Bùng nổ hồ tiêu
Tuy nhiên, không phải đất nào trồng tiêu cũng được, nên sự phát triển “đột biến” cần phải được kiểm soát kỹ càng để khỏi gây thiệt hại về sau.
Diện tích tăng chóng mặt
Phát triển cây tiêu mạnh nhất ở Bình Định là huyện Hoài Ân.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tề, Trưởng phòng NN-PTNT huyện, từ những vườn trồng tự phát trong vườn nhà, hiện toàn huyện đã có 500 ha tiêu, tăng hơn 200 ha so với năm 2014.
“Chưa có loại cây trồng nào phát triển mạnh trên đất Hoài Ân như cây tiêu.
Mấy năm qua, hiệu quả từ cây tiêu đã hấp dẫn người dân địa phương, họ không ngại bỏ ra tiền tỷ để đầu tư trồng.
Hoài Ân nhiều đất gò đồi, rút nước nhanh, rất phù hợp với cây tiêu nên nông dân mạnh dạn phát triển.
Hầu hết những vườn tiêu trồng mới chưa thu hoạch, nhưng nếu vài ba năm tới giá tiêu cứ ổn định như hiện nay thì cây trồng này có tương lai rất sáng”, ông Tề nói.
Cây tiêu không chỉ phát triển mạnh trên vùng đất trung du Hoài Ân, “cơn sốt” trồng tiêu cũng đã lan mạnh xuống huyện đồng bằng Hoài Nhơn.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn cho biết, toàn huyện có 60 ha tiêu đã cho thu hoạch.
Sang năm 2016, theo kế hoạch sẽ phát triển thêm 65 ha tiêu nữa trên những vùng đất gò đồi có chân đất đá ong, nhiều sạn cốm không bị úng nước, phù hợp với cây tiêu.
Không chỉ vậy, cây tiêu còn lan nhanh đến các huyện Phù Mỹ, Phù Cát.
Ông Vũ Quốc Bảo, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Cát cho hay, huyện đã trồng được hơn 10 ha tiêu, tập trung tại xã Cát Trinh.
Đất ở đây gần giống đất bazan, có sạn cốm, dễ thoát nước nên cây tiêu phát triển tốt.
Từ vài ba trụ tiêu được trồng trong những vườn nhà, từ năm 2014 đến nay cây tiêu đã phát triển kín vườn, có hộ đã trồng được 1 - 2 ha.
Cây tiêu trên đất này phát triển tốt, cho sai trái, ít bị bệnh.
Lo lắng
Trước sự bùng nổ cây hồ tiêu, ngành nông nghiệp tỉnh này vui thì có vui, nhưng cũng không khỏi lo lắng.
Theo bà Nguyễn Thị Tố Trân, GĐ Trung tâm KN-KN Bình Định, trước đây cây tiêu chủ yếu trồng nhỏ lẻ trong vườn nhà nên khó quy ra diện tích đông đặc.
Sau thời gian nhiều địa phương phát triển mạnh trồng tiêu, hiện nay diện tích tiêu toàn tỉnh có thể lên đến gần 1.000 ha.
Diện tích tiêu ở Bình Định tăng phi mã
“Diện tích tiêu ở Tây Nguyên tăng cao đã đến mức báo động.
Bây giờ, vùng nào ở Bình Định cũng phát triển trồng tiêu ồ ạt sẽ tăng thêm nguy cơ cung vượt cầu.
Trong khi đó mức đầu tư cho cây tiêu là rất lớn.
Đây là loại cây trồng lâu năm, liệu 5 năm sau giá tiêu liệu có còn ổn định như hiện nay? Giá tiêu mà sập xuống thì không ít nông dân sẽ lâm cảnh khốn đốn”, bà Trân lo lắng.
Cây tiêu phát triển ào ạt, nhu cầu về giống cũng “nóng” theo.
Nông dân Phạm Ngọc Khái đang sở hữu hơn 2.100 trụ tiêu ở thôn Long Mỹ, xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân) cho biết, ngoài thu hoạch mỗi năm 4 tấn tiêu, với giá ổn định từ 190.000 - 220.000 đ/kg ông có khoản thu nhập hơn 800 triệu đ/năm.
Ngoài ra, ông còn có khoản thu nhập lớn khác từ nhân giống tiêu để bán.
“Hiện tiêu giống có giá 15.000 đ/dây.
Do phong trào trồng tiêu đang phát triển mạnh nên nhân bao nhiêu giống cũng không đủ bán.
Bình quân mỗi năm tôi có thêm khoản thu nhập vài ba chục triệu đồng từ nhân giống tiêu”, ông Khái cho biết.
Tuy nhiên, theo bà Trân, khi cây tiêu phát triển quá “nóng” như hiện nay thì có nhiều điều để lo, nhất là về giống.
Thậm chí có nhiều người chưa am hiểu thấu đáo về cách nhân giống vẫn cứ nhân giống tiêu để bán.
Trong khi đó, hầu hết các bệnh trên cây tiêu đều do giống mà ra.
“Tiêu là cây lâu năm.
Thường trong 3 năm đầu tiên, dù trồng giống kém chất lượng cây tiêu phát triển bình thường, hầu như không xảy ra bệnh.
Bước sang năm thứ tư, thứ năm trở đi, khi đã tích lũy đủ các nguồn nấm bệnh, khi ấy bệnh mới phác tác trên cây tiêu.
Do đó, nếu trồng giống tiêu không đạt chất lượng thì nông dân cầm chắc thất bại về sau”, bà Trân phân tích.
Cũng theo bà Trân, ở những vùng trồng tiêu lâu năm như huyện Hoài Ân thì nông dân đã dày dạn kinh nghiệm, biết cách thay cũ đổi mới dây tiêu giống thì sẽ không bao giờ thất bại.
Nhưng ở những vùng tiêu mới phát triển, vì chưa có kinh nghiệm nên nông dân thường trồng mật độ dày, ngành chức năng đã xây dựng mô hình, khuyến cáo họ trồng thưa ra họ vẫn không nghe, vì hám lợi nên cứ làm theo cách họ nghĩ để thu hoạch sản lượng cao hơn, thu nhiều tiền hơn.
Mà làm “bướng” như thế thì không thể tránh khỏi thất bại do bệnh hại.
Có thể bạn quan tâm
Bến Tre là một trong 3 tỉnh đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về diện tích trồng cây ăn quả. Trong đó, một số cây trồng đã có “thương hiệu” như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi da xanh, nhãn... Đây cũng là nhóm cây ăn quả đặc sản của tỉnh và được quy hoạch phát triển, ổn định sản xuất đến năm 2020.
Nhằm giúp nông dân có định hướng nuôi trồng thủy sản gắn với tiêu thụ sản phẩm, phát huy thế mạnh và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện An Phú phối hợp với Trung tâm Giống thủy sản An Giang (đơn vị chuyển giao kỹ thuật) đã triển khai dự án “Mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nuôi cá sặc rằn”, từ tháng 3 - 2011 đến tháng 3 - 2013.
Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đã bắt đầu cho thu hoạch. Theo ông Vũ Đình Bát, Chủ tịch Hiệp Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà, giá bán vải quả tại vườn ngày 5 - 6 là 15 nghìn đồng/kg, tăng từ 4.000 - 6.000 đồng/kg so với năm ngoái. Nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc tiêu thụ ngày càng nhiều, sản lượng vải thiều Bắc Giang giảm.
Sau nhiều năm tìm đầu ra ở thị trường nước ngoài, thanh long ruột đỏ, một trong những trái cây đặc sản của tỉnh Trà Vinh đã chính thức được xuất khẩu sang thị Mỹ.
Ngày 22-1, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Sở NN&PTNT Hậu Giang tổ chức Hội thảo báo cáo kết quả 2 năm thực hiện dự án nghiên cứu ảnh hưởng biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Đồng bằng sông Cửu Long (CLUES) tại tỉnh Hậu Giang.