Trang chủ / Cây lương thực / Trồng lúa

Các thiệt hại trên ruộng lúa - Phần 6

Các thiệt hại trên ruộng lúa - Phần 6
Tác giả: Nguyễn Ngọc Đệ. PhD
Ngày đăng: 01/02/2018

BỆNH HẠI LÚA (Diseases)

Chúng ta có thể chia các bệnh lúa ra làm 5 nhóm tùy theo tác nhân gây hại: bệnh do nấm, bệnh do vi khuẩn, bệnh do siêu vi khuẩn, bệnh do tuyến trùng và bệnh do sinh lý. 

1/ Bệnh do nấm (Fungus diseases)

1.1. Bệnh cháy lá (Đạo ôn: Rice blast): Do nấm Pyricularia oryzae gây ra  

Bệnh có thể gây hại rất sớm từ nương mạ nhưng thường bị nặng nhất là giai đoạn làm đòng đến sau trổ một thời gian. Nấm có thể tấn công ở mọi bộ phận của cây lúa nhưng nhiều nhất là ở phiến lá. Trên lá, vết bệnh lúc đầu nhỏ màu nâu, sau phát triển thành vết bệnh điển hình có dạng hình mắt én, hai đầu hẹp, giữa phình ra có màu xám tro. Chung quanh vết bệnh có viền nâu rõ rệt, ngoài viền nâu thường có một quầng vàng. Nhiều vết bệnh liên kết lại làm cả lá lúa bị cháy khô. Bệnh cũng xuất hiện trên các đốt thân làm gãy ngang thân lúa hoặc trên cổ bông (bệnh khô cổ bông) làm tắt nghẽn mạch dẫn nhựa nuôi hạt, bông lúa bị gãy, hạt bị lép và lững (Hình 8.20).

Hình 8.20. Bệnh cháy lá (Đạo ôn) 

Bệnh xuất hiện và phát triển mạnh trong điều kiện độ ẩm cao, sương mù nhiều, ruộng thiếu nước và bón nhiều phân đạm, sạ cấy quá dày. Để ngừa bệnh này nên diệt sạch cỏ dại, rơm rạ có chứa mầm bệnh trước khi canh tác, xử lý hạt giống bằng cách ngâm trong nước ấm (3 sôi + 2 lạnh) 15 phút hoặc dung dịch thuốc Arasan, Ceresan (4g/4 lít nước/2 kg hạt) trong 24 giờ. Gieo sạ với mật độ vừa phải, bón phân cân đối N, P và K; đặc biệt là phân Kali để tăng cường tính kháng của tế bào cây đối với sự xâm nhập của nấm bệnh. 

Khi cây lúa chớm bệnh có thể dùng các loại thuốc trừ nấm hoặc dùng dung dịch thanh phàn vôi (1 kg vôi + 1 kg phèn xanh + 100 lít nước) xịt lên lá lúa.

1.2 Bệnh đốm nâu (Brown spot): do nấm Helminthosporium oryzae (Hình 8.21) 

Nấm có thể tấn công trên lá và hạt. Bệnh thiệt hại nghiêm trọng nhất khi hạt đang nẩy mầm làm cây lúa non còi cọc không phát triển được. Trên lá, đốm bệnh có hình tròn hay bầu dục, màu nâu lợt có viền nâu sậm với các vòng đồng tâm trong vết bệnh. Trên hạt, vết bệnh có màu nâu đen (thường gọi là bệnh lem hạt). Bệnh phát triển mạnh ở đất trầm thủy (ngập nước quanh năm), nhiều chất hữu cơ chưa hoai mụt, đất mặn, phèn, thiếu dinh dưỡng và đặc biệt là thiếu Kali. Đốm nâu là bệnh đi kèm với điều kiện nghèo dinh dưỡng hoặc bị trục trặc trong quá trình hấp thu dinh dưỡng của cây lúa. Để ngừa bệnh đốm nâu cần cải thiện điều kiện môi trường, cây lúa phát triển khỏe thì ít bị nhiễm bệnh.

Hình 8.21. Bệnh đốm nâu 


Có thể bạn quan tâm

Các thiệt hại trên ruộng lúa - Phần 3 Các thiệt hại trên ruộng lúa - Phần 3

Bọ xít đen thường sống ở phần bẹ và gốc lúa. Thành trùng bọ xít đen chích hút nhựa cây lúa làm cây lúa suy yếu dần, lá và bẹ lá khô héo, rồi chết.

31/01/2018
Các thiệt hại trên ruộng lúa - Phần 4 Các thiệt hại trên ruộng lúa - Phần 4

Có 4 loại sâu đục thân hại lúa: sâu đục thân màu vàng, màu trắng, màu hồng và sọc nâu. phổ biến nhất là loại sâu đục thân màu vàng và sâu đục thân sọc nâu.

01/02/2018
Các thiệt hại trên ruộng lúa - Phần 5 Các thiệt hại trên ruộng lúa - Phần 5

Có 4 loại sâu đục thân hại lúa: sâu đục thân màu vàng, màu trắng, màu hồng và sọc nâu. phổ biến nhất là loại sâu đục thân màu vàng và sâu đục thân sọc nâu.

01/02/2018