Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Argentina đi đầu trong công cuộc biến đổi gen sinh vật

Argentina đi đầu trong công cuộc biến đổi gen sinh vật
Tác giả: Tuấn Đức - Genetic Literacy Project
Ngày đăng: 02/10/2020

Từ cuối năm 2019, Argentina bắt đầu thương mại hóa loại đậu tương biến đổi gen giúp tăng khả năng chịu hạn và mặn để đối phó với hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Một nhà nghiên cứu tại cánh đồng trồng cây biến đổi gen ở Rosario, Argentina.

Là nhà sản xuất lớn thứ năm và xuất khẩu đậu tương lớn thứ ba thế giới, nhưng sản lượng đậu tương trong những năm gần đây của Argentina sụt giảm. Trong niên vụ 2017-2018, sản lượng đậu giảm 31%, và ngô là 20%, khiến Argentina thiệt hại khoảng 3,4 tỷ USD.

Tại Argentina, ngô, đậu nành và đậu tương chiến 17% tổng nông sản xuất khẩu, và là cây trồng chủ lực tại quốc gia Nam Mỹ. Sản lượng của loại cây trồng này được xem là sống còn với nền kinh tế Argentina.

Chính bởi vậy, ngay từ những năm đầu thập niên này, một nhóm các nhà khoa học của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia, đứng đầu là Giáo sư Rachel Chan đã nghiên cứu một giống mới có thể chống chọi với khô hạn, thậm chí ngập mặn. Đến năm 2012, quá trình lai tạo hoàn thành khi nhóm nghiên cứu ghép gen của một loại hướng dương với đậu.

Thuộc sở hữu của Biceres, một công ty Argentina liên quan đến phát triển nông nghiệp, qua ba năm thử nghiệm trên thực địa, loại đậu tương mới cho kết quả khả quan. Hàm lượng dinh dưỡng trong những hạt đậu này tương đương đậu nành thông thường. Chúng cũng không độc hại với động vật hay con người, đồng thời không tác động xấu tới đất trồng cũng như môi trường.

Cuối năm 2015, hạt giống mới được phê duyệt để thương mại hóa, với kỳ vọng thúc đẩy sản xuất đậu tương tại Argentina thêm 30%.

Nếu như nhiều nước phương Tây còn e dè trong việc áp dụng các sản phẩm biến đổi gen trong cây trồng, Argentina lại luôn mạnh dạn trong vấn đề này. Chính phủ quốc gia Nam Mỹ nhấn mạnh rằng, công nghệ gen là vũ khí mũi nhọn để đột phá ngành nông nghiệp. Giống đậu tương mới có thể chịu được lượng nước thấp hơn loại bình thường đến 50% suốt cả vòng đời, chính là tiến bộ mới nhất.

Lịch sử những cây đậu tương biến đổi gen bắt đầu từ năm 1996, khi đậu tương kháng glyphosate (một loại chất diệt cỏ, thường sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp) được đưa vào gieo trồng trên diện rộng.

Tính đến năm 2017, Argentina có khoảng 130.000 nông dân sử dụng các cây trồng liên quan tới công nghệ biến đổi gen. Xét trên bình diện thế giới, Argentina chiếm 12,4% tổng diện tích cây trồng biến đổi gen, xếp thứ ba, chỉ sau Mỹ và Brazil.

Bộ trưởng Nông nghiệp Luis Miguel Etchevehere coi việc thúc đẩy nghiên cứu và sử dụng cây trồng biến đổi gen là để "tăng cường sự phát triển của quốc gia" và "sử dụng một cách hiệu quả những công nghệ sinh học tiên tiến".

Nông dân Argentina phun thuốc diệt cỏ, trong đó có chứa chất glyphosate gây ảnh hưởng tới sự phát triển của nòng nọc và ếch con.

Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 11/2016 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Argentina đã thu về 127 tỷ USD nhờ canh tác cây trồng biến đổi gen trong vòng 20 năm, tính từ 1996. Nông dân được hưởng 60% số tiền này, 26% nộp lại cho Chính phủ, còn 8% dành cho các nhà cung cấp.

Giống nhiều quốc gia khác, Argentina cũng có những tổ chức bài xích những sản phẩm biến đổi gen. Họ cho rằng người dân có thể chịu những tác động lâu dài, không chỉ giới hạn trong sức khỏe. Tuy nhiên, lập luận của nhóm người này không thuyết phục được các cơ quan quản lý nhà nước, nếu như không muốn nói là ngược lại.

Từ năm 2017, Chính phủ Argentina đẩy mạnh tài trợ cho các dự án phát triển công nghệ sinh học. Ngoài giống đậu tương chịu hạn và mặn vừa được thương mại hóa, xứ tango còn phát triển một giống khoai tây không bị ngả màu nâu sau khi gọt. Loại khoai tây này được giới thiệu là còn có khả năng kháng virus và chịu khô hạn rất tốt.

"Rõ ràng Argentina đang đi đầu trong việc giới thiệu những công nghệ mới cho nông dân, thông qua việc tài trợ, cung cấp và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp biến đổi gen", báo cáo của Trung tâm Wilson về Công nghệ sinh học ở Argentina ghi nhận.

Trong số những công ty tại nước này, Bioceres đứng trong top 3. Họ thậm chí đã phát triển được một giống cỏ linh lăng chứa ít lignin, một chất hữu cơ phức tạp mà động vật khó tiêu hóa. Giống cỏ này cũng đã được Chính phủ phê duyệt cho thương mại hóa từ đầu năm 2020 và có phản hồi tích cực từ người sử dụng.

Không chỉ dừng trong lĩnh vực nông nghiệp, các nhà khoa học hàng đầu về biến đổi gen tại Argentina còn mở rộng sang nhiều ngành khác như dược phẩm, hóa mỹ phẩm...

Chẳng hạn, công ty Biosidus đã lai tạo được những con bò biến đổi gen có khả năng tiết ra hormone tăng tưởng ở người trong sữa. Tuy nhiên, do vấp phải nhiều rào cản đạo đức, giống bò này chưa được thương mại hóa.

Lãnh đạo Argentina tin rằng quốc gia này sẽ sớm trở thành cường quốc về nông nghiệp biến đổi gen trong tương lai gần, sau khi đã đặt những viên gạch đầu từ cách đây 10 năm.

Khi đó, Chính phủ đã thông qua các biện pháp quản lý nhằm tăng tốc độ phê duyệt các loài cây trồng biến đổi gen. Từ 42 tháng, khoảng thời gian được rút xuống còn 24 tháng. Nếu chứng tỏ được hiệu quả, con số 24 tháng có thể còn được rút ngắn thêm.

Sự phát triển vũ bão của công nghệ gen trong nông nghiệp Argentina cũng dẫn tới một số hệ lụy. Hiện những thực phẩm biến đổi gen tại nước này không bị buộc phải gắn nhãn mác để phân biệt với thực phẩm tự nhiên thông thường.

Để rộng đường tiến lên, Argentina cũng chần chừ trong việc phê chuẩn Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học, do lo ngại về tác động của nó có thể khiến việc buôn bán, nhập khẩu cây trồng biến đổi gen bị ngưng trệ.

Theo quy định của Bộ Nông nghiệp Argentina, bất kỳ thực phẩm nào được sản xuất bằng công nghệ sinh học và tương đương với sản phẩm thường sẽ được đối xử bình đẳng. Dưới sức ép từ một bộ phận dư luận, Chính phủ Argentina gần đây mới xem xét lại việc định nghĩa sinh vật biến đổi gen.

Trước đó, họ không coi việc chuyển gen (hoặc vật liệu di truyền) giữa các loài là biến đổi gen, mà xếp những phương pháp này tương đương cây ghép thông thường. Điều này có thể bị bãi bỏ, bởi rất nhiều cây trồng mới được tạo ra trong phòng nghiên cứu có đặc tính thay đổi vĩnh viễn, và có thể di truyền cho đời sau.


Có thể bạn quan tâm

Bỏ túi hàng chục triệu mỗi tháng từ 700m2 rau thủy canh Bỏ túi hàng chục triệu mỗi tháng từ 700m2 rau thủy canh

Mô hình công nghệ cao rau thuỷ canh nói trên có diện tích 700m2, được anh Lê Văn Dễ đầu tư tại ấp 5, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM

01/10/2020
Dưa vàng trên vùng khắc nghiệt Dưa vàng trên vùng khắc nghiệt

Người dân xã Bắc Sơn (nay thuộc xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) bắt đầu trồng dưa vàng, dưa lưới trong nhà màng từ năm 2016.

01/10/2020
Rệp kim hại cây có múi Rệp kim hại cây có múi

Rệp kim còn gọi là rệp tuyết thuộc bộ nửa cánh có lớp vỏ giáp bảo vệ được xem là dịch hại trên tất cả các loại cây có múi, trừ cây quýt.

02/10/2020