Cà phê Việt Nam trước sức ép giảm giá của Brazil
Theo ước tính của Hiệp hội cà phê - Ca cao (Vicofa) sản lượng cà phê niên vụ 2014 - 2015 giảm tới 20%, giá cà phê hiện đang xuống thấp nhất trong vòng mấy năm qua.
Cụ thể, tại thị trường trong nước, giá cà phê hồi đầu vụ ở mức 41.000 đồng/kg và xuất khẩu bán giá FOB (HCM) ở mức trên 2.000 USD/tấn.
Sau đó, giá liên tục giảm, mặc dù có phục hồi nhưng cũng không lên mạnh. Giảm mạnh nhất là tháng 8 với 36.500 đồng/kg cà phê nhân xô và FOB (HCM) chỉ ở mức 1.723 USD/tấn, lần lượt giảm 7,4% và 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về tình hình xuất khẩu, do sản lượng cà phê Việt Nam đang ở mức thấp, 8 tháng đầu năm 2015 lượng xuất khẩu chỉ đạt 873.493 tấn với kim ngạch đạt 1 tỷ 795 triệu USD, giảm 29% về lượng và giảm 29,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, dự kiến lượng xuất khẩu 11 tháng đầu niên vụ 2014 - 2015 chỉ đạt 1.168.816 tấn với kim ngạch đạt 2 tỷ 455 triệu USD, giảm 22,3% về lượng và giảm 19,8% về kim ngạch so với cùng kỳ vụ trước.
Dự kiến cả niên vụ 2014 - 2015 Việt Nam chỉ xuất khẩu được khoảng trên 1,2 triệu tấn, giảm tới 22% so với niên vụ 2013 - 2014 và giảm 12% so với niên vụ 2012 - 2013.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho hay, sản xuất cà phê giảm, giá giảm mạnh đã khiến cho doanh nghiệp xuất khẩu và người trồng cà phê bị thua lỗ lớn. Hiện nay, một số nông dân đã quyết định chuyển sang trồng cây khác như tiêu, bơ, mắc ca,…
Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải bỏ nghề, tìm cách kinh doanh ngành khác.
"Với tình hình thời tiết vẫn đang diễn ra bất ổn, giá cà phê xuống thấp và chương trình tái canh cây cà phê già cỗi vẫn đang ở mức trì trệ, niên vụ tới 2015-2016 sản lượng không thể phục hồi, thậm chí có thể còn thấp hơn vụ này", Vicofa khuyến cáo.
Báo cáo tại cuộc họp mới đây về thương mại nông sản Việt Nam, bà Phạm Kim Dung (Bộ môn Thị trường và Ngành hàng, Viện Chính sách và Chiến lược, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho hay so với 8 tháng năm 2014, xuất khẩu cà phê 8 tháng đầu năm 2015 giảm 14% về lượng, 16% về giá trị.
Các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam đều giảm nhập khẩu, chẳng hạn như thị trường Đức giảm 22% về lượng trong 7 tháng đầu 2015 so với cùng kỳ 2014, thị trường Mỹ giảm 18%, thị trường Ý giảm 9%, thị trường Nhật Bản giảm 0,1%. Ngược lại, xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha tăng 4%.
Theo bà Dung, suy giảm năng lực cạnh tranh về giá đối với cà phê xuất khẩu do các đối thủ cạnh tranh lớn phá giá như cà phê từ Brazil, Colombia. Giá cà phê Arabica của Brazil và Colombia giảm mạnh nhờ phá giá đồng tiền đã gây sức ép đối với xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam.
"Trong khi tồn kho cà phê của các nước đều đang cao, Brazil có thể hạ giá để thúc đẩy xuất khẩu thì Việt Nam ghìm giữ cà phê điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến tình hình xuất khẩu trong thời gian tới", bà Dung khẳng định.
Theo dự báo của IMF, giá cà phê Robusta năm 2016 giảm 10% so với năm 2015, WB dự báo giá cà phê Robusta (cố định) giảm 3% năm 2016, 5% năm 2017, giảm sâu 13% năm 2020 (so với năm 2015).
Để thúc đẩy xuất khẩu cà phê trong thời gian tới, ông Nguyễn Trung Kiên (Viện Chính sách và Chiến lược, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, trong thời gian tới, tận dụng thị trường Mỹ do đồng USD còn có mức giá cao, Việt Nam cần khơi thông thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có lợi thế vào thị trường này như cà phê...
"Các cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ phải xem xét cảnh báo việc doanh nghiệp và người dân dự trữ quá nhiều cà phê để chờ được giá vì các mặt hàng này có hiện tượng dư cung và giá có thể giảm trong những năm tới. Đồng thời, phải đẩy mạnh tái canh cà phê theo tiến độ hợp lý, bắt kịp với mức độ tái canh của các nước xuất khẩu lớn", ông Kiên nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Với việc ra đời Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn (Hà Nội), nhiều người chăn nuôi gà đồi địa phương đang kỳ vọng về một hướng đi mới có sự liên kết bền chặt để vừa giữ vững thương hiệu, vừa mở rộng đầu ra cho sản phẩm.
Hiện nay ở khu vực ĐBSCL có nhiều mô hình nuôi dê khác nhau tùy điều kiện địa lý, đất đai, môi trường.
Là một đảng viên, một cán bộ khuyến nông đã nghỉ hưu, ông Trần Danh Trưởng ở thôn Thiên Đức, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình luôn ý thức rằng mình phải là người tiên phong để phát triển kinh tế ở địa phương.
Dù không phải là vật nuôi truyền thống, có lợi thế phát triển nhưng vài năm gần đây, con dê mang đến cho những hộ nghèo, hộ khó khăn những cơ hội tăng thu nhập, vươn lên, cải thiện đời sống.
Qua thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, niên vụ mía 2015 - 2016, toàn tỉnh có gần 1.000ha mía được bà con trồng lưu gốc, tập trung nhiều ở thành phố Vị Thanh, với khoảng 760ha, chiếm hơn 30% tổng diện tích mía của thành phố (2.500ha). Bởi vì, Vị Thanh là vùng đất cao, ít bị nước lũ đe dọa nên thuận tiện cho bà con áp dụng mô hình canh tác mía lưu gốc.