Bưởi Da Xanh Vào Vụ Tết
Đến tỉnh Bến Tre vào những ngày cuối năm, đâu đâu cũng thấy người dân trồng bưởi da xanh hồ hởi, phấn khởi cười nói râm ran, bàn về cách chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, cách thu hoạch bưởi vào thời điểm nào bán được giá…
KỲ VỌNG TẾT CON RỒNG
Gặp tôi giữa vườn bưởi da xanh trĩu quả, ông Lê Văn My, ấp 3, xã Phú Nhuận, TP Bến Tre phấn khởi nói: “Lúc đầu tôi chỉ trồng 20 – 30 cây bưởi da xanh, do thiếu kinh nghiệm, không có kỹ thuật, cây chết gần hết. Sau đó nhờ Trung tâm Khuyến nông, Hội Nông dân thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyên đề về cây bưởi da xanh, tôi học hỏi được rất nhiều, được hỗ trợ về con giống, về vốn. Đến nay tôi không những trồng tốt bưởi theo cách truyền thống mà còn làm được VietGAP”.
Hiện gia đình ông đã trồng được hơn 1 ha bưởi da xanh, cho thu nhập mỗi năm trên 250 triệu đồng. Ông My cũng nói chắc như đinh đóng cột, tết năm nay người dân trồng bưởi da xanh ở Mỹ Thạnh An nói riêng, tỉnh Bến Tre nói chung sẽ thắng lớn, nhiều nhà đã đặt nguyên cả con heo quay về ăn tết. “Tết này giá bưởi dự đoán sẽ rất tốt, vợ chồng tôi dự tính gom góp lại để làm sổ hưu cho tuổi già” – ông My phấn khởi.
Tương tự, anh Đào Văn Minh - Tổ phó Tổ hợp tác sản xuất bưởi da xanh Phú Thành, xã Quế Sơn, huyện Châu Thành, vui vẻ cho biết: Hiện tổ hợp tác sản xuất có 13 ha trồng bưởi da xanh, trong đó có 6,1 ha đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP đang nỗ lực cho ra những trái to, đẹp để phục tết con rồng này.
“Làm VietGAP cũng hay lắm, từ khi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, chuyển giao quy trình kỹ thuật về áp dụng, vườn bưởi của mình thấy khác hẳn. Trong vườn bưởi được phân lô và ghi thứ tự rõ ràng, có nhật ký ghi chép, lịch chăm sóc, bón phân, xịt thuốc, chủng loại gì, liều lượng ra sao” – anh Minh thao thao nói. Vị Tổ phó này cũng khẳng định, việc nông dân sử dụng thuốc BVTV trong danh mục cho phép và hạn chế tối đa phun xịt thuốc đang được bà con ở đây quán triệt rất tốt. “Làm theo quy trình VietGAP, chất lượng bưởi rất cao, bán có giá. Riêng gia đình tôi có 8.000m2 bưởi trồng tương đương 400 cây, cho thu nhập 300 triệu đồng năm” – anh Minh khoe.
Trao đổi với tôi, ông Đỗ Văn Công, Trưởng phòng KHKT (Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre) cho biết: “Vụ bưởi da xanh năm nay, bà con nông dân phấn khởi lắm vì sau chôm chôm lại đến đặc sản bưởi da xanh được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP”. Hiện nay toàn tỉnh đã trồng được 4.300 ha bưởi, trong đó có 4.000 ha trồng bưởi da xanh. Bến Tre cũng đã có 4 đơn vị được cấp giấy chứng chỉ VietGAP, đó là HTX bưởi da xanh Mỹ Thạnh An – TP Bến Tre; Tổ hợp tác sản xuất bưởi da xanh Quế Sơn – huyện Châu Thành; Tổ hợp tác sản xuất bưởi da xanh Hòa Nghĩa – huyện Chợ Lách; Nhà máy xử lý đóng gói và bảo quản bưởi da xanh - cơ sở Hương Miền Tây - huyện Mỏ Cày Bắc. Nhờ trồng bưởi có hiệu quả, nhiều hộ nông dân giàu lên.
DÂY CHUYỀN ĐÓNG GÓI VIETGAP
Về vùng bưởi da xanh ghi nhận không khí chuẩn bị tết của bà con nông dân, đúng thời điểm vùng đất này khánh thành thêm một nhà máy xử lý đóng gói và bảo quản bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP (ngày 25/12/2011). Ông Đàm Văn Hưng - Chủ dây chuyền đóng gói hiện đại này thuộc cơ sở Hương Miền Tây, huyện Mỏ Cày Bắc hồ hởi cho biết: “Trước đây tôi đã từng làm vườn và cũng từng thất bại cho nên tôi rất thấu hiểu nỗi vất vả một nắng hai sương của bà con nông dân. Đặc biệt là khi làm ra sản phẩm không biết bán ở đâu hoặc bị tư thương ép giá, vậy là tôi quyết định đầu tư 8 tỷ đồng xây dựng nhà máy xử lý đóng gói và bảo quản bưởi da xanh với công suất từ 25 – 30 tấn/ngày”.
Nhớ lại ngày đầu đi tìm thị trường cho bưởi da xanh, ông Hưng kể: Bưởi da xanh dễ trồng, ít bệnh, tuổi thọ cao, được trồng nhiều ở các tỉnh phía Nam nhất là ĐBSCL và Đông Nam bộ. Tuy nhiên, không nơi nào có bưởi ngon và mang hương vị đặc trưng như ở tỉnh Bến Tre. Trước năm 2002, bưởi da xanh Bến Tre vẫn chưa có thị trường mạnh. Năm 2003 ông Hưng đã tiên phong tìm kiếm thị trường bằng cách đi thu mua 200 kg bưởi da xanh, mang ra Hà Nội với hy vọng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm bưởi của quê nhà.
Vừa hớp một thìa cà phê, ông Hưng kể tiếp: “Lúc đầu cũng gian truân lắm, vì ít tiền, nhà trọ phải thuê chỗ bèo nhất. Ngay khi có chỗ trú chân, từ sáng sớm tôi đã phải thuê xe ôm chở người và bưởi chạy khắp phố phường, nhưng chẳng bán được trái nào, tối quay về nhà trọ vừa buồn vừa ngán ngẩm. Hôm sau tôi lại thuê bác xe ôm chở tới các khu bán buôn hoa quả trong nội thành Hà Nội, tới cửa hàng nào cũng nhận được cái lắc đầu và lời từ chối. Họ nói rằng ở ngoài này bưởi Diễn, bưởi Phúc Trạch đầy, người dân cũng ít ăn lắm, bán làm sao được, anh mang về đi".
"Không nản chí, không bán được thì mời ăn, sáng hôm sau tôi lại nhờ bác xe ôm chở ra chợ Đồng Xuân và đứng ngay cổng chợ, cứ thấy phụ nữ nào đi chợ là mời mua, không mua thì tặng 1 trái hoặc mời ăn thử. Hôm sau nữa tôi lại ra bờ hồ Hoàn Kiếm mời ăn, mời mua. Hết bưởi tôi lại điện cho vợ gửi bưởi ra, cứ như thế mất khoảng 5 – 6 tháng người tiêu dùng khó tính Hà Nội đã chịu bưởi da xanh. Lúc đầu là bán lẻ, dần dần có mối đặt hàng ngày càng nhiều, tôi gửi hàng qua đường sắt hoặc đường bộ với số lượng lớn”, ông Hưng nhớ lại.
Tới nay thì thương hiệu Hương Miền Tây nói riêng và bưởi da xanh của tỉnh Bến Tre nói chung không những đứng vững tại thị trường trong nước, mà còn xuất đi các nước Châu Á và Châu Âu như: Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Đức, Bắc Mỹ…
Qua việc thu mua, xây dựng nhà máy xử lý đóng gói và bảo quản bưởi da xanh cho vùng sản xuất tập trung ở tỉnh Bến Tre, riêng năm 2010 cơ sở Hương Miền Tây của ông Hưng xuất khẩu được 150 tấn bưởi da xanh. Năm 2011 cơ sở tiếp tục xuất trên 200 tấn và dự kiến năm 2012 sẽ tăng lên trên 300 tấn.
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch UBND tỉnh vừa quyết định phân khai trên 14,5 tỷ đồng thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa năm 2014 theo Nghị định số 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ.
Kinh tế trang trại (KTTT) đã khẳng định được vị thế trong sản xuất nông nghiệp ở Quảng Trị nhờ phát huy tiềm năng và thế mạnh về đất đai, lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế và đã có bước tiến đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển KTTT còn nhiều vấn đề đặt ra, trong đó có nhiều tiêu chí rất khó đạt để chứng nhận chuẩn trang trại, điều này đòi hỏi sự nỗ lực của chính chủ trang trại cũng như tháo gỡ về mặt chính sách, để trang trại có điều kiện phát triển bền vững.
Anh Hùng cho biết, qua thời gian tìm tòi, khảo sát anh thấy ở một số nơi đã xây dựng mô hình nuôi bồ câu Pháp đem lại hiệu quả kinh tế cao, diện tích cần để xây dựng mô hình nhỏ, tốn ít thời gian chăm sóc, tận dụng được thời gian nhàn rỗi, đầu ra lại ổn định nên quyết định mua 20 cặp chim bồ câu về nuôi thử theo phương thức nuôi nhốt.
Do khâu sau thu hoạch yếu kém, hàng năm có khoảng 4,2 triệu tấn rau quả mất đi. Đó là thông tin được Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng, Giáo sư Đại học RMIT (Úc) tính toán khi tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch của rau quả lên đến 30% trong tổng số 14 triệu tấn rau quả sản xuất ra năm 2013.
Để khai thác hiệu quả diện tích mặt nước và phát triển nghề chăn nuôi thủy sản, Trạm Khuyến nông huyện Phú Bình đã thực hiện Dự án “Nhân rộng mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo quy mô hộ gia đình trên địa bàn huyện Phú Bình”.