Bước tiến trong sản xuất nông nghiệp
Đề án cơ giới hóa đã góp phần hạ giá thành sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp của chương trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ công tác quy hoạch vùng canh tác, đầu tư hệ thống thủy lợi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông sản.
Những dấu ấn mang tính đột phá
Hiện nay, tỉnh đã triển khai xây dựng được 5 cánh đồng lớn trên lúa, với tổng diện tích 1.758ha.
Hàng năm đều có các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm.
Cụ thể, vụ Đông xuân 2014-2015 đã có 6 doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn Hậu Giang tham gia liên kết sản xuất với diện tích bao tiêu 5.450ha, vụ Hè thu 4.000ha.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng nguyên liệu nông sản chuyên canh, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu.
Đó là vùng lúa chất lượng cao 32.000ha, vùng mía nguyên liệu 10.300ha, vùng khóm 2.000ha, vùng cây có múi đặc sản 10.000ha, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung 1.500ha.
Đáng kể là các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã triển khai xây dựng thành công nhãn hiệu cho 10 loại nông sản hàng hóa thế mạnh, có thị trường khá ổn định.
Bao gồm: lúa Hậu Giang, mía đường Casuco, cam sành Ngã Bảy, bưởi Năm Roi Phú Thành, chanh không hạt Đông Thạnh, khóm Cầu Đúc, xoài Bảy Ngàn, quýt đường Long Trị, cá thát lát Hậu Giang, cá rô Hậu Giang.
Ông Ngô Xuân Hiền, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Thành A, cho hay một số cây trồng chính trên địa bàn huyện như lúa, cây có múi đã ổn định diện tích và không ngừng tăng lên về năng suất do được đầu tư thâm canh và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.
Trong đó, năng suất lúa tăng 13,58% so với năm 2010.
Chưa kể là có trên 58% diện tích lúa của huyện được gieo trồng giống có năng suất cao và chất lượng tốt nên đã nâng cao được giá trị nông sản trên thị trường.
Nếu như vào thời điểm 5 năm trước, chỉ có trên 610ha lúa được bao tiêu thì hiện nay đã vượt mốc 1.500ha.
Riêng lĩnh vực cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở một số khâu như làm đất, bơm tát của huyện Châu Thành A hiện đạt trên 95%.
Đặc biệt là Đề án cơ giới hóa trong sản xuất lúa giai đoạn 2012-2015 của tỉnh đã kịp thời hỗ trợ cho nhiều hộ dân mua máy gặt đập liên hợp (GĐLH), nâng tổng số máy GĐLH trên toàn huyện lên con số 30 máy, khả năng phục vụ 80% diện tích gieo trồng.
Quan trọng là lợi nhuận tính trên 1ha khi thu hoạch bằng máy GĐLH so với thu hoạch thủ công đã giúp cho nhà nông có thêm thu nhập 4,3 triệu đồng nhờ tiết giảm 19% chi phí canh tác.
Và không ít thành quả nổi bật
Theo Sở NN&PTNT Hậu Giang, với mục tiêu sản xuất lúa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh đã ban hành Đề án hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất lúa giai đoạn 2012-2015.
Qua đó đã nhanh chóng giải quyết được những khó khăn, nặng nhọc cho khâu chăm sóc, thu hoạch, bảo quản lúa; giảm thất thoát, áp lực thiếu lao động, rút ngắn thời vụ, chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông thôn, từng bước nâng cao chất lượng nông sản, hạ giá thành sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Trên địa bàn Hậu Giang hiện có 316 máy, khả năng đảm nhiệm thu hoạch bằng máy được 79% diện tích lúa của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho rằng trong những năm qua, nền nông nghiệp tỉnh nhà đã khẳng định bước tiến mới.
Nổi bật là quá trình sản xuất phát triển khá toàn diện theo hướng hàng hóa, năng suất, chất lượng.
Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ được cụ thể hóa đều phát huy hiệu quả tích cực như đề án cơ giới hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chương trình phát triển nông sản chủ lực.
Nhờ vậy đã góp phần giúp cho nông dân từng bước vượt qua khó khăn, thách thức về giá cả, đầu ra sản phẩm và gia tăng giá trị trên cùng diện tích canh tác.
Ước tính trên toàn tỉnh có hơn 35.800 hộ có mô hình sản xuất hiệu quả, với doanh thu trên 100 triệu đồng/ha/năm, góp phần nâng giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất canh tác đạt gần 87 triệu đồng, tăng 1,93 lần so với năm 2010 và lợi nhuận đạt trên 30%.
Còn thu nhập bình quân đầu người nông thôn đạt 24 triệu đồng/người/năm, gấp 2,4 lần so với thời điểm 5 năm trước.
Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của tỉnh đã đạt 400 triệu USD.
Đáng kể, có 8 doanh nghiệp đăng ký xây dựng hệ thống dự trữ lúa gạo với quy mô 240.000 tấn.
Đánh giá về hiệu quả của chương trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Chánh cho rằng chương trình đã giúp cho nền kinh tế tỉnh nhà trụ vững trong bối cảnh suy thoái kinh tế.
Đồng thời từng bước khắc phục 6 điểm yếu “cốt tử” là giống, thủy lợi, vật tư nông nghiệp, cơ giới hóa, mô hình liên kết 4 nhà, nước sinh hoạt.
Trong đó thủy lợi và cơ giới hóa được quan tâm đầu tư và đạt kết quả khá tốt.
Nhờ thế mà bước đầu đã góp phần hạ giá thành sản xuất nông nghiệp, nhất là trên cây lúa.
Theo ngành nông nghiệp Hậu Giang, đến nay, có 80% nông dân được đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp; tỷ lệ dùng lúa giống cấp xác nhận hoặc tương đương trên 60%;
Nhóm cây ăn quả có múi trên 10%; mía, rau màu, khóm sử dụng trên 80% giống sạch bệnh, có năng suất, chất lượng cao; đảm bảo trên 80% giống phục vụ nuôi trồng thủy sản là giống sạch bệnh, có chất lượng tốt.
Ngoài ra, diện tích thủy lợi hoàn chỉnh có đê bao khép kín theo tiêu chí nông thôn mới trên 73.000ha, chiếm 56% diện tích đất nông nghiệp trên toàn tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Anh Trương Ngọc Dũng (35 tuổi) ở xã Bình Thành (Hương Trà - Thừa Thiên Huế) đã tạo dựng cho mình mô hình ươm giống keo tràm, gắn với phát triển kinh tế vùng gò đồi cho thu nhập mỗi năm hơn 4 tỷ đồng.
Đề tài “Kỹ thuật trồng cây hành tím trái vụ trên đất trồng tỏi đem lại hiệu quả kinh tế cao” của 2 tác giả Trần Trung Tiến và Phan Văn Yên (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) đã đạt giải khuyến khích tại Cuộc thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa lần thứ VI.
Trong khi xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản suy giảm, xuất khẩu sắn lại tăng vọt.
Những năm qua, vụ đông ở Yên Bái đã trở thành vụ sản xuất chính. Cây trồng vụ đông đã góp phần đáng kể vào tổng sản lượng lương thực, thực phẩm hàng năm và bảo đảm nhu cầu về thực phẩm của người dân trong tỉnh.
Một số trang trại thanh long ở Bình Thuận đang nỗ lực sản xuất theo quy trình GlobalGAP để có thể xuất khẩu qua các thị trường khó tính.