Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Cách phòng trừ sâu bệnh hại trong sản xuất rau hữu cơ

Cách phòng trừ sâu bệnh hại trong sản xuất rau hữu cơ
Tác giả: Ngọc Anh (Tổng hợp)
Ngày đăng: 27/10/2017

Sản xuất rau hữu cơ là không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Vì vậy, việc phòng, ngăn ngừa sâu, dịch hại bùng phát quan trọng hơn là để cho chúng phát triển rồi mới diệt trừ. Những cách dưới đây sẽ giúp người trồng tiết kiệm chi phí sản xuất và phòng trừ sâu bệnh hại hiệu quả.

Kiểm tra vườn rau thường xuyên

Thường xuyên kiểm tra vườn rau. Tần suất nhiều ít tùy thuộc vào tình hình thời tiết, khí hậu, mùa vụ gieo trồng và khu vực trồng rau.

Nếu phát hiện sâu và ổ trứng của sâu hại cần tiêu diệt ngay để tránh bùng phát dịch bệnh. Việc này đòi hỏi người trồng rau cần có kiến thức nhất định về các loài sâu hại để có thể phát hiện được.

Tạo môi trường cho côn trùng có ích (thiên địch) phát triển

Trong tự nhiên, luôn có một sự cân bằng nhất định về các loại côn trùng. Có côn trùng có ích và côn trùng gây hại. Tỷ lệ này luôn luôn tương đương nhau. Tùy vào nhiều yếu tố mà có thể sâu hại nhiều hơn thiên địch hay ngược lại. Mỗi loài sâu hại đều có những thiên địch của chúng. Do đó chúng ta cần tạo điều kiện để thiên địch phát triển hơn số sâu hại có trong vườn. Khi đó việc trồng rau sẽ đỡ vất vả hơn.

Theo thống kê, có hơn 100 họ côn trùng (sâu hại) như nhện, rầy mềm, rệp… Những loài côn trùng này có thể làm thức ăn cho những loài côn trùng (thiên địch) có ích khác như các loài bọ rùa, kiến ba khoang, chuồn chuồn, bọ ngựa, các loài ong,...

Do vậy, việc tạo điều kiện cho các loài thiên địch này phát triển bằng cách trồng các loài hoa thiên nhiên như cỏ ba lá, cỏ linh lăng, hoa soi nhái… xung quanh vườn hay chỗ trống gần vườn rau để kích thích sự phát triển của côn trùng có ích đến tiêu diệt sâu hại.

Che chắn theo hàng rau, hoặc làm nhà lưới, nhà màng

Dùng băng vải, nilon dựng thành khung hoặc chắn xung quanh vườn hoặc theo các hàng rau bảo vệ rau khỏi côn trùng tấn công. Kỹ thuật này có hiệu quả với một số bọ cánh cứng, và bọ xít hại dưa leo, rau ăn lá…

Biện pháp này thường áp dụng đối với một số loại rau dưa leo, hoặc các loại rau không cần cho thụ phấn. Kỹ thuật này cũng có tác dụng giảm sương giá và dịch hại khác tấn công (chuột, bọ, ốc…). Ngoài ra, nhà lưới, nhà màng còn có tác dụng kéo dài mùa vụ gieo trồng rau, bảo vệ rau khỏi các điều kiện môi trường bất lợi và ngăn chặn sâu bệnh và dịch hại tấn công.

Nên sử dụng màng phủ nông nghiệp để phủ lên các liếp trồng để hạn chế cỏ dại, nấm và các sinh vật trong đất gây hại đến vườn rau và giữ nước tốt. Biện pháp này áp dụng được với tất cả các loại cây trồng.

Bẫy cây trồng

Trồng một số cây cỏ không quan trọng gần vườn rau để nhử côn trùng tập trung vào nhằm giảm áp lực gây hại cho rau. Sau đó tiêu diệt những cây nhử này khi côn trùng tập trung mật độ cao, gây hại nhiều bằng các loại bẫy côn trùng như phenon,... sẽ dễ hơn rất nhiều so với phải diệt côn trùng trong toàn vườn rau.

Điều chỉnh thời vụ gieo trồng

Người trồng rau cần có kiến thức nhất định về các loại côn trùng, về đặc điểm gây hại của côn trùng đặc biệt là thời điểm bùng phát, gây hại của từng loại côn trùng trong năm. Ví như côn trùng chuyên phát triển mạnh vào mùa hè, côn trùng chuyên phát triển và gây hại vào mùa đông,...

Khi nắm rõ đặc điểm này rồi thì việc chọn thời vụ để gieo trồng sẽ hạn chế rất tốt sâu bệnh hại.

Trồng xen nhiều loài rau, luân canh khi cần

Xen canh là kỹ thuật trồng từ 2 đến nhiều loại rau trong một khu vực trong cùng thời vụ. Để trồng xen, người trồng cần nắm vững đặc điểm của một số loại rau.

Luân canh là kỹ thuật trồng mỗi vụ một loại rau khác nhau trên cùng chân đất trồng nhằm ngăn côn trùng bùng phát mật số cao gây hại trên một loại rau. Các loại rau này cần khác họ; như mùa này trồng cải bắp, xu hào thì vụ sau cần trồng họ khác như  rau bầu, bí hay đậu, cà...

Vệ sinh đồng ruộng và giữ cho cây khỏe mạnh

Cây khỏe không hấp dẫn côn trùng tấn công, nếu bị côn trùng tấn công thì khả năng phục hồi nhanh và sản phẩm tiêu thụ được trên thị trường. - Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại, nơi chứa chấp dịch hại (côn trùng, chuột, ốc…) thường xuyên và sau khi thu hoạch không còn nơi trú ngụ của sâu hại, trứng và nhộng trong các tàn dư cây trồng.

Cày xới đất sau thu hoạch ngay để phơi đất hoặc lợi dụng thiên địch (chim) diệt nhộng, trứng, mầm bệnh, ổ chuột, bọ, cắt dứt nguồn gây hại cho vụ tới.

Áp dụng thuốc trừ sâu hữu cơ, sinh học

Một số loại thuốc trừ sâu có thể áp dụng sản xuất rau hữu cơ được các cơ quan chuyên môn công bố được phép sử dụng bao gồm Bt (Bacillus thuringiensis), thuốc trừ sâu cây cúc, thuốc trừ sâu rotenon, xà phòng trừ sâu, thuốc từ gốc cây Neem, các loại dầu thực vật…

Khi sử dụng, cần phải đọc kỹ hướng dẫn và tham khảo ý kiến cán bộ chuyên môn, kỹ thuật trước khi sử dụng cho rau hữu cơ.


Có thể bạn quan tâm

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp sạch của Israel Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp sạch của Israel

Việc không ngừng sáng tạo và áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất là hướng đi tất yếu để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại.

26/10/2017
Nông dân thu tiền tỷ mỗi năm nhờ trồng dưa xen cam Nông dân thu tiền tỷ mỗi năm nhờ trồng dưa xen cam

Dù không phải là cây trồng chính, nhưng từ cây dưa mỗi năm ông Đào trồng 2 vụ thu hoạch khoảng 80 tạ quả, mang lại cho ông thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.

26/10/2017
Xuất khẩu thịt lợn, cơ hội đã tới! Xuất khẩu thịt lợn, cơ hội đã tới!

Khai thông thị trường xuất khẩu thịt lợn đang là yêu cầu cấp bách mà ngành chăn nuôi Việt Nam cần phải tháo gỡ trong thời gian tới.

26/10/2017