Kỹ thuật ủ chua ngọn mía: Thêm nguồn thức ăn cho gia súc
Kỹ thuật ủ chua ngọn mía do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh thực hiện đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt thức ăn xanh trong chăn nuôi trâu, bò tại thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa).
Người dân ủ chua ngọn lá mía
Tính đến tháng 3-2017, đàn trâu, bò của thị xã Ninh Hòa có hơn 31.000 con. Trâu, bò được chăn thả theo phương thức truyền thống, chủ yếu là thức ăn thô xanh tự nhiên. Thời gian gần đây, các bãi chăn thả thu hẹp dần do quá trình công nghiệp, đô thị hóa. Nguồn thức ăn cho trâu, bò trong tự nhiên cũng theo đó cạn kiệt. Vấn đề đảm bảo nguồn thức ăn cho trâu, bò trở thành nỗi lo của nhiều nhà nông.
Trong khi đó, Ninh Hòa có diện tích trồng mía lớn, với hơn 11.000ha. Hàng năm, trên các ruộng mía ở thị xã, hầu hết ngọn mía bị bỏ lại ngoài đồng ruộng sau khi thu hoạch rất lãng phí. Vì vậy, tháng 5-2016, UBND thị xã Ninh Hòa phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh thực hiện đề tài cấp cơ sở “Ứng dụng kỹ thuật chế biến phụ phẩm cây mía làm thức ăn cho gia súc trên địa bàn thị xã Ninh Hòa”, tập trung sử dụng ngọn mía tươi.
Trong quá trình triển khai, ngọn mía tại các xã: Ninh Xuân, Ninh Tân, Ninh Sim được chọn làm nguyên liệu ủ chua. Công đoạn ủ được tiến hành bằng cách hòa rỉ mật, muối ăn vào nước, sau đó tưới đều lên ngọn mía đã băm nhỏ, rải đều hỗn hợp cám gạo (hoặc bột ngô), men vi sinh và muối ăn vào các lớp ngọn mía dày từ 25 đến 20cm. Ngọn mía được nén theo từng lớp cho đến khi đầy nơi ủ, sau đó đậy kín, tránh ánh nắng trực tiếp, nước mưa… Sau 5 tuần có thể lấy cho trâu bò ăn, đống ủ được bảo quản 4 - 5 tháng. Theo kết quả phân tích của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh, ngọn mía ủ chua ít mất nhất các chất dinh dưỡng so với quá trình phơi khô, làm tăng tỷ lệ tiêu hóa thức ăn cho trâu bò. Ngọn mía ủ chua có thể sử dụng để thay thế một phần cỏ tươi; hạn chế sử dụng cho trâu, bò còn nhỏ; trâu, bò đang mang thai và nuôi con…
Sau khi nghiên cứu thành công kỹ thuật ủ chua ngọn lá mía, đầu vụ thu hoạch mía năm 2016 - 2017, có hơn 50 hộ tại các xã: Ninh Xuân, Ninh Tân, Ninh Sim đã được tập huấn kỹ thuật; 15 hộ tại 2 xã Ninh Xuân và Ninh Tân đã thực hiện ủ chua ngọn lá mía với quy mô nhỏ, từ 100 đến 200kg.
Ông Ngô Đức Thanh (thôn Tân Mỹ, xã Ninh Xuân) cho biết, gia đình ông áp dụng kỹ thuật ủ chua ngọn lá mía để nuôi bò từ năm 2016. Cộng với diện tích trồng cỏ 500m2 của gia đình, ông đã cung cấp đủ nguồn thức ăn quanh năm cho đàn bò 30 con phát triển. So với giá khoảng 8.000 đồng/10kg cỏ tươi, chi phí ngọn mía ủ chua chỉ có 4.500 đồng/10kg sẽ tiết kiệm được một khoản tiền. Qua đó, góp phần tăng năng suất chăn nuôi cũng như thu nhập từ đàn bò. Vụ mía 2016 - 2017, ông tiếp tục ủ chua ngọn mía dự trữ cho đàn bò của gia đình. “Đây là kỹ thuật dễ làm, nguyên liệu có sẵn, rẻ tiền, đảm bảo dinh dưỡng, ít tốn nhân công và có thời gian bảo quản lâu, phù hợp với quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ”, ông Thanh nói.
Ứng dụng kỹ thuật ủ chua ngọn mía đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người chăn nuôi trâu, bò tại thị xã Ninh Hòa. Mô hình đang được nhân rộng trên địa bàn thị xã và được nhiều hộ ở các xã: Ninh Xuân, Ninh Tân, Ninh Sim áp dụng. Thời gian tới, kỹ thuật này sẽ được nhân rộng đến những địa phương khác trong tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Chọn giống: Các giống mía mới như VN84-4137, ROC10, ROC16, quế đường 11; kế đến là VĐ86-368, K84-200 đang được nông dân ĐBSCL ưa chuộng.
Yêu cầu sinh thái: Cây mía có nguồn gốc nhiệt đới, nên nhu cầu về ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm cao. Để cho cây mía sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất, chất lượng cao bà con cần chọn trồng mía ở những vùng có nhiệt độ từ 25-35 độ C.
Vụ mía năm 2008-2009 này, cây mía vùng Lam Sơn, Thanh Hóa bắt đầu đầu tư công nghệ sinh học, đưa năng suất tăng hai lần so với trước, tạo điều kiện người trồng có lãi cao, lâu bền.