Bỏ Rượu Để Nuôi Tôm
Từ một người bê tha rượu chè, anh Lê Công Thế (thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã "lột xác" thành nông dân sản xuất giỏi nhờ con tôm sú.
Anh Thế kể: “Năm 1998, anh lập gia đình. Hàng đêm anh lênh đênh trên sông Bến Hải để đơm tôm cá nhưng vẫn không thoát nghèo". Với quyết tâm làm giàu, anh học nghề nuôi tôm sú. Năm 1999, khi có dự án đắp đê ngăn mặn sông Bến Hải trên khu vực thôn Quảng Xá, xã Vĩnh Lâm, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đấu thầu 3.000 m2 đất để nuôi tôm sú. "Thời đó nhiều người cho tôi là thằng gàn, liều mạng" - anh Thế nhớ lại.
Chính sự "liều mạng" đó mà anh thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Nhưng được 2 năm thì phải trả đất, anh lại về đấu thầu đất ruộng ở thôn Hiền Lương, tập trung vốn liếng đầu tư cho 2 hồ tôm với diện tích 5.000 m2. Nhưng tại đây, anh nuôi 3 năm đều bị lỗ. Đã vậy anh còn bị tai nạn phải nằm viện dài ngày, tiền bạc làm ra hết sạch, cuộc sống gia đình càng trở nên bi đát. Chán nản, anh bê tha rượu chè. Chị Lê Thị Nhung - vợ anh kể: "Hồi đó, anh ấy bê tha lắm, tôi ngày đêm khuyên ngăn, rồi bà con, anh em cũng tác động nhiều, nói nặng nói nhẹ mà anh ấy cứ ngâm mình trong rượu".
Những tưởng anh không đứng dậy nổi. Nhưng đến năm 2006, khi nghe có dự án nuôi tôm về địa phương, sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết tâm làm lại từ đầu. Quyết tâm của anh bị thách thức một lần nữa khi anh lỗ 2 năm liên tục. Vậy nhưng, anh không nản chí, tiếp tục vay vốn nuôi tôm.
Đến nay, đã là năm thứ 4 anh gặt hái thành công từ nghề nuôi tôm với thu nhập 200 - 250 triệu đồng/năm. Riêng năm 2012, trừ mọi chi phí, anh lãi trên 300 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn nuôi thêm cá và cua trên diện tích 700 m2 mặt hồ, thu nhập 30 triệu đồng/năm. Hiện nay, số gà công nghiệp và ngỗng anh nuôi thử nghiệm đang cho thấy tín hiệu khả quan.
Anh Thế tiết lộ, tới đây, anh sẽ tăng diện tích nuôi tôm lên 10.000 m2 mặt nước với hy vọng sẽ tăng gấp đôi lợi nhuận. Không những làm giàu cho mình, anh còn giúp bà con xóm giềng vốn, kỹ thuật để mọi người cùng làm giàu như anh.
Ông Lê Hữu Hai - Trưởng thôn Hiền Lương, tự hào: "Chính những người dám nghĩ dám làm, không cam chịu thất bại như anh Thế đã góp phần làm giàu cho quê hương".
Có thể bạn quan tâm
Tại Hội thảo “Góp ý đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) tổ chức ngày 25.8, một số ý kiến cho rằng để tạo động lực cho ngành lúa gạo phát triển, nên bỏ hẳn giấy phép xuất khẩu gạo đi, để ai muốn xuất cũng được.
Dù đã lường trước, nhưng việc đồng nhân dân tệ (NDT) liên tục phá giá đã giáng những cú đấm rất mạnh vào doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản.
UBND tỉnh Bình Thuận vừa có quyết định bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2015.
Mới đây, Phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư thành phố kiểm tra mô hình nuôi lươn thâm canh lươn đồng tại hộ ông Triệu Hồng Minh, ở ấp 5, xã Vị Tân.
Nuôi tôm vụ 1 năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết bất lợi do nắng nóng kéo dài, tôm chậm lớn, một số diện tích bị dịch bệnh. Thế nhưng vẫn có những hộ đạt năng suất cao từ áp dụng quy trình nuôi tôm VietGAP. Bài học kinh nghiệm được đúc rút là quản lý tốt mật độ nuôi và chất lượng nguồn nước.