Cà phê tăng năng suất, tăng giá trị nhờ tham gia PPP
Năng suất, thu nhập cùng tăng
Ông Nguyễn Văn Thành (xã Đăk Wel, huyện Đăk R’lấp, Đăk Nông) cho biết, gia đình có hơn 2ha cà phê. Những năm trước, do chưa được tiếp cận nhiều với khoa học kỹ thuật nên ông Thành chỉ chăm sóc cà phê theo kinh nghiệm. “Cứ nghĩ bón phân nhiều sẽ giúp cà phê cho năng suất cao, nhưng ngược lại càng về sau vườn cây càng suy giảm nhanh do mất cân đối.
Năm 2012, qua sự giới thiệu của cán bộ khuyến nông địa phương, tôi đã tham gia vào chương trình PPP của Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh. Khi tham gia chương trình này, nhờ được hướng dẫn cách duy trì cân bằng dinh dưỡng cho đất và cây trồng, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, năng suất cà phê của gia đình tôi đã ngày càng ổn định, tăng hơn trước 10% so với trước đây”- ông Thành nói.
Ông Nguyễn Văn Lợi (xã Nam Bình, huyện Đăk Song) là nông dân tham gia vào chương trình PPP từ những ngày đầu cũng khẳng định, từ khi tham gia vào PPP, ông đã có thêm những kinh nghiệm trong việc chăm sóc, phòng bệnh cho cây cà phê. Nhờ đó, năng suất cà phê của gia đình ông được cải thiện, vườn cà phê sinh trưởng, phát triển ổn định hơn.
Đến nay, chương trình đã xây dựng được 15 nhóm nông dân PPP (gần 1.200 hộ tham gia với diện tích 2.249 ha cà phê) sản xuất cà phê bền vững theo bộ quy tắc 4C, với 15 vườn mẫu. Qua đánh giá, năng suất cà phê bình quân của người dân khi tham gia chương trình đạt 3,1 tấn/ha, tăng khoảng 13% so với sản xuất truyền thống.
Theo ông Nguyễn Quang Tuấn- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh Đăk Nông, PPP là chương trình do đơn vị triển khai từ năm 2012, tại 2 huyện Đăk R’Lấp, Đăk Song và Tuy Đức. Chương trình lấy Hợp tác xã (HTX) Đoàn Kết, xã Nam Bình (Đăk Song) làm trung tâm.
HTX này sẽ là đại diện trực tiếp kết nối các công ty cung cấp vật tư nông nghiệp, công ty thu mua cà phê... Các HTX và các nhóm nông dân PPP khác sẽ liên kết với HTX này để có được các đơn hàng lớn cũng như được mua vật tư nông nghiệp với giá sỉ ưu đãi.
Phải bứt phá để “vượt vũ môn”
Cũng theo ông Tuấn, PPP là chương trình phối hợp nhà nước, doanh nghiệp, các nhà đầu tư và nông dân thành lập chuỗi giá trị, các nhóm nông dân PPP, tạo mối liên kết cộng đồng, xóa bỏ dần tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tạo nên sức mạnh của sự hợp tác phát triển sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, thương hiệu sản phẩm một cách toàn diện, bền vững.
Đồng thời, xây dựng mô hình trình diễn về kỹ thuật làm cơ sở để trao đổi kinh nghiệm, học tập, tập huấn, trang bị kiến thức, thông tin và kỹ năng cần thiết cho nông dân. Chương trình cũng tạo mối liên kết giữa nông dân với các nhóm, các nhà đầu tư, kinh doanh và cộng đồng trong mối quan hệ hữu cơ về mặt lợi ích, quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ cùng đồng hành tồn tại, phát triển.
Đến nay, chương trình đã xây dựng được 15 nhóm nông dân PPP sản xuất cà phê bền vững theo bộ quy tắc 4C, với 15 vườn mẫu. Thông qua chương trình, Công ty Nestlé đã hỗ trợ 23.000 cây giống để nông dân tái canh với giá ưu đãi 50%.
“Qua hơn 3 năm, chương trình này đã xây dựng được mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư theo hình thức mua chung, bán chung. Tăng độ đồng đều vườn cây, duy trì cân bằng dinh dưỡng cho đất và cây trồng, sử dụng phân bón, hóa chất, thuốc BVTV, nguyên nhiên vật liệu hợp lý, hiệu quả; tiết kiệm chi phí, tiết kiệm 40% nước tưới, giảm 50% lượng khí thải nhà kính; duy trì ổn định năng suất giúp nông dân có thêm thu nhập khoảng 16 triệu đồng/ha/năm. Tuy hiệu quả của chương trình này đã được khẳng định song do một số vướng mắc nên chương trình chưa thể triển khai một cách đại trà được. Vì vậy, nông dân rất cần được hỗ trợ về cơ chế, chính sách hơn nữa để thực sự “vượt vũ môn” khi đã có bước đà thuận lợi”- ông Tuấn cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Theo Sở NN&PTNT, hạn hán, xâm nhập mặn đã dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất. Toàn tỉnh Bạc Liêu đã có khoảng 6.000ha lúa - tôm bị thiệt hại.
Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, giá gà thịt đã bắt đầu tăng trừ 10.000 - 15.000 đồng/kg, cải thiện thu nhập cho người nuôi gà.
Ba Vì là huyện miền núi của Hà Nội với địa hình chia thành hai vùng: Vùng đồi núi và vùng đồng bằng. Huyện có khí hậu nhiệt đới gió mùa, diện tích cây ăn quả, cây lâm nghiệp lớn, giao thông thuận lợi…