Xuất khẩu thịt lợn, cơ hội đã tới!
Tiềm năng SX lớn, nhưng thịt lợn của Việt Nam đến nay vẫn chưa trở thành mặt hàng XK đáng kể. Khai thông thị trường XK thịt lợn đang là yêu cầu cấp bách mà ngành chăn nuôi Việt Nam cần phải tháo gỡ trong thời gian tới.
Hiện đại hóa chăn nuôi, giết mổ đang là yêu cầu để tiến tới XK thịt lợn
Tại diễn đàn Xúc tiến XK thịt lợn diễn ra cuối tuần qua, Bộ NN-PTNT cho biết: Năm 2017, sản lượng thịt lợn của Việt Nam đã cán con số khoảng 2,75 triệu tấn, đứng thứ sáu trên thế giới.
Tuy nhiên, lượng sản phẩm thịt lợn XK của Việt Nam ra thị trường quốc tế lại gần như không đáng kể gì, chủ yếu là heo sữa (khoảng 20 nghìn tấn) và XK tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Trong khi đó, thị trường NK thịt lợn trên thế giới ngày càng lớn, nhất là thị trường Trung Quốc với gần 2,2 triệu tấn/năm, Nhật Bản 1,36 triệu tấn/năm, Philippines cũng nhập 195.000 tấn/năm… Đây đều là những thị trường rất tiềm năng và thuận lợi cho XK thịt lợn của Việt Nam.
Tiềm năng, cơ hội lớn, tuy nhiên, XK thịt lợn của Việt Nam đến nay vẫn rất hạn chế, chủ yếu là do khâu tổ chức SX chưa đảm bảo được yêu cầu về chất lượng của các nước NK. Phát biểu tại diễn đàn, ông Lee Jong Beom, Phó TGĐ Cty cổ phần Daewon (Hàn Quốc) cho rằng, vấn đề lớn nhất của thịt lợn Việt Nam là làm sao kiểm soát được những rủi ro về chất lượng.
Theo ông, nhu cầu NK thịt lợn của Hàn Quốc đang ngày càng tăng nhanh, đạt trên 5,8 tỉ USD năm 2016. Tuy nhiên nguồn cung chủ yếu được NK từ Mỹ, Đức, Tây Ban Nha...
Ông Gabor Fluit, tổng giám đốc khu vực châu Á của Tập đoàn De Heus (Hà Lan) cho biết sau thành công trong liên kết chuỗi XK thịt gà đi Nhật Bản hồi đầu tháng 9/2017, hiện De Heus và các đối tác đang rất quan tâm tới kế hoạch XK thịt lợn. "Không có lý do gì Việt Nam đã XK được thịt gà vào Nhật Bản, mà thịt heo lại không" - ông Gabor tự tin.
Tại diễn đàn, đại diện UBND 3 tỉnh Đắk Lắk, Bình Phước, Long An và 4 đơn vị gồm Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao, Tập đoàn De Heus, Cty CP và Đầu tư Thương mại Biển Đông, Cty Daewon đã cùng ký kết thỏa thuận thực hiện liên kết chuỗi SX thịt lợn sạch để XK. Đây là sự kiện mở ra triển vọng mới, khởi động cho chiến lược xây dựng từng bước SX theo chuỗi, hướng tới XK trong thời gian tới.
Tại diễn đàn, nhiều DN Việt Nam đánh giá: Hiện nay, giá thành SX lợn của Việt Nam đang dần tiệm cận với mặt bằng của các nước có trình độ SX cao của thế giới, vì vậy khả năng cạnh tranh của mặt hàng này là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của các nhà NK vẫn là yêu cầu mà Việt Nam phải thiết kế lại SX theo hướng liên kết theo chuỗi để kiểm soát. Đây cũng chính là nút thắt cần tháo gỡ để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng trong nước với 93 triệu dân.
Đánh giá về những hạn chế của ngành chăn nuôi lợn Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường ái ngại: Đến nay, Việt Nam đã có gần 200 mặt hàng nông sản XK, trong đó có 10 mặt hàng XK chủ lực. Chăn nuôi nói chung, trong đó đặc biệt là chăn nuôi lợn những năm qua đã có bước phát triển rất nhanh, đạt sản lượng trên 4 triệu tấn nhưng khâu yếu nhất vẫn là chưa vươn ra để trở thành mặt hàng XK lớn.
Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, cơ hội XK thịt lợn của Việt Nam đã tới, và để làm được, phải tăng chất lượng sản phẩm, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng quy mô nuôi heo theo công nghệ cao. Đặc biệt, việc giết mổ phải tập trung, toàn bộ các khâu phải truy xuất được nguồn gốc.
Để khai thông thế bế tắc cho chăn nuôi lợn của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trước mắt, Bộ NN-PTNT đã đặt kế hoạch sẽ tập trung cho việc XK bằng việc tổ chức một số chuỗi SX có quy mô lớn, các DN có tiềm lực lớn về kinh tế và năng lực quản trị, nhất là kinh nghiệm XK để làm hạt nhân thí điểm XK thịt lợn.
Bên cạnh đó, ở thị trường nội địa, sẽ tổ chức lại khâu giết mổ và phân phối, tái cơ cấu ngành nuôi heo theo mô hình liên kết chuỗi đối với nhóm DN, cơ sở chăn nuôi có quy mô trung bình. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá: XK thịt lợn sẽ khó hơn thịt gà vì dịch bệnh phức tạp, nhất là bệnh lở mồm long móng mà đến nay chưa có nước nào an toàn tuyệt đối. Vì vậy, các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT sẽ phải tập trung các giải pháp đồng bộ, nhất là khâu đảm bảo an toàn dịch bệnh, đi đôi với đàm phán, mở cửa thị trường…
Nhằm tăng cường mối liên kết, tiêu thụ cho sản phẩm chăn nuôi tại thị trường nội địa, ngày 21/10 Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã tham dự hội nghị Xúc tiến tiêu thụ gà đồi Yên Thế năm 2017 cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Giang.
Với sản lượng 34 nghìn tấn/năm, chăn nuôi gà đồi tại Bắc Giang, đặc biệt là huyện Yên Thế đã trở thành một nghề đối với nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, gà đồi Yên Thế cũng như nhiều loại nông sản khác cũng đang gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ như: quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, giá vật tư đầu vào còn cao, chưa có các cơ sở lớn về chế biến tại vùng chăn nuôi; liên kết giữa người chăn nuôi với HTX, DN còn yếu…
Vì vậy, quy hoạch vùng chăn nuôi, tổ chức lại SX bền vững từ SX đến tiêu thụ, tổ chức chăn nuôi an toàn dịch bệnh… đang là yêu cầu mà vùng gà đồi Yên Thế phải tiếp tục cải thiện.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, tỉnh Bắc Giang nói chung, huyện Yên Thế nói riêng không nhất thiết phải tăng nhanh về số lượng mà phải chú trọng về đầu tư chuỗi giá trị. Bộ trưởng khẳng định, chuỗi giá trị gà đồi Yên Thế là hướng đi đúng trong phát triển trục sản phẩm nông nghiệp, là lợi thế của địa phương, phù hợp với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng.
Tuy nhiên để mang lại hiệu quả cao nhất của chuỗi giá trị gà đồi Yên Thế, ngoài việc tổ chức tốt lại SX, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường kết nối cung - cầu sản phẩm, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu của sản phẩm… Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh Bắc Giang nên tổ chức Lễ hội gà đồi Yên Thế vào những năm sau nhằm nâng cao thương hiệu, quảng bá mạnh mẽ gà đồi Yên Thế trên thương trường.
Có thể bạn quan tâm
Đây là mô hình vừa góp phần tăng thu nhập cho nông hộ vừa bảo vệ môi trường sinh thái trên đồng ruộng.
Việc không ngừng sáng tạo và áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất là hướng đi tất yếu để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại.
Dù không phải là cây trồng chính, nhưng từ cây dưa mỗi năm ông Đào trồng 2 vụ thu hoạch khoảng 80 tạ quả, mang lại cho ông thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.