Các địa phương tích cực sản xuất vụ đông
Xã Công Thành là địa phương có nhiều diện tích ngô vụ đông bị ngập nước nhiều so với các xã của huyện Yên Thành. Tại xóm Cao Sơn, trên những cánh đồng ngô sau mưa lũ, một số bà con đang bón phân chuồng, gieo lại hạt giống.
Số liệu của Phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành, sau đợt mưa lũ toàn huyện có gần 200 ha ngô đông bị ảnh hưởng, chủ yếu ở các xã: Công Thành, Mỹ Thành, Đại Thành, Thịnh Thành, Minh Thành, Hùng Thành, Tiến Thành... Huyện chỉ đạo, những diện tích ngô mới gieo bị ngập nước, hoặc mưa xói hạt thì tiến hành gieo lại. Những diện tích ngô đã phát triển 2 - 5 lá khắc phục bằng cách dựng lại, trồng dặm, đồng thời đẩy mạnh chăm sóc bằng cách bón thúc phân NPK, vun xới gốc.
Huyện Diễn Châu vụ đông này đặt mục tiêu trồng 4.984 ha ngô, rau màu các loại. Trong đó cơ cấu cây ngô 3.284 ha, lạc đông 500 ha, các loại rau màu là 1.200 ha. Quan điểm chỉ đạo sản xuất vụ đông năm nay của huyện Diễn Châu là ăn chắc, hiệu quả, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để triển khai sản xuất hàng hóa, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Thời điểm hiện tại, huyện Diễn Châu đã gieo trồng được 3.200 ha cây vụ đông, trong đó diện tích ngô là 1.800 ha trồng nhiều ở các xã: Diễn Trung, Diễn Thịnh, Diễn Yên; lạc đông 600 ha tập trung ở các xã: Diễn Thịnh, Diễn Hoa, Diễn Hùng và hơn 700 ha rau màu các loại. Diện tích ngô và lạc được gieo trỉa đúng thời vụ vào trước ngày 5/9. Đối với ngô trên đất lúa, sẽ tập trung gieo trồng từ ngày 10 - 25/9. Các cây rau màu sẽ chủ động vườn ươm cây con, trồng gối, xen, lách thời vụ, đảm bảo tiến độ gieo trồng trong tháng 9 này.
Sản xuất rau giống ở xã Diễn Thành (Diễn Châu).
Đợt mưa vừa qua cũng khiến 54 ha ngô của xã Diễn Thành bị đổ ngã. Bà Lê Thị Hương - cán bộ nông nghiệp xã cho biết: Sau mưa, xã tập trung chỉ đạo bà con dựng lại cây, bón phân hợp lý để cây phát triển trở lại. Diện tích rau bị dập được bà con làm lại luống mới và gieo trồng để đảm bảo thời vụ.
Chị Trần Thị Tài, xóm 10, xã Diễn Thành vụ đông năm nay trồng 4 sào rau màu các loại. Ngay từ ngày hết bão, chị đã ra đồng sớm đào rãnh để tiêu thoát nước kịp thời cho lạc và gieo trồng lại rau. Theo kinh nghiệm làm cây vụ đông lâu năm của chị, mùa tháng 8 âm lịch mưa lũ nhiều, sẽ ưu tiên ươm cây giống trên đồng cao. Tháng 9, tháng 10 mới ươm trên diện rộng. Nhờ tuân thủ đúng lịch nông vụ này, nên mỗi mùa mưa bão đến, nhà chị không bị ảnh hưởng nhiều.
Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV khuyến cáo: Đối với diện tích ngô mới gieo hạt, do ngập úng không nảy mầm được, cần gieo lại, những diện tích ngô 2 - 3 lá trở lên bị đổ, bà con dựng lại, kết hợp trồng xen bằng ngô bầu vào những chỗ bị chết, đồng thời xới xáo phá váng đất, tạo điều kiện cho rễ phát triển để bón phân kaly. Khi cây ngô, rau màu nói chung đã bén rễ mới, bà con nông dân cần sử dụng phân bón lá và phân bón gốc để chăm sóc.
Đây là vụ đông muộn hơn so với các năm trước, do vậy các địa phương chỉ đạo bà con tích cực khép kín diện tích dự kiến, thường xuyên chăm sóc để thu hoạch kịp thời vụ.
Có thể bạn quan tâm
Trên là chia sẻ của anh Đào Ngọc Nam - người từng sống, làm việc ổn định tại nước ngoài, nhưng với mong muốn “ai cũng được dùng thực phẩm sạch” đã về nước và cho ra đời Chuỗi thực phẩm sạch An Việt (An Việt Food) do anh làm Tổng giám đốc.
Với trình độ thâm canh cao và nhanh nhạy tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật, bà con nông dân tỉnh Hưng Yên từ 5 năm trở lại đây đã dần xoá bỏ tập quán bón phân đơn họ chuyển sang bón phân NPK Văn Điển cho các loại cây trồng nói chung, trong đó có bón cho cây dưa nói riêng rất hiệu quả.
Những ai đến thôn Quế, xã Trà Bùi, huyện miền núi Trà Bồng (Quảng Ngãi) đều không khỏi "mắt tròn mắt dẹt" khi nhìn thấy cây chanh giấy có trái "khủng", với kích cỡ như trái đu đủ ta ở đồng bằng.