Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) chủ động bảo vệ thuỷ sản mùa mưa bão
Bên cạnh đó, mưa bão liên tục, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng thuỷ sản.
Huyện Bình Xuyên có trên 1.200 ha nuôi trồng thuỷ sản, tập trung chủ yếu ở các xã, thị trấn như: Thanh Lãng, Hương Canh, Tân Phong, Sơn Lôi và Bá Hiến. Sản lượng thuỷ sản ước đạt 1.500 tấn/năm, đem lại cuộc sống ấm no cho nhiều hộ gia đình.
Tuy nhiên, việc nuôi trồng thuỷ sản của nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện đang bước vào giai đoạn khó khăn do thời tiết bắt đầu vào mùa mưa bão. Thời tiết thay đổi thất thường, môi trường sống bị biến động, thay đổi đột ngột, mầm bệnh có cơ hội lây lan và xâm nhập gây khó khăn cho sự sinh trưởng và phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Bên cạnh đó, mưa bão liên tục, mực nước dâng lên cao, gây nguy cơ tràn bờ, thất thoát tôm, cá; Nếu không có biện pháp kịp thời khắc phục thì thiệt hại cho người nuôi trồng thuỷ sản sẽ là rất lớn.
Theo số liệu của phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bình Xuyên, năm 2013, do ảnh hưởng của cơn bão số 5 và số 6 khiến hơn 887 ha ao, hồ thuỷ sản bị tràn bờ, làm thất thoát hàng trăm tấn cá, nhiều hộ gia đình gần như trắng tay vì mưa lũ. Không dừng lại ở đó, khi nước rút, những chân ruộng vừa nuôi cá vừa cấy, bị nhiễm dịch bệnh. Số cá còn lại sau lũ chết nổi trắng ao.
Tuy nhiên, đến năm 2014, do chủ động triển khai tốt các phương án phòng, chống mưa bão nên những thiệt hại cho người nuôi trồng thuỷ sản đã được hạn chế đáng kể. Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch phòng chống thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản; Tổ chức kiểm tra, nâng cấp, xây mới nhiều hệ thống đê, đập để bảo vệ các ao, hồ nuôi như: Sửa chữa và nâng cấp đê Bá Hanh (ở xã Sơn Lôi), đê Đồng Mong (ở thị trấn Hương Canh); xây mới điếm canh đê Sáu Vó (ở xã Tân Phong)…Đặc biệt, trong cơn bão số 2 và số 3 trong năm, nhờ chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo kịp thời đến người nuôi trồng thuỷ sản để họ sớm chủ động lên phương án bảo vệ. Nhờ đó, trong năm 2014, trên địa bàn huyện không có thiệt hại lớn về thuỷ sản.
Ông Nguyễn Văn Quang, một hộ nuôi thuỷ sản ở thị trấn Hương Canh cho biết: “Năm vừa qua, do thực hiện tốt khâu chuẩn bị phòng chống, kịp thời thông tin từ chính quyền địa phương nên khi bão lũ xảy ra ít gây thiệt hại cho các cho các hộ nuôi”. Gắn bó với nghề nuôi cá hơn 10 năm nay, trước mùa mưa bão, ông Quang tuân thủ nghiêm túc việc triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn cho gần một ha ao nuôi. Đối với các ao cá giống, ông đóng cọc cẩn thận và rào lưới cao từ 1 – 1,5m để bảo vệ cá khi nước lũ tràn qua, các bờ ao đều được gia cố thêm 0,5 m so với mực nước trong ao bằng bao cát để tránh tràn bờ. Đối với các ao cá thịt ở vùng thấp trũng, ông Quang xuất bán sớm từ trước tháng 5 âm lịch để phòng chống lũ.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn, năm 2015, thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường do tác động của biến đổi khí hậu, nhất là trong mùa mưa bão. Bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông năm nay có khả năng nhiều hơn những năm trước. Trước những diễn biến trên huyện Bình Xuyên tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức tự bảo vệ nguồn thủy sản cho từng hộ dân, xây dựng phương án khẩn cấp đối phó mưa lũ.
Để giảm thiểu tổn thất, bảo vệ an toàn nguồn lợi thủy sản mùa mưa bão, trước hết chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho người dân cùng tránh và khắc phục thiên tai; thông báo kịp thời tình hình mưa bão đến những người nuôi trồng thủy sản thông qua các văn bản, cuộc họp, hệ thống loa truyền thanh để họ sớm lên phương án bảo vệ, tránh thiệt hại nặng. Đồng thời, chính quyền địa phương cần rà soát những địa điểm có nguy cơ ngập úng cao đề ra các biện pháp cụ thể, hạn chế thiệt hại.
Các hộ nuôi trồng thủy sản ở những vùng thấp trũng nên thu hoạch trước mùa mưa bão để tránh gây thiệt hại cho người nuôi. Trên cơ sở hướng dẫn và thông báo kịp thời từ chính quyền địa phương, các hộ nuôi trồng thủy sản cũng cần tiến hành củng cố bờ vùng, dọn sạch đăng cống, chuẩn bị cuốc, xẻng, lưới và dự trữ cọc tre, bao cát để sẵn sàng đối phó khi có mưa bão xảy ra. Phát quang cành, cây xung quanh bờ để tránh lá rơi gây ô nhiễm ao nuôi. Khi mưa lũ xảy ra, phải thường xuyên tiến hành kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi để có các giải pháp điều chỉnh phù hợp như: Bón vôi để ổn định môi trường, điều chỉnh màu nước, hoặc có thể thay nước khi cần thiết.
Anh Nguyễn Huy Hải, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bình Xuyên cho biết: “ Khâu đảm bảo an toàn hồ, ao nuôi thuỷ sản trong mùa mưa bão luôn được huyện xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra, đánh giá, tu bổ lại hệ thống đê bao đảm bảo chắc chắn, giữ ổn định mực nước trong các ao, hồ khi mùa mưa bão đến. Đồng thời, phối hợp với UBND xã, thị trấn, nơi có nhiều hộ gia đình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện xây dựng phương án chuẩn bị để phòng chống thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản.
Ngoài các biện pháp kỹ thuật như Gia cố ao, đầm, chuẩn bị lưới vây, đăng chắn xung quanh ao để cá không thoát ra ngoài khi có lũ, chuẩn bị sẵn sàng máy bơm để thực hiện tiêu nước khi cần thiết…chúng tôi còn khuyến khích bà con nên ươm giống sớm và cho thu hoạch trước mùa mưa để tránh thiệt hại đáng tiếc xảy ra. Đến thời điểm này, đa số diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đã được các xã, thị trấn triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống lụt bão, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra”.
Có thể bạn quan tâm
Báo cáo mới nhất của Cục Thú y (Bộ NNPTNT) về tình hình dịch bệnh cho hay, đã có thêm một tỉnh nữa bùng phát dịch tai xanh, đó là tỉnh Bạc Liêu.
Vụ xuân 2012, hợp tác xã nông nghiệp thôn Ngô Cương (xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình) đã triển khai gieo trồng 21 mẫu bí đỏ siêu cao sản (siêu hạt).
Nhuyễn thể hai mảnh vỏ vốn được xem là thế mạnh thứ ba của thủy sản Việt Nam. Nhưng theo số liệu tính đến ngày 15/4/2012 của VASEP thì đến thời điểm này thế mạnh thứ ba ấy chưa thật sự phát huy.
Hiện nay, tại vùng nuôi tôm tập trung của xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) ở các thôn Phan Hiền, Huỳnh Thượng, Huỳnh Xá Hạ dịch bệnh đã bắt đầu phát sinh và lây lan nhanh chóng. Chỉ từ một ít hồ nuôi tôm bị nhiễm bệnh ban đầu, đến nay trên toàn địa bàn đã có 53 hồ với tổng diện tích trên 22 ha bị nhiễm bệnh gây thiệt hại trên 500 triệu đồng cho các hộ nuôi tôm.
Là một tỉnh miền núi có rất nhiều lợi thế về đồng cỏ, nghề nuôi dê ở Tuyên Quang hình thành từ lâu, nhưng mới chỉ dừng lại ở phương thức nuôi quảng canh, chăn thả tự do. Năm 2009, Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang đã triển khai dự án Dự án nuôi dê lai tập trung và phân tán. Sau 4 năm thực hiện, đến nay đàn dê đã được cải tạo, nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi theo lối quảng canh, thả rong của bà con.