Cá nuôi trên núi
Những ngày đầu tháng 6, các hộ nuôi cá ở huyện miền núi Nam Đông tiến hành thả giống vụ mới. Có hộ đã hoàn thành việc xuống giống cách đây mười ngày, cá phát triển tốt. Các loại cá được thả nuôi chủ yếu là trắm cỏ, chép, mè, rô phi đơn tính. Trong điều kiện chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi, trọng lượng cá có thể đạt đến 5-7kg.
Ông Ta Rương ở xã Thượng Quảng, một trong những người tiên phong trong phong trào nuôi cá ở địa phương, vừa thu hoạch xong vụ cá đầu năm cách đây khoảng hai tuần, ước sản lượng khoảng 7 tạ/diện tích 1.500m2. Ông Ta Rương phấn khởi: “Vụ này cá phát triển tốt. Trọng lượng bình quân mỗi con cá trắm cỏ từ 3-4kg. Có nhiều con đạt 6-7kg. Ước thu nhập trên 20 triệu đồng, trừ chi phí thức ăn, con giống, lãi chừng 15 triệu đồng”. Ông Ta Rương cho biết thêm, ở xã Thượng Quảng khoảng trăm hộ nuôi cá, hầu như hộ nào cũng có lãi từ 10 triệu đồng trở lên.
Xã Thượng Nhật cũng là địa phương có nhiều hộ nuôi cá, đời sống ổn định, như hộ Hồ Thương Nam ở thôn Hợp Hòa; Hồ Văn Dương ở thôn 3… Ông Nam khoe: “Nhờ nuôi cá, vợ chồng tôi tích lũy được vốn, mở rộng phát triển sản xuất chăn nuôi lợn, gà. Bình quân mỗi năm lãi trên 100 triệu đồng, có điều kiện nuôi con ăn học đến nơi đến chốn, đời sống kinh tế ổn định. Ngôi nhà xây kiên cố khang trang, đầy đủ các tiện nghi phục vụ sinh hoạt, một phần nhờ tích lũy từ nuôi cá”.
Bí thư Đảng ủy xã Thượng Nhật, Trần Văn Biển khá hào hứng khi chia sẻ chuyện nuôi cá ở Thượng Nhật. Năm năm trước, trên địa bàn xã chỉ có vài hộ nuôi cá, chủ yếu để cải thiện bữa ăn hằng ngày. Không ngờ cá phát triển tốt, có lãi nên các hộ mở rộng diện tích nuôi, đến nay trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn. Hộ nuôi ít cũng một sào, hộ nhiều vài ba sào trở lên. Diện tích nuôi cá toàn xã Thượng Nhật đến nay khoảng 13 ha và sẽ mở rộng thêm trong thời gian đến.
Tại xã Hương Hòa, nhiều hộ nuôi cá đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ông Phạm Đình Sơn ở thôn 11 cởi mở: “Nuôi cá ở đây phát triển rất tốt, ít khi xảy ra dịch bệnh. Hơn ba năm nuôi cá, hầu như vụ nào cũng có lãi. Nuôi cá tuy lãi không quá cao, nhưng ổn định, bền vững”. Hộ ông Sơn nuôi khoảng 1.500m2, các loại cá trắm cỏ, mè, chép, vừa lãi 13 triệu đồng. Ông Sơn vừa thả giống vụ nuôi thứ hai, vào cuối năm (tháng 11-12) cho thu hoạch.
Ông Phạm Đình Sơn chia sẻ: “Điều kiện thời tiết trên địa bàn Nam Đông tương đối thuận lợi, nguồn nước trong ao luôn mát mẻ, thích hợp cho cá phát triển. Hệ thống ao hồ chủ yếu ở gần khe suối nên rất mát, dễ dàng cho việc cung cấp nước làm sạch môi trường trong ao, kích thích cá phát triển nhanh. Nguồn nước mát và luôn thay đổi nên hầu như không gây ô nhiễm môi trường”.
Ông Trần Công Thành, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Đông cho biết, mấy năm gần đây, nuôi cá là một trong những mô hình nông nghiệp được huyện chú trọng đầu tư. Nguồn sản phẩm không những giúp các hộ gia đình cải thiện dinh dưỡng, mà còn tạo cơ hội thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Điều kiện thời tiết, môi trường, nguồn nước từ các khe suối đổ về thích hợp cho các loại cá phát triển nhanh.
Diện tích nuôi cá toàn huyện Nam Đông đến nay trên 70ha, thu nhập bình quân mỗi ha 150 triệu đồng/vụ. Ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các địa phương đang khảo sát, quy hoạch, chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang đào ao nuôi cá. Đây là hướng đi phù hợp trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, ổn định cuộc sống người dân.
Có thể bạn quan tâm
Phường Nhị Mỹ, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang từng được biết đến là một làng nghề nổi tiếng của tỉnh nhà về nghề nuôi dưỡng, ương ép cá giống. Tuy nhiên, do cơ chế thị trường cũng như sự thăng trầm của nền kinh tế vốn nhiều biến động cùng với điệp khúc “được mùa, rớt giá” thường xuyên xảy ra nên làng nghề ương ép, nuôi dưỡng cá giống của phường Nhị Mỹ cũng có khi lên, khi xuống.
Huyện Bảo Thắng (Lào Cai) là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nuôi thủy sản. Mật độ ao, hồ của huyện tương đối lớn, người dân có kinh nghiệm nuôi thủy sản lâu năm. Những năm gần đây, người dân còn mạnh dạn đầu tư, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi thủy sản.
Vụ 1/2016, Nghệ An thả nuôi 1.052 ha tôm, đến nay một số ao đầm ở các địa phương đã cho thu hoạch sớm với sản lượng hơn 290 tấn.