Bọ cánh cứng hại dừa và cách phòng chống
Mặc dù trong nhiều năm qua tình trạng bọ cánh cứng hại dừa đã lắng diệu nhưng gần đây sự trở lại của bọ cánh cứng hại dừa đã làm cho nhiều nhà vườn rất băn khoăn, lo ngại.
Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre thì bọ cánh cứng hại dừa đã xuất hiện ở tất cả các huyện, Thành phố của tỉnh. Bến Tre hiện có 51.560ha vườn dừa thì diện tích bị nhiễm khoảng 5.352ha, tỷ lệ nhiễm từ 15-20%. Trong đó huyện có diện tích bị nhiễm lớn nhất là Mỏ Cày Nam (2.205ha), nhỏ nhất là huyện Ba Tri (16ha).
Qua kết quả điều tra mới đây, từ ngày 15/7/2011 đến ngày 30/7/2011 của Chi cục Bảo vệ thực vật cho thấy, diện tích nhiễm bọ cánh cứng hại dừa đã giảm 372ha so với đầu tháng 7 (5.352ha/5.724ha). Phần lớn vườn dừa tơ, dừa đang thu hoạch ổn định đang phục hồi dần với tỷ lệ từ 30-40%. Tuy vậy, có sự tái nhiễm nhẹ ở các vườn dừa mới trồng, dừa hoang, dừa thiếu chăm sóc. Nhìn chung, vườn dừa toàn tỉnh đã phục hồi và phát triển, có từ 5-6 tàu dừa mới ra đọt non đang xanh tốt. Các đợt lá non hiện rất ít bị sâu hại, mật số bọ cánh cứng trên dừa giảm so với tháng trước. Các vườn dừa đang thu hoạch ổn định, mức lây nhiễm chỉ ở mức trung bình. Tỷ lệ tái nhiễm khoảng từ 10-15% trên vườn dừa đang cho trái và cho trái chưa ổn định tỷ lệ nhiễm khoảng 5%. Nhìn chung, vườn dừa hiện đang phục hồi khoảng 60-70%, các vườn dừa được đầu tư chăm sóc thường xuyên phục hồi nhanh, tốt hơn.
Theo ông Huỳnh Thanh Hùng-Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện đơn vị đang tiếp tục kiểm tra, theo dõi bọ cánh cứng hại dừa và biến động của quần thể ong ký sinh trên vườn dừa ở các huyện, thành phố. Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật các huyện, thành phố phối hợp các địa phương hướng dẫn nhà vườn thường xuyên chăm sóc tốt hơn vườn dừa, cắt và tiêu hủy các đọt bọ dừa hại nặng nhằm giảm nguồn lây lan. Đồng thời, nhân rộng mô hình nuôi ong ký sinh tại các hộ gia đình. Bởi hiện nay toàn tỉnh đã phát động phong trào nuôi ong ký sinh để phòng trị chứ không dùng biện pháp hóa học như trước đây vì hiệu quả rất thấp.
Đặc điểm của bọ dừa
Bọ dừa trưởng thành có thể sống đến 220 ngày, chúng sợ ánh sáng, di chuyển thường vào ban đêm. Khi trưởng thành con cái đẻ trên 100 trứng, con đực thường nhỏ hơn con cái. Trứng được đẻ thành cụm từ 2-5 trứng dính lại với nhau kết chặt trên bề mặt của lá dừa bằng chất dính do con cái tiết ra, trứng nở sau khi đẻ khoảng 5 ngày. Ấu trùng mới nở có màu vàng nhạt sau chuyển thành màu nâu. Ấu trùng có 4 tuổi, kéo dài từ 30-40 ngày, di chuyển chậm, sợ ánh sáng. Khi thành trùng và ấu trùng, bọ cánh cứng tấn công bề mặt của lá non chưa mở, cây bị gây thiệt hại thường giảm năng suất, nếu bị nặng có thể chết.
Qui trình nhân nuôi bọ dừa tại hộ gia đình
Đầu tiên chọn ấu trùng tuổi 4 để cho ký sinh. Ong Asecodes hispinarum có thể ký sinh trên ấu trùng bọ dừa tuổi 2,3 và 4 nhưng chỉ nên chọn những ấu trùng tuổi 4 cho ký sinh là tốt nhất, khả năng vủ hóa ra ong trưởng thành cao. Sau đó cho khoảng 100 ấu trùng bọ dừa đã chọn vào trong hộp nhựa ( kích thước khoảng 15cm x 20cm) và một ít lá dừa non. Tiếp theo là giai đoạn cho ký sinh, đây là giai đoạn quan trọng nhất. Cho ống nghiệm đựng 10 mummy (ấu trùng bọ dừa đã bị ký sinh ) sắp vũ hóa vào trong hộp chứa ấu trùng đã chọn. Khi cho ong vào hộp để ký sinh, dùng một miếng giấy thấm nhỏ tẩm dung dịch mật ong pha loãng rồi dán vào thành hộp để ong có thể hút mật trong thời gian ở trong hộp. Cuối cùng, dùng tấm vải mỏng phủ lên miệng hộp trước khi đậy nắp lại. Sau khi cho ký sinh vẫn phải tiếp tục thay lá dừa ( thức ăn) vì bọ dừa trong giai đoạn này mặc dù bị ký sinh nhưng vẫn còn sống và ăn để nuôi ong non trong cơ thể chúng, đến khi ấu trùng bọ dừa chuyển màu đen thì không cần thay thức ăn nữa.
Trong điều kiện nuôi cho ký sinh trong hộp nhựa, khả năng ký sinh khoảng 50-60%. Quan sát sau khi ký sinh 4-5 ngày, những bọ dừa bị ký sinh sẽ có màu nâu hồng, sau đó khoảng 7 ngày chúng chuyển màu đen ( gọi là mummy). Trong thời gian này, nếu mổ bên trong cơ thể bọ dừa sẽ thấy những con ong non màu trắng trong ( giống như dòi), kích thước khoảng 0.7 - 0.8mm. Đây là giai đoạn ong bắt đầu tiêu thụ thức ăn trong cơ thể bọ dừa. Nhiệt độ cũng là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến sự vũ hóa của ong. Nhiệt độ trong phòng nuôi thích hợp vào khoảng 28-29oC.
Trong trường hợp thời tiết quá nóng bức, cho dù tỷ lệ ký sinh cao nhưng ong không vũ hóa ra ngoài được và tự chết trong cơ thể bọ dừa (có thể ngoài thiên nhiên những ấu trùng bọ dừa tự điều tiết để thích nghi). Nếu điều kiện thích hợp, tỷ lệ ong trưởng thành thoát ra khỏi xác bọ dừa 90- 100%. Thực tế cho thấy, từ một cơ thể ấu trùng bọ dừa có thể chứa 60-65 con ong. Khi thoát ra, ong sẽ tạo những lổ nhỏ bằng đầu kim ở mặt dưới bụng bọ dừa. Thời gian từ khi ký sinh đến khi vũ hóa thành ong trưởng thành trung bình 16-17 ngày. Nếu quá thời gian mà ong không thoát ra được là chúng đã bị chết trong cơ thể bọ dừa.
Khoảng 16-17 ngày sau khi ký sinh thì phóng thích ong ra ngoài thiên nhiên. Có thể thả ong khi chúng thoát ra khỏi xác bọ dừa hoặc thả lúc ong còn nằm bên trong. Tuy nhiên, nên thả lúc ong còn nằm trong xác bọ dừa vì giai đoạn này dễ mang đi xa. Cho xác bọ dừa ( sắp vũ hóa ) vào trong hộp nhỏ có nắp đậy không cho nước vào. Đục 4-5 lổ nhỏ ( khoảng 1cm ) xung quanh hộp để ong bay ra ngoài. Đặt hộp ở nơi thoáng mát gần vườn dừa, ong sẽ tự động bay ra ngoài tìm ký chủ để ký sinh.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân ở ĐBSCL đã làm giàu nhờ mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dừa lùn (dừa dứa, dừa xiêm xanh...) cho trái sớm, năng suất cao, chất lượng trái ngon.
Với những năm gần đây do ảnh hưởng biến đổi khí hậu các loại cây trồng khác ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, từ đó nhu cầu người trồng dừa
Dừa là loại cây dễ trồng, ít đầu tư phân, thuốc như các loại cây trồng khác, ít chịu ảnh hưởng của biến đổi khi hậu, đặc biệt là thích hợp với vùng đất Bến Tre