Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Phát triển cây có múi ở phía Bắc: Vừa phát triển, vừa thăm dò thị trường

Phát triển cây có múi ở phía Bắc: Vừa phát triển, vừa thăm dò thị trường
Tác giả: Công Hoàng
Ngày đăng: 15/05/2018

Với tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK không ngừng, hơn 30%/năm, rau quả là ngành đã và đang bứt phá hết sức ngoạn mục. 

Tuy nhiên trong khí thế tưng bừng đó, vẫn đang tồn tại nhiều điểm nghẽn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà nếu không bình tĩnh xem xét, nguy cơ “vỡ trận” đối với một số cây ăn quả là có thể xảy ra.

Cây có múi tại phía Bắc là một trong những cây ăn quả đang tiềm ẩn nhiều rủi ro

Hiện nay, bên cạnh những loại cây ăn quả đã tạo được bước đi vững chắc cả về khâu kỹ thuật, tổ chức SX lẫn thị trường XK, vẫn có nhiều loại cây ăn quả đang phát triển một cách ồ ạt, nhưng mơ hồ về thị trường, rủi ro vô cùng lớn. Nhiều loại cây có tiềm năng nhưng lại chưa được tổ chức SX bài bản, chưa đáp ứng được yêu cầu XK...

Tại phía Bắc, phong trào phát triển cây có múi như cam, bưởi gần đây bung ra chóng mặt. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), chỉ trong vòng 2 năm 2016- 2017, diện tích cam cả nước tăng tới hơn 15 nghìn ha (từ 72 nghìn ha năm 2016 lên gần 90 nghìn ha năm 2017); bưởi tăng thêm tới 13 nghìn ha (từ 54 nghìn ha năm 2016 lên 67 nghìn ha năm 2017). Diện tích cam, bưởi tăng thêm chủ yếu tại Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nội, Hòa Bình, Tuyên Quang...

Một lãnh đạo Cục Trồng trọt từng thốt lên: "Cây có múi đang phát triển tưng bừng! Nhiều nơi nông dân thu lời lớn, càng hấp dẫn nông dân mở rộng. Diện tích cây có múi bung ra đã vượt tầm kiểm soát, đa số vượt định hướng quy hoạch của các tỉnh".

Một ví dụ ở tỉnh Tuyên Quang, cây cam sành trước đây chỉ tập trung tại huyện Hàm Yên với 2.000 ha, nhưng đến cuối năm 2017, tăng lên 7.833 ha (trong khi Đề án phát triển vùng SX cam sành của tỉnh này đến năm 2020 chỉ khoảng 6.800 ha). Sở NN-PTNT tỉnh đã nhiều lần khuyến cáo việc mở rộng trồng cam tự phát tiềm ẩn nhiều rủi ro khi chưa gắn được với chế biến, mở rộng thị trường...

Một lo ngại, là theo các chuyên gia, các loại cây có múi ở phía Bắc nước ta rất khó XK được, mà chỉ có thể tiêu thụ nội địa. Nguyên nhân thì có nhiều. Trước hết, bộ giống cam, bưởi ở phía Bắc hiện quá hổ lốn, thiếu đồng nhất, khó hình thành được vùng SX tập trung quy mô lớn để chế biến, XK; chất lượng giống kém, nhiều hạt, chua; thâm canh kém, năng suất thấp...

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam liên tục bứt tốc, nhưng nhiều đối tượng cây ăn quả vẫn đang có nhiều vấn đề lớn

Cùng là bưởi, trong khi bưởi da xanh phía Nam luôn XK rất ổn định với giá trị cao, thì các giống bưởi đang rộ lên ở phía Bắc như bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn cũng khó có thể XK bởi rất nhiều hạt, ướt múi, vị ngọt, trong khi bưởi da xanh trong Nam XK tốt vì múi khô, vị thanh... Trong khi đó chưa có những đơn vị, DN công bố đầu tư vào chế biến sâu đối với cam, bưởi, thì nguy cơ “vỡ trận” đối với cây có múi đang hiển hiện.

Không chỉ cây có múi, tại nhiều tỉnh phía Bắc, hàng loạt cây ăn quả như nhãn, xoài, táo... cũng đang được nông dân ồ ạt trồng. Nếu như ở đồng bằng, nhiều vùng đất lúa đang được thay thế bằng cây ăn quả thì ở miền núi, cây ăn quả cũng đang tấn công, thay thế nhiều loại cây lương thực và cây công nghiệp truyền thống như ngô, mía, chè..., thậm chí cả đất lâm nghiệp.

Trong khí thế phát triển hừng hực của ngành rau quả cả nước, nếu không rà soát, tính toán nhằm có bước đi vững chắc, nguy cơ phải “giải cứu” đối với nhiều loại cây ăn quả trong thời gian tới là có thể xảy ra.

Không chỉ cây có múi ở phía Bắc, nhiều loại cây ăn quả khác hiện cũng đang gặp nhiều vấn đề lớn. Chuối là đối tượng cây ăn quả có thị trường rất tốt (nhất là thị trường Đông Bắc Á và Trung Đông), song khâu tổ chức SX lại đang khiến các DN đau đầu.

Những năm gần đây, nếu như phía Nam xuất hiện những “vua chuối” (điển hình như ông Võ Quan Huy, tích tụ hàng nghìn ha trồng chuối XK) cùng rất nhiều DN liên kết đầu tư XK chuối, thì phía Bắc cũng đã có “vua chuối” Phạm Năng Thành. Trong khi những DN này luôn kêu không đủ hàng để XK, thì có những nơi như Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hưng Yên... tình trạng phải “giải cứu chuối” liên tục diễn ra.


Có thể bạn quan tâm

Mận đỏ Hoàng Su Phì mang lại nguồn thu 6 tỷ đồng/năm Mận đỏ Hoàng Su Phì mang lại nguồn thu 6 tỷ đồng/năm

Tháng 5 là thời điểm những cây mận máu (mận đỏ) hay còn gọi là Chí Kháy Là (đỏ) tại huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) chuẩn bị thu hoạch

15/05/2018
Đổi đời nhờ nuôi vịt đẻ Đổi đời nhờ nuôi vịt đẻ

Với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, ông Nguyễn Văn Tiêu đã xây dựng thành công mô hình nuôi vịt đẻ kết hợp thả cá, cho doanh thu gần 3 tỷ đồng

15/05/2018
Giấc mơ trồng hoa sạch của chàng trai tuổi 20 Giấc mơ trồng hoa sạch của chàng trai tuổi 20

Đào Hải Triều 25 tuổi, cùng cha chăm sóc gần 4.000m2 trồng hoa ở làng hoa Sa Đéc. Triều tốt nghiệp phổ thông, như bao thanh niên khác, cậu quyết định đi Sài Gòn

15/05/2018