Brazil tìm cách giành thị phần cà phê đặc sản khi sản lượng tăng
Nhu cầu cà phê chất lượng cao đang phục hồi mạnh mẽ sau khi sụt giảm trong những tháng đầu tiên xảy ra đại dịch COVID-19. Điều này cho phép nông dân Brazil bán nhiều sản phẩm hơn ở phân khúc cao cấp.
Bà Vanusia Nogueira, người đứng đầu Hiệp hội Cà phê Đặc sản Brazil (BSCA), ước tính doanh số bán cà phê đặc sản của nước nay sẽ tăng 5% vào năm nay do sản lượng tăng và một số đối thủ cạnh tranh với Brazil đang gặp khó khăn trong việc vận chuyển sản phẩm, theo Nasdaq.
"Vụ mùa năm nay rất thuận lợi và một số nhà sản xuất cà phê chất lượng cao khác đang gặp khó khăn trong việc giao hàng," bà Nogueira nhận định. Mặc dù các ca nhiễm COVID-19 đang tăng cao ở Brazil, công việc thu hoạch vẫn tiến triển tốt.
Bà cho biết thêm đã có báo cáo về sự chậm trễ đối với lô hàng từ các quốc gia sản xuất cà phê arabica truyền thống như Colombia, Honduras và Costa Rica.
Người đứng đầu BSCA cũng cho biết vụ mùa năm nay của Brazil được hỗ trợ thời tiết thuận lợi, độ ẩm tốt trong suốt quá trình phát triển của cây cà phê và thời tiết khô ráo trong khi thu hoạch. Điều này cho phép cây phát triển đồng đều và số lượng quả chín nhiều.
Mặc dù mùa đông tại Brazil có thời tiết khô hơn bình thường sẽ gây ra những lo ngại về sản lượng năm 2021, nhưng lại giúp nông dân chuẩn bị tốt cho những lô hàng trong mùa vụ hiện tại.
Do đó, bà Nogueira mong muốn cà phê Brazil sẽ đạt được thành tích tốt trong cuộc thi Cup of Excellence sắp tới do Hiệp hội Cà phê Đặc sản (SCA) quảng bá.
Brazil là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, nhưng cà phê arabica từ các nước như Colombia, Guatemala và Kenya thường có giá cao hơn nhiều do các chuyên gia đánh giá là có hương vị độc đáo.
Nông dân Brazil đã nỗ lực thay đổi điều đó trong những năm gần đây, khi sản xuất cà phê đặc sản ở nước này đang trên đà phát triển tốt.
Ngoài ra, bà Nogueira cho biết nhu cầu tiêu thụ cà phê tăng chủ yếu đến từ châu Á, do nhu cầu từ Hàn Quốc tăng mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Rệp kim còn gọi là rệp tuyết thuộc bộ nửa cánh có lớp vỏ giáp bảo vệ được xem là dịch hại trên tất cả các loại cây có múi, trừ cây quýt.
Nông dân Argentina phun thuốc diệt cỏ, trong đó có chứa chất glyphosate gây ảnh hưởng tới sự phát triển của nòng nọc và ếch con.
Dư địa xuất khẩu các loại trái cây tươi như: thanh long, bưởi, dừa,… Việt Nam sang thị trường châu Âu (EU) còn rất lớn