Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Nuôi tôm - sò dưới tán rừng ngập mặn, thêm thu nhập, lại bảo vệ rừng

Nuôi tôm - sò dưới tán rừng ngập mặn, thêm thu nhập, lại bảo vệ rừng
Tác giả: Đào Chánh - Hữu To
Ngày đăng: 03/11/2017

Rừng vàng biển bạc. Những hộ dân nhận khoán đất rừng phòng hộ ven biển An Biên - An Minh (Kiên Giang) đang có cả hai yếu tố này để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu bằng việc phát triển rừng và nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng.

Rừng ngập mặn mới được trồng thêm trong vuông nuôi để tăng độ che phủ

Mô hình nuôi tôm sú - sò huyết dưới tán rừng ngập mặn do chương trình ICMP - (chương trình Bảo vệ tổng hợp vùng ven biển do Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) hỗ trợ) phối hợp với Chi cục Thuỷ sản Kiên Giang và Ban Quản lý rừng An Biên - An Minh tổ chức thực hiện từ năm 2016 - 2017 tại 2 xã Đông Hưng A và Tân Thạnh (huyện An Minh) đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Tổng cộng có 20 hộ nông dân nòng cốt ở 2 xã trên được chọn để tham gia thí điểm mô hình.

Tham gia mô hình, các hộ nông dân được cán bộ kỹ thuật tập huấn chuyên đề về: Vai trò của rừng trong nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật nuôi sò huyết dưới tán rừng và nâng cao năng lực quản lý tổ hợp tác, ý thức cộng đồng cùng quản lý mô hình tôm - sò rừng.

Từ nguồn vốn của chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC), Ban Quản lý rừng An Biên - An Minh đã hỗ trợ cây giống và san ủi mặt bằng trong ao để nông dân phát triển thêm rừng đước.

Bước đầu, 20 hộ đã tiên phong trồng được 10,7ha rừng ngập mặn trong vuông tôm - sò, tăng thêm 23% diện tích rừng trong nhóm hộ và nâng diện tích rừng lên 34,7% so với ban đầu là 11,4%. Tuy chưa đạt diện tích rừng theo quy định trong việc giao nhận khoán rừng với địa phương (tỷ lệ 70% rừng, 30% ao nuôi trồng thủy sản) nhưng kết quả cũng thể hiện được nhận thức của người dân về vai trò của rừng đối với môi trường sống; đặc biệt là đối với hoạt động nuôi trồng thuỷ sản dưới tán rừng nhờ sản lượng thu được tăng hơn so với nhiều năm qua trong khu vực.

Nhờ sự hỗ trợ của chương trình ICMP về con giống sò huyết và các hoạt động chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm - sò, Chi cục Thuỷ sản Kiên Giang đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm - sò dưới tán rừng cho 20 hộ dân, phối hợp thu mua sò giống đúng quy chuẩn cũng như theo dõi diễn biến tăng trưởng và nguồn nước trong ao nuôi. Đặc biệt nhờ gia tăng được diện tích rừng, tạo được độ mát bước đầu cho mặt ao nuôi kết hợp với chế độ điều tiết nước phù hợp đúng kỹ thuật đã tạo được hiệu quả tốt cho việc nuôi tôm - sò dưới tán rừng ngập mặn.

Ông Nguyễn Sỹ Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết: “Sau gần một năm thả nuôi, năng suất bình quân các hộ thu hoạch đạt được 2.403kg sò huyết/ha (tăng gấp 2 lần so với thời điểm trước khi có dự án là năm 2015) và 246kg tôm sú/ha (tăng 2,8 lần so với trước dự án). Doanh thu đạt khoảng 210 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí lợi nhuận còn lại khá cao, trung bình đạt gần 150 triệu đồng/ha”.

Hiệu quả của mô hình đã giúp người dân thấy được lợi ích của công tác bảo vệ rừng kết hợp với nuôi trồng thủy sản, qua đó góp phần bảo vệ và phát triển rừng. Mô hình nuôi tôm - sò dưới tán rừng ngập mặn tại huyện An Minh không những cải thiện đáng kể sinh kế người dân mà còn góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu nhờ từng bước gia tăng diện tích rừng ngập mặn.


Có thể bạn quan tâm

Tìm đầu ra cho tôm càng xanh Tìm đầu ra cho tôm càng xanh

Năm sau diện tích nuôi mở rộng hơn, năng suất, sản lượng tôm thu hoạch luôn cao hơn năm trước, lại bán được giá, mà còn có lúa chất lượng ngon, bán được giá.

02/11/2017
Nuôi cá chình lợi nhuận gấp 2-3 lần chi phí đầu tư, rủi ro thấp Nuôi cá chình lợi nhuận gấp 2-3 lần chi phí đầu tư, rủi ro thấp

Là loài có sức đề kháng cao, nguy cơ nhiễm bệnh thấp cùng với giá bán thương phẩm luôn giữ mức cao và ổn định, cá chình thương phẩm đang là hướng đi triển vọng

03/11/2017
Công nghệ sinh học: Đòn bẩy cho ngành thủy sản Ấn Độ Công nghệ sinh học: Đòn bẩy cho ngành thủy sản Ấn Độ

Những công nghệ do DBT tạo ra đã giúp nâng cao năng suất tôm nước ngọt tại Ấn Độ từ 1,5 - 2 tấn/ha và mang lại lợi nhuận trực tiếp cho nông dân.

03/11/2017