Cà Mau: Nuôi tôm siêu thâm canh 1.000m2 thu 9 tấn, thu lãi cao ngất
Dù chỉ mới xuất hiện mấy năm gần đây, tuy nhiên hình thức nuôi tôm siêu thâm canh đã mang lại hiệu quả vượt bật. Điều này dẫn đến diện tích nuôi tăng nhanh, đồng thời cũng kéo theo nhiều hệ lụy, nhất là vấn đề gây ra ô nhiễm môi trường.
Người dân xã Hòa Tân (TP.Cà Mau) thu hoạch tôm thẻ chân trắng nuôi theo hình thức siêu thâm canh (Ảnh: T.A).
Hiệu quả vượt trội
Qua thực tế sản xuất cho thấy, sở dĩ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh được đông đảo nông dân, doanh nghiệp quan tâm là bởi sản lượng cao vượt trội, tỷ lệ thành công cao hơn so với hình thức nuôi tôm công nghiệp truyền thống rất nhiều.
Mô hình của ông Nguyễn Văn Tuần (ngụ xã Phú Thuận, huyện Phú Tân) là một điển hình. Ông Tuần cho biết: Để thực hiện mô hình, tôi thiết kế ao 2 nuôi, một ao có diện tích 1.000m2 và một ao có diện tích hơn 1.000m2; một ao gièo tôm giống, với diện tích 200m2; ao lắng thô, ao xử lý, ao sẵn sàng và ao xử lý nước thải với tổng diện tích gần 8.800m2…
“Tôm giống đem về được thả vào ao gièo trong thời gian khoảng 1 tháng mới thả xuống ao nuôi. Sau thời gian nuôi hơn 3 tháng, tôm đạt trọng lượng bình quân 33 con/kg, vụ tôm vừa rồi gia đình tôi đã thu hoạch được khoảng 9 tấn tôm/1.000m2. Thời điểm thu hoạch tôm có giá khoảng 160.000/kg, sau khi trừ chi phí tôi thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng” - ông Tuần chia sẻ.
Được biết, huyện Phú Tân là một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm siêu thâm canh lớn của tỉnh và số diện tích mới thả nuôi vẫn đang tăng lên nhanh chóng, hiện có khoảng 200ha diện tích với 117 hộ thả nuôi.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, diện tích nuôi tôm công nghiệp giảm so với cuối năm 2016, tuy nhiên diện tích nuôi tôm siêu thâm canh tăng khá nhanh. Theo đó, hiện tại đã có khoảng 570 hộ nuôi, với gần 680ha (trong đó ao nuôi khoảng 250ha); năng suất thu hoạch khoảng 20 - 50 tấn/ha/vụ, tỷ lệ thành công trên 85%.
Không để phát triển tràn lan
Tuy có hiệu quả cao, nhưng rào cản hiện nay của đa số nông dân khi thực hiện mô hình là ở trình độ kỹ thuật hạn chế, lượng điện tiêu thụ, chi phí đầu tư ban đầu lớn… Ngoài ra, việc phát triển mô hình cũng đặt ra nhiều thách thức, nhất là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Nông dân huyện Cái Nước kiểm tra độ pH trong ao tôm (Ảnh: T.A).
Thời gian qua, UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức nhiều chuyến kiểm tra thực tế tại các địa phương. Điều đáng nói là phần lớn số hộ được kiểm tra chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết khi đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh, như: Chưa có khu xử lý nước thải, lén lút xả thải trực tiếp ra môi trường; đầu tư khu xử lý nước thải, nhưng chưa đạt yêu cầu; hệ thống điện phục vụ nuôi tôm chưa đảm bảo an toàn;…
Cụ thể, theo báo cáo, hiện huyện Đầm Dơi có khoảng 300 hộ đầu tư với 300ha diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, riêng trong tháng 9 đã tăng thêm 52 hộ nuôi tôm theo hình thức này. Tuy nhiên, qua kiểm tra của cơ quan chuyên môn, hiện có 84 hộ thiếu điều kiện và cần bổ sung để hoàn thiện, 48 hộ không đủ điều kiện để thả nuôi…
Còn tại huyện Phú Tân có đến 64 hộ chưa đáp đầy đủ kỹ thuật, quy trình nuôi chưa đảm bảo như hướng dẫn của ngành chuyên môn.
Tại chuyến kiểm tra vừa qua, ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh: Chính quyền địa phương cần thắt chặt hơn trong công tác quản lý đăng ký đối với các hộ nuôi tôm theo mô hình này, kiên quyết không cấp phép cho nuôi đối với các hộ không đủ điều kiện. Nghiêm cấm các hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường.
“Đối với những hộ không đủ điều điện những vẫn lén lút thả nuôi, địa phương đang tính đến phương án cắt điện đối với các hộ này” - ông Nguyễn Chí Thuần - Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi cho biết tại phiên họp thường kỳ đầu tháng 10.
Tỉnh Cà Mau chủ trương không phát triển tràn lan nuôi tôm siêu thâm canh (Ảnh: T.A).
Tỉnh Cà Mau chủ trương ra sức kiềm chế, không để tình trạng phát triển tràn lan dẫn đến mất kiểm soát, làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ngành hàng chủ lực.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh cũng vừa có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai nhanh nhiều giải pháp đồng bộ. Sở NNPTNT chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương… tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định về điều kiện, quy trình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh phù hợp với tình hình thực tế.
Ngoài ra, các doanh nghiệp có hợp đồng cung ứng giống, thức ăn, vật tư đầu vào phải cam kết hướng dẫn cho người dân thực hiện đúng quy trình xây dựng ao đầm theo mô hình của đơn vị đã đăng ký, được Sở NNPTNT chấp nhận, bảo đảm xử lý nước thải, chất thải khi nuôi tôm, không ô nhiễm môi trường và an toàn về điện.
Đặc biệt, cán bộ có liên quan, người đứng đầu địa phương những nơi không thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, để tồn tại, phát sinh tình trạng nuôi nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh xả thải gây ô nhiễm môi trường sẽ bị kiểm điểm trách nhiệm.
Có thể bạn quan tâm
Những công nghệ do DBT tạo ra đã giúp nâng cao năng suất tôm nước ngọt tại Ấn Độ từ 1,5 - 2 tấn/ha và mang lại lợi nhuận trực tiếp cho nông dân.
Mô hình nuôi tôm sú - sò huyết dưới tán rừng ngập mặn do chương trình ICMP đã mang lại những kết quả đáng khích lệ, tăng thêm thu nhập, lại bảo vệ rừng
Năm 2017 huyện Thanh Chương nuôi 1,5ha tôm càng xanh trong ruộng lúa. Đến nay, bắt đầu thu hoạch tôm, ước tính đạt 1,5 tấn tôm thương phẩm.