Bình Thành nỗ lực xây dựng nông thôn mới
Từ năm 2011 đến nay, xã Bình Thành đã đạt được 8/19 tiêu chí.
Mặc dù chỉ là xã diện của tỉnh chọn xây dựng trong giai đoạn 2, nhưng chính quyền xã đã nêu quyết tâm cao, đề ra kế hoạch cụ thể cho từng năm.
Như năm nay, xã đăng ký xây dựng 2 tiêu chí là giao thông và y tế.
Đến nay, 2 tiêu chí đã hoàn tất, sẵn sàng cho ngày công nhận.
Chủ tịch UBND xã Bình Thành Trần Văn Nghĩa cho biết: “Thực hiện các tiêu chí này, ngoài việc tranh thủ nguồn vốn Trung ương, xã hội hóa, xã còn huy động sức dân hiến đất, hoa màu, tiền của trên 2,3 tỉ đồng.
Nhờ đó, trong năm đã thực hiện được việc làm lộ, sửa chữa các công trình, móng cầu, giặm vá các đoạn lộ giao thông xuống cấp, trồng cây xanh.
Tiêu chí về giao thông đã đạt được như kế hoạch đề ra”.
Ông Văn Đình Thanh, ở ấp Thạnh Mỹ A, chia sẻ: “Từ hồi có chương trình xây dựng nông thôn mới, chỗ tôi ở xán lán hơn nhiều.
Nhà nước đầu tư, mở mang đường sá cho thông thoáng, nên tôi cũng hưởng ứng góp vô một phần công sức là hiến đất, hoa màu, đắp ta-luy để làm lộ”.
Nhờ có những người dân đồng lòng cùng địa phương, mà năm nay việc thực hiện tiêu chí giao thông của xã khá dễ dàng.
Người dân đã góp kinh phí hơn 25 triệu đồng để sửa chữa, giặm vá, đắp ta-luy được hơn 3,3km lộ xuống cấp; bắc mới 4 cây cầu và sửa 1 cây cầu với tổng số tiền vận động xã hội hóa được gần 240 triệu đồng.
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn của Chính phủ hỗ trợ, địa phương đã cứng hóa 5,4km đường trục xã, liên xã; hơn 34km đường trục ấp; 6km đường ngõ xóm, ấp không còn lầy lội vào mùa mưa.
Đường lộ thông suốt giúp cho việc đi lại của người dân dễ dàng, thuận tiện hơn.
Nhờ đó, trạm y tế của xã cũng thu hút được nhiều bệnh nhân đến khám, chữa bệnh.
Chị Võ Thị Phượng, ở ấp Mỹ Quới B, tấm tắc khen: “Hồi đó, mỗi lần đi khám bệnh tôi cũng “ngán” lắm, vì đường lộ xuống cấp.
Bây giờ đường sá tiện lợi, tôi đi bộ cũng tới nơi dễ dàng.
Trạm y tế thì được xây mới thấy sạch sẽ, an tâm lắm”.
Gần 2 tháng nay, Trạm Y tế xã đã được nâng cấp đạt 10 chuẩn quốc gia về y tế với tổng kinh phí 2,5 tỉ đồng từ nguồn hỗ trợ của Sở Y tế tỉnh.
Cơ ngơi khang trang của trạm cũng phần nào tạo lòng tin cho người dân đăng ký tham gia bảo hiểm y tế.
Cùng với sự nỗ lực của cán bộ ngành y tế, năm nay, xã đã vận động toàn dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 70,1%, đạt tiêu chí số 15 về y tế.
Y sĩ Võ Lương Nhân phấn khởi cho hay: “Trạm y tế được nâng cấp là điều vui mừng của đội ngũ cán bộ y tế chúng tôi.
Trạm khang trang hơn, người dân cũng thấy tin tưởng đến khám điều trị đúng tuyến”.
Là xã kinh tế thuần nông, nên đời sống của trên 2.150 hộ thu nhập chính từ cây lúa, chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ.
Để giúp nhân dân nâng cao đời sống, năm 2016 và 2017, Đảng bộ xã sẽ tiếp tục đề ra nghị quyết phát triển kinh tế, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đặc biệt là xây dựng các mô hình sản xuất nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác.
Song song đó, tạo bước đệm cho các tiêu chí khác như môi trường, hộ nghèo, xã đã có kế hoạch dài hơi để chủ động thực hiện, đảm bảo trong năm 2017 đạt danh hiệu xã nông thôn mới.
Ông Trần Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã, cho biết thêm: “Năm 2016, 2017, mỗi năm xã đăng ký hoàn thành 4 đến 5 tiêu chí.
Trong đó, có những tiêu chí khó cần phải có kế hoạch từ nhiều năm trước như tiêu chí môi trường.
Vì vậy, bắt đầu từ năm 2016, Ban Quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới xã sẽ tăng cường chỉ đạo Ban vận động ấp đến tuyên truyền, vận động người dân trồng hàng rào cây xanh, hoa ven lộ tạo tuyến đường đẹp.
Như vậy, chắc ăn đến năm 2017, cây xanh sẽ mọc tươi tốt, phát triển, làm thay đổi vẻ mỹ quan của xã nông thôn mới Bình Thành”.
Có thể nói, với những cách làm bài bản, kế hoạch cụ thể và sự đồng lòng, quyết tâm cao, xã Bình Thành tin chắc rằng sẽ sớm về đích nông thôn mới.
Từ đó, người dân Bình Thành có điều kiện thuận lợi để xây dựng quê hương tiếp tục phát triển theo hướng bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 18.3, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long cho biết, đầu năm 2014, trên địa bàn tỉnh còn trên 8.700ha nhãn, phần lớn là nhãn tiêu da bò.
Lan hồ điệp (cattleya) sinh trưởng tốt ở xứ lạnh, nhưng ông Lê Minh Bửu, ở thôn Hòa Sơn, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi đã trồng thành công giống lan này trên mảnh đất khô cằn ngay tại vườn nhà.
Tỏi một tép (còn gọi là tỏi cô đơn, tỏi mồ côi) ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) được nhiều người ưa chuộng và mua với giá gấp 7 lần loại thông thường.
Với kỹ thuật nuôi đơn giản, cho hiệu quả kinh tế cao, một số nông dân ở Cà Mau đang tìm tòi và nhân rộng mô hình nuôi lươn trong bể bê tông.
Chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại hoa màu khác không chỉ giúp giảm lượng hàng hóa nhập khẩu mà còn cân đối lại lượng lúa gạo hiện dư thừa và bảo vệ độ màu mỡ của đất đai.