Cá da trơn Việt Nam có visa chính thức vào thị trường Mỹ
Mỹ công nhận tương đương hệ thống kiểm soát ATTP, 4 công ty đã qua đợt rà soát thuế chống bán phá giá được xuất khẩu cá tra vào Mỹ với thuế suất 0%.
Cá da trơn Việt Nam có “visa” chính thức vào thị trường Mỹ.
Sau 3 năm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền, tập huấn cho hàng triệu hộ dân về đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm (ATTP) trong quá trình sản xuất con giống, nuôi trồng, sơ chế… Qua nhiều cuộc đàm phán, đánh giá thực địa hệ thống kiểm soát ATTP cá da trơn Việt Nam. Ngày 31/10/2019, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chính thức công bố quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm soát ATTP các da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
Khi đoàn thanh tra của Cơ quan thanh tra An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) công bố dự thảo công nhận hệ thống của Việt Nam xin ý kiến công chúng, kết quả Việt Nam đạt mức cao nhất với 80% ủng hộ, Trung Quốc đạt 57% và Thái Lan là 40%.
Việc Mỹ công nhận tương đương hệ thống kiểm soát ATTP cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ là điều kiện ngành cá tra (sản phẩm cá da trơn xuất khẩu chủ lực) có điều kiện thuận lợi phát triển.
Diện tích nuôi cá tra tại Việt Nam khoảng 5.000 ha nhưng kim ngạch xuất khẩu đã đạt 1,8 tỷ USD. Ngành cá tra Việt Nam cũng đang tăng cường liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, ứng dụng công nghệ, tăng giá trị… tận dụng lợi thế để phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đáp ứng yêu cầu ATTP tương đương của Mỹ sẽ góp phần chuyển mạnh ngành nuôi cá tra từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất lớn trên cơ sở kiểm soát có hệ thống để phát triển ngành thuỷ sản bền vững.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) hệ thống kiểm soát ATTP của Mỹ thuộc mức độ chặt chẽ nhất trên thế giới thậm chí cao hơn cả tiêu chuẩn châu Âu và Nhật Bản. Đáp ứng ATTP ở thị trường “khó tính” là Mỹ sẽ là “giấy chứng nhận” đảm bảo cho cá da trơn Việt Nam sang các thị trường khác.
Có thể bạn quan tâm
Thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, xen lẫn mưa trái mùa, làm cho việc quản lý môi trường ao nuôi tôm khó khăn hơn
Các loài hai mảnh vỏ (hến, vẹm, trai, hàu…) thường được tìm thấy trong ao nuôi tôm và các kênh dẫn nước ở giai đoạn ấu trùng có tiêm mao sống phù du (veliger).
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt 1,08 tỷ USD.