Trang chủ / Cây lương thực / Trồng lúa

Các thiệt hại trên ruộng lúa - Phần 5

Các thiệt hại trên ruộng lúa - Phần 5
Tác giả: Nguyễn Ngọc Đệ. PhD
Ngày đăng: 01/02/2018

CÔN TRÙNG HẠI LÚA (Insects)

2/ Nhóm côn trùng phá hại lúa ở giai đoạn ấu trùng 

2.4 Sâu phao (sâu đeo) (Caseworm: Nymphula-depunctalis) (Hình 8.16)

Sâu có màu xanh, đầu màu cam hơi nâu. Bướm màu trắng ngà với những đốm vàng nâu nhỏ trên cánh. Bướm đẻ trứng rời rạc ở mặt dưới lá lúa. Sâu phao thường tấn công cây lúa từ giai đoạn mạ đến 1 tháng sau khi cấy, đặc biệt ở những chổ trũng nước ngập sâu trong ruộng. Sâu cắn đứt ngang lá lúa thành từng đoạn rồi cuốn lại thành ống, sâu ở trong đó đưa đầu ra ngoài và cắn phá nhu mô của lá lúa (nên gọi là sâu đeo). Chúng để lại các vệt trắng như thiệt hại do sâu cuốn lá, đồng thời các lá bị cắn đứt ngang. Ống sâu thường nỗi trên mặt nước như những cái phao (nên gọi là sâu phao) để di chuyễn từ nơi này sang nơi khác hoặc dính vào gốc lúa đó là cách di chuyển và lan tràn của sâu. Khi ống lá bị héo khô chúng cắn lá khác để làm ống mới. 

Cây lúa bị tấn công sẽ còi cọc, lùn thấp xuống và có thể chết hàng loạt do bị ngập nước. Sâu phao thường phát triển mạnh vào tháng 8 - 9 dương lịch trên trà lúa lấp vụ 2 mới cấy, trong điều kiện nước lũ bắt đầu dâng cao. Phòng trị sâu phao cũng giống như đối với sâu cuốn lá. Ngoài ra, để hạn chế tác hại và sự lan tràn của sâu cần tháo cạn nước, nếu có điều kiện. Có thể trộn thuốc trừ sâu với dầu cặn rãi lên trên mặt nước, sâu sẽ bị ngấm thuốc và chết; cũng có thể cho nước ngập thật cao rồi dùng lưới kéo cá kéo lướt trên mặt nước để vớt các cuốn sâu, gom lại và giết chúng.

2.5 Sâu keo (Cutworm: Spodoptera litura)sâu cắn chẻn (Armyworms: Pseudoletia unipuncta, Spodotera mauritia) 

Sâu keo và sâu cắn chẻn trông tương tự nhau, nhưng thường tấn công ở những phần khác nhau trên cây lúa. Sâu keo màu xanh có 2 sọc đen chạy dọc hai bên hông từ đầu đến đuôi (Hình 8.17A) cắn lá đứt ngang và ăn gần hết phần trên của phiến lá chỉ chừa lại cuống lá và thân cây lúa. Sâu cắn chẻn (Hình 8.17B) to hơn, thân màu xám có sọc nâu đậm ở hai bên hông chạy dọc từ đầu đến đuôi. Sâu có thể tấn công từng đàn ban đêm gây thiệt hại rất lớn. Ban ngày sâu thường ẩn dưới gốc lúa rất khó phát hiện. Có thể phun các loại thuốc trừ sâu vào lúc chiều mát đến tối hoặc rãi các loại thuốc hạt nếu có nước hay có mưa. Lưu ý là sâu keo và sâu cắn chẻn thường phá hại nặng ở ruộng khô. Sâu cắn chẻn còn cắn phá bông lúa khi thu hoạch xong còn để trên đồng

2.6 Dòi đục lá (ruồi đục lá) (Whorl maggot: Hydrellia Philippina) (Hình 8.18) 

Dòi là giai đoạn ấu trùng của con ruồi đồng. Ruồi màu xám đen, hơi nhỏ và sáng hơn ruồi nhà đôi chút. Ruồi đẻ trứng rời rạc trên lá, trứng nở ra dòi (ấu trùng) màu vàng nhạt, chui vào trong thân lá đục ngang đọt lá non. Khi lá vươn ra khỏi thân sẽ mang những vết sẹo tưa trắng hoặc những lỗ tròn ngang nhau. Nếu bị nặng lá lúa bị gẫy, lúa nở bụi kém. 

Dòi thường tấn công ở giai đoạn mạ đến khi có chồi tối đa, nhất là ở giai đoạn lúa mới cấy được 1 tháng. Khi cây mạ còn nhỏ, nếu bị dòi đục cũng chết đọt như sâu đục thân. Để phòng trị nên rãi thuốc ngừa sau khi cấy hoặc ở giai đoạn lúa còn non trong vòng 1 - 1,5 tháng tuổi. 

Hình 8.18. Dòi đục lá (Ruồi đục lá)

2.7 Muỗi gây lá hành (Gall midge: Orseolia oryzae): (Hình 8.19) 

Con muỗi trưởng thành to bằng muỗi thường nhưng bụng có màu hồng lợt. Chúng đẻ trứng rãi rác ở mặt dưới lá. Muỗi hoạt động mạnh vào mùa mưa nên dịch muỗi hành thường xảy ra vào vụ lúa hè thu, thu đông hoặc vụ lúa mùa.  

Trứng nở thành ấu trùng chui vào đọt non của lúa làm lá non không mở ra được, cuốn tròn như cọng hành hay cọng năng nên còn gọi là muỗi năng hay sâu năng. Nó hóa nhộng luôn trong đó và khi lột xác thành muỗi nó đục lỗ phía trên đọt tròn đó mà chui ra, chồi bị chết. Chúng có thể sống trên cỏ dại và lây lan rất nhanh gây thiệt hại nặng trên các trà lúa muộn. Phòng trị muỗi gây lá hành như đối với sâu đục thân.


Có thể bạn quan tâm

Các thiệt hại trên ruộng lúa - Phần 2 Các thiệt hại trên ruộng lúa - Phần 2

Rầy bông cũng sống trên lá lúa, kích thước to hơn rầy nâu nhưng nhỏ hơn rầy xanh. Toàn thân rầy bông có màu xám với vệt nâu đậm hình chữ Z trên cánh

31/01/2018
Các thiệt hại trên ruộng lúa - Phần 3 Các thiệt hại trên ruộng lúa - Phần 3

Bọ xít đen thường sống ở phần bẹ và gốc lúa. Thành trùng bọ xít đen chích hút nhựa cây lúa làm cây lúa suy yếu dần, lá và bẹ lá khô héo, rồi chết.

31/01/2018
Các thiệt hại trên ruộng lúa - Phần 4 Các thiệt hại trên ruộng lúa - Phần 4

Có 4 loại sâu đục thân hại lúa: sâu đục thân màu vàng, màu trắng, màu hồng và sọc nâu. phổ biến nhất là loại sâu đục thân màu vàng và sâu đục thân sọc nâu.

01/02/2018