Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Cà Mau siết chặt quản lý tôm giống nhập tỉnh

Cà Mau siết chặt quản lý tôm giống nhập tỉnh
Tác giả: Hoàng Diệu
Ngày đăng: 12/04/2016

Theo dự báo của Sở NN&PTNT, trong năm 2016, lượng tôm giống nhập tỉnh sẽ không tăng do tình hình thời tiết bất lợi. Hiện diện tích thả giống chỉ đạt khoảng 30 - 45%/tổng diện tích nuôi.

Để tiến đến thắt chặt tôm giống chất lượng cho người dân thả nuôi, năm 2015, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất tôm giống thực hiện chương trình thí điểm tại 9 xã, thuộc 3 huyện: Cái Nước, Đầm Dơi và Phú Tân, với sự tham gia của 10 công ty. Qua tổng kết, nhiều đại biểu đánh giá kết quả trên chưa mang tính chiều sâu do việc theo dõi, thí điểm chỉ mang tính đại diện 1 đến 10 hộ nuôi. Việc đánh giá mức độ thành công của công ty chưa thể khẳng định với một hay số ít hộ như trên mà cần có sự giám sát và nghiên cứu có chiều sâu từ vài chục hộ đến 100.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Trương Minh Út cho biết: "Còn hạn chế về số lượng hộ nuôi thả giống để thực hiện giám sát. Danh sách các hộ nuôi thả giống phục vụ cho công tác giám sát được cung cấp từ các công ty/doanh nghiệp khai báo gởi về chưa chính xác. Vì lý do kinh doanh, bảo mật thông tin nên nhiều cơ sở nhập giống vào Cà Mau khai báo chưa đúng sự thật, còn dè chừng, che giấu thông tin”.

Vấn đề này, ông Dương Hùng, Giám đốc Công ty Tôm giống Dương Hùng, cho rằng: “Đối với công ty tôm giống, khi giao tôm cho đại lý hay nông dân nuôi thì ít nhất phải quản lý trên 70% hộ thả nuôi. Phải nắm danh sách địa chỉ hộ nuôi để có cơ sở đúc kết có bao nhiêu hộ thành công và bao nhiêu hộ thất bại. Qua đó, nắm được nguyên nhân của thành công và thất bại để công ty có hướng hỗ trợ nông dân về con giống, hay kỹ thuật nuôi”.

Về quản lý thương hiệu, nhãn bao bì, theo báo cáo các doanh nghiệp lớn, hiện nay, có nhiều tỉnh cho phép làm nhiều nhãn hiệu bao bì chủ yếu là bán vào Cà Mau. Khi nhập ấu trùng vào trại ươm thì phải báo kiểm dịch nhập phần mềm theo dõi để căn cứ cấp giấy kiểm dịch khi xuất trại bán. Việc các cơ sở sản xuất nhập ấu trùng về ươm bán tôm post giá rẻ là vấn đề mà các ngành chức năng đang quan tâm siết chặt hơn đối với các doanh nghiệp nhập tôm mẹ. Bởi tôm bố mẹ sử dụng hơn 4 tháng (thời gian quy định là 4 tháng để sản xuất) và sử dụng thức ăn không chất lượng trong quá trình nuôi dưỡng là nguồn gốc của tôm giá rẻ được bán trên thị trường trong nhiều năm qua.

Ông Trần Hậu Điển, Giám đốc Công ty Tôm giống Trần Hậu Điển, cho rằng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phải quản lý thêm nguồn gốc tôm, thời gian nhập và khung được phép sản xuất đối với tôm bố mẹ mà vấn đề này trong thời gian qua còn bỏ ngỏ. Có như vậy, tình trạng bán ấu trùng, tôm giá rẻ mới được đẩy lùi.

Vấn đề các trại dèo, ươm ấu trùng, post nhỏ được các doanh nghiệp sản xuất giống, cũng như ngành chức năng, nhận định là “con dao 2 lưỡi” cho người nuôi. Các tỉnh nhập giống cần xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển tôm không có giấy kiểm dịch hoặc sai nhãn hàng do cơ sở cố tình đóng nhãn hiệu khác. Đồng thời, khuyến cáo người nuôi tôm trực tiếp ra cơ sở nhập giống chọn lựa và xét nghiệm tôm trước khi mua về thả nuôi là giải pháp tốt nhất cho bài toán tôm giống chất lượng.

Mỗi công ty khi tham gia chương trình giám sát cùng cử một nhân viên phối hợp với nhân viên thú y cùng giám sát và hỗ trợ kỹ thuật cho các ao nuôi đã thả giống để mang tính thống nhất cùng thực hiện. Cùng lấy thông tin giám sát từ người nuôi và thống nhất giữa các công ty về nội dung giám sát. Với những giải pháp trên sẽ từng bước đẩy lùi tôm giống kém chất lượng, nâng cao tôm giống chất lượng, đáp ứng cho người dân nuôi tôm, góp phần cho nghề nuôi tôm Cà Mau phát triển bền vững hơn.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhận định: “Chương trình phối hợp giữa các tỉnh có cung ứng tôm giống và tỉnh nhập giống phải thực hiện việc truy xuất nguồn gốc chặt chẽ hơn. Có các biện pháp quản lý chặt chẽ các đối tượng nhập tôm bố mẹ, nhập ấu trùng tôm về ươm, sản xuất giống, các cơ sở dịch vụ thu gom cung cấp giống. Cần nghiên cứu áp dụng các chế độ hậu kiểm đối với các doanh nghiệp đã ký kết áp dụng chương trình giám sát. Ðối với giống của doanh nghiệp khi nhập vào Cà Mau đạt chất lượng thả nuôi hiệu quả, chỉ kiểm tra giấy kiểm dịch khi lưu thông”.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi thủy sản mùa nước mặn Nuôi thủy sản mùa nước mặn

Hạn hán kỷ lục năm 2016 khiến nông dân trồng lúa lo lắng vì mất mùa do nạn xâm nhập mặn. Huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai có hàng trăm hécta đất lúa ven sông chỉ sản xuất được 1 - 2 vụ/năm, cho thu nhập thấp vì bị nhiễm mặn vào mùa khô. Nhiều nông dân đã chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi tôm, cua… biến khó khăn thành cơ hội làm giàu.

12/04/2016
Khánh Hòa có tổng sản lượng thủy sản đạt gần 18.500 tấn Khánh Hòa có tổng sản lượng thủy sản đạt gần 18.500 tấn

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quý I/2016, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh Khánh Hòa đạt gần 18.500 tấn, tăng 3,87% so cùng kỳ năm trước.

12/04/2016
Bào ngư Cô Tô (Quảng Ninh) Bào ngư Cô Tô (Quảng Ninh)

Là một loại hải sản quý, có giá trị kinh tế cao, bào ngư Cô Tô (Quảng Ninh) đã được đăng ký sản phẩm OCOP của địa phương. Hiện bào ngư được quan tâm nhân giống, sản xuất thương phẩm, mở ra triển vọng lớn cho nghề nuôi trồng và chế biến bào ngư ở Cô Tô.

12/04/2016
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.