Bào ngư Cô Tô (Quảng Ninh)
Theo khảo sát của các cơ quan chuyên môn, Cô Tô có điều kiện thuận lợi về địa hình, môi trường, độ mặn nước biển nên bào ngư ở đây phát triển tốt, chất lượng cao. Ở Cô Tô, bào ngư phân bố trên diện hẹp, chỉ có ở một phần hòn Ba Đỉnh, phía Đông đảo Thanh Lân, Đông Bắc Cô Tô con, Đông Nam Cô Tô lớn…
Bào ngư vừa có giá trị kinh tế lại bổ dưỡng, tốt cho sức khoẻ, vì vậy, từ xưa bào ngư đã trở thành một sản phẩm có giá trị được nhiều người ưa chuộng. Bào ngư thường được đánh bắt từ tháng 4 đến tháng 8 Dương lịch, với giá bán từ 1 - 1,2 triệu đồng/kg tươi. Điều đáng nói, dù bào ngư bán tươi hay phơi khô hoặc ngâm rượu… đều được du khách đánh giá cao. Hiện việc đánh bắt và chế biến bào ngư đã và đang trở thành một nghề đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng/mùa cho người dân. Tuy nhiên để gây dựng thương hiệu, xây dựng sản phẩm OCOP, bào ngư Cô Tô thường được lựa chọn kỹ lưỡng, đạt tiêu chuẩn, chất lượng tốt chế biến thành phẩm.
Từ năm 2013, bào ngư đã được các cơ quan chức năng quan tâm đăng ký sản phẩm OCOP địa phương. Thế nhưng, những năm gần đây, bào ngư bị khai thác nhiều, có nguy cơ cạn kiệt. Sản lượng đánh tự bắt tự nhiên trên địa bàn huyện thấp dần, chỉ đạt từ 70 - 100kg/mùa/năm.
Trước thực trạng này, nhằm khôi phục nguồn lợi, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng như địa phương đang nỗ lực vào cuộc thực hiện các dự án nhân giống, nuôi trồng, phát triển loại thương phẩm bào ngư. Theo đó, năm 2014, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Nghiên cứu thuỷ sản (Hải Phòng) tiến hành Dự án thử nghiệm mô hình nuôi thương phẩm bào ngư 9 lỗ bằng giống nhân tạo tại đảo Cô Tô. Dự án đã đưa khoảng 3 vạn con giống ở Trung tâm nuôi cấy ở Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) về thí điểm ở 4 đơn vị và hộ gia đình tại Cô Tô. Anh Đỗ Anh Duy, cán bộ phụ trách kỹ thuật Dự án, cho biết: Dự án đã thực hiện thí điểm ở các vùng biển có điều kiện về độ mặn, có sóng, rạn đá đáy, nguồn thức ăn… giống như điều kiện sống tự nhiên của bào ngư. Kết quả ban đầu cho thấy, bào ngư sinh trưởng tốt, tỉ lệ sống đạt 70 - 80%. Do hình thức nuôi trồng gần như tự nhiên, nên chất lượng sản phẩm không kém gì bào ngư tự nhiên.
Cùng với đó, nhằm cung cấp con giống cho các hộ nuôi trồng, đầu năm 2015, Dự án Sản xuất giống bào ngư thuộc Dự án giống thuỷ sản của Tổng cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã được triển khai, cung cấp trên 8 vạn con giống/năm cho huyện đảo.
Trong danh mục sản phẩm chủ lực và Đề án quy hoạch, xây dựng, phân vùng sản xuất tập trung năm 2020 định hướng đến năm 2030 của huyện Cô Tô, bào ngư được xác định là một trong những sản phẩm được tập trung quy hoạch, phát triển.
Với những định hướng, chuyển động tích cực trên, tin rằng trong tương lai không xa, tiềm năng, thế mạnh về nuôi trồng chế biến nguồn lợi này sẽ được phát huy đúng mức, đem lại những sản phẩm có giá trị cao cho huyện đảo Cô Tô.
Có thể bạn quan tâm
Hạn hán kỷ lục năm 2016 khiến nông dân trồng lúa lo lắng vì mất mùa do nạn xâm nhập mặn. Huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai có hàng trăm hécta đất lúa ven sông chỉ sản xuất được 1 - 2 vụ/năm, cho thu nhập thấp vì bị nhiễm mặn vào mùa khô. Nhiều nông dân đã chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi tôm, cua… biến khó khăn thành cơ hội làm giàu.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quý I/2016, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh Khánh Hòa đạt gần 18.500 tấn, tăng 3,87% so cùng kỳ năm trước.
Tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến diện tích nuôi trồng thủy sản của bà con nông dân thời gian qua, đặc biệt là đối với bà con vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây chính là lý do khiến lượng tôm cung cấp ra thị trường ngày càng trở nên khan hiếm, đẩy giá tôm lên cao, đặc biệt lại đang là thời điểm giao vụ.