đạt cao, bình quân trên 5 thiên khóm/công, nhưng những vụ sau giảm chỉ còn 3 thiên/công, khóm trái nhỏ không như những vụ đầu.

Anh Tùng bày tỏ: “Gia đình tôi trồng khóm qua 3 đời, những năm khóm còn xuất khẩu sang Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu, bà con trồng khóm ở đây rất khá, nhưng từ khi Liên Xô và Đông Âu tan rã, thị trường xuất khẩu khóm không còn, từ đó đầu ra bấp bênh, giá thấp, thiếu vốn tái đầu tư cải tạo đất nên càng trồng hiệu quả càng thấp. Hiện nay bơm bùn từ sông Cái Tư để cải tạo đất là biện pháp hữu hiệu nhất nhưng gia đình không có vốn đành phải chịu”.

Trước tình hình này, một số nông dân có điều kiện mạnh dạn đầu tư bơm bùn từ sông Cái Tư để cải tạo đất, như trường hợp của ông Phạm Văn Sử, ở ấp Thạnh An, ông là người tiên phong của xã Hỏa Tiến đầu tư vốn bơm bùn cải tạo đất, năm 2005, ông đầu tư gần 100 triệu đồng bơm bùn cải tạo 2ha đất trồng khóm, từ khi bơm bùn hiệu quả tăng 4-5 lần so với trước, diện tích khóm lưu vụ được nhiều năm, không phải mỗi năm mỗi trồng lại như trước đây.

Ngoài ra, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông trồng xen canh 400 gốc dừa xiêm lùn đến nay được hơn 4 năm, dừa bắt đầu cho trái chiếng. Ông cho biết, bình quân mỗi năm thu nhập từ khóm trên 80 triệu đồng, nay có thêm dừa nguồn thu nhập sẽ tăng cao.

Ông Phạm Văn Sử cho biết: “Sau nhiều năm trồng khóm không hiệu quả, tôi quyết định đầu tư bơm bùn cải tạo đất, năm đầu đất mới bơm trồng chưa hiệu quả, nhưng những năm sau hiệu quả mang lại khá rõ, khóm phát triển tốt, trái to, năng suất cao, hiệu quả nhất là khóm lưu vụ được nhiều năm và năng suất được giữ vững. Ngoài ra, tôi mạnh dạn xen canh cây dừa vào rẫy khóm, thấy dừa phát triển tốt và cho trái nhiều. Qua hơn 8 năm bơm bùn cải tạo đất đến nay tôi mạnh dạn khẳng định trồng khóm và các loại cây khác đều tốt”.

Ở xã Hỏa Tiến không phải ai cũng có điều kiện đầu tư bơm bùn cải tạo đất như gia đình ông Phạm Văn Sử, qua thống kê đến nay toàn xã mới chỉ có 20 hộ đầu tư bơm bùn cải tạo được 12ha đất trồng khóm, chiếm chưa tới 1,3% diện tích canh tác khóm của địa phương.

Ngoài ra, hệ thống thủy lợi và đê bao tại khu vực trồng khóm của xã chưa hoàn chỉnh nên ít nhiều gây ảnh hưởng cho người nông dân trồng khóm Hỏa Tiến. Anh Nguyễn Thanh Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến, kiến nghị: “Thời gian qua các cơ quan chức năng đầu tư hỗ trợ nông dân chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn phòng trị sâu bệnh và đầu tư hỗ trợ nông dân trồng khóm theo tiêu chuẩn VietGAP…

Tuy nhiên việc cải tạo đất chưa được thực hiện, vì vậy Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ và cho nông dân vay vốn ưu đãi để cải tạo đất, giải quyết tình trạng đất bạc màu ở vùng nguyên liệu khóm Cầu Đúc và đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, giúp nông dân phát triển thương hiệu khóm Cầu Đúc của tỉnh Hậu Giang”.

Khóm Cầu Đúc hiện nay là một trong những nông sản thương hiệu của tỉnh Hậu Giang, nghề trồng khóm ở xã Hỏa Tiến có bề dày truyền thống, để phát huy hơn nữa hiệu quả kinh tế nghề trồng khóm Cầu Đúc, cần có sự quan tâm hỗ trợ của các ngành và các cấp chính quyền, giúp người nông dân khôi phục thương hiệu khóm Cầu Đúc từng nổi danh một thời.


Có thể bạn quan tâm

Giá Cá Nước Ngọt Tăng Cao Giá Cá Nước Ngọt Tăng Cao

Theo một số trang trại chuyên nuôi cá nước ngọt trong tỉnh Đồng Nai, giá cá lóc bán tại ao, bè hiện đã lên đến 40-42 ngàn đồng/kg, tăng khoảng 10-12 ngàn đồng/kg so với dịp đầu tháng 5-2014. Giá cá rô đồng tăng 6-8 ngàn đồng/kg, lên 38-40 ngàn đồng/kg. Ngoài ra, giá các loại cá nước ngọt khác, như: chép, điêu hồng, trắm... mua tại ao, bè cũng tăng từ 3-4 ngàn đồng/kg.

04/07/2014
Bưởi Phúc Trạch Được Mùa Bưởi Phúc Trạch Được Mùa

Ông Nguyễn Văn Cường (xã Lộc Yên, Hương Khê) phấn khởi cho biết: “Nhà tôi trồng gần 400 gốc bưởi nhưng chỉ mới hơn 100 gốc cho thu hoạch. Mùa này chúng tôi thu gần 6.000 quả, tất cả đều được thương lái đặt mua tại vườn với giá 50 ngàn đồng/quả, giá bán lẻ từ 70 – 100 ngàn đồng/quả”.

09/09/2014
Ông Cửu Nuôi Cua Giữa Phố Ông Cửu Nuôi Cua Giữa Phố

Ít người nghĩ rằng, giữa một phường sôi động nhiều nhà máy, xí nghiệp, khai thác chế biến các loại khoáng sản phẩm than, đá vôi, nước khoáng như Quang Hanh lại có một người dân làm giàu từ nuôi trồng thuỷ sản. Ông là Ngô Viết Cửu, bà con hay gọi là Cửu “cua”, bởi vì con cua đã giúp ông có được cơ ngơi như ngày hôm nay...

04/07/2014
Cải Tiến Phương Pháp Thống Kê Nông Nghiệp, Nông Thôn Cải Tiến Phương Pháp Thống Kê Nông Nghiệp, Nông Thôn

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, do đặc điểm nông nghiệp Việt Nam là khu vực rộng lớn, phân tán, SX bị tác động lớn và trực tiếp bởi thiên tai, dịch bệnh và thị trường cộng với việc thông tin thống kê được thu thập qua nhiều cấp nên còn có sự chênh lệch khá lớn giữa báo cáo tiến độ SX với kết quả SX chính thức; chênh lệch giữa sản lượng SX với khối lượng XK và chênh lệch giữa số liệu trong nước với số liệu do các tổ chức quốc tế thẩm định…

09/09/2014
Nỗi Buồn Xuất Khẩu Nông Sản Nỗi Buồn Xuất Khẩu Nông Sản

Việt Nam tự hào vì có sản lượng cà phê, cao su xuất khẩu đứng trong tốp đầu của thế giới. Trong đó, Đồng Nai là một địa phương xuất khẩu lớn các mặt hàng này. Dù vậy, sau bao nhiêu năm tham gia thị trường, doanh nghiệp và nông dân vẫn không thể chủ động được giá bán.

09/09/2014