Bình Dương Áp Dụng Kỹ Thuật Mới Vào Cây Điều
Nhân điều được thế giới đánh giá như là hạt quý nhất trong các loại hạt. Nhu cầu cao của thị trường thế giới trong những năm gần đây làm giá tăng, đơn hàng tăng khiến người trồng điều phấn khởi.
Thấy được cơ hội tốt, các địa phương trong đó có Bình Dương đang nỗ lực nâng cao sản lượng và chất lượng hạt điều bằng cách áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiến bộ.
Sau 3 năm triển khai một số mô hình trình diễn thử nghiệm, đưa kỹ thuật mới vào cây điều, đề tài đã thu được kết quả khả quan. Mới đây, Trung tâm Cây ăn quả miền Đông Nam Bộ đã cùng Sở Khoa học tỉnh Bình Dương tiến hành nghiệm thu, chuyển giao các mô hình: Tỉa cành tạo tán; phòng trừ dịch hại tổng hợp; bón phân và xử lý ra hoa đồng loạt, thâm canh tổng hợp và mô hình trồng giống mới kết hợp thâm canh tổng hợp cho ngành nông nghiệp và nhà vườn ở các huyện Tân Uyên, Dầu Tiếng và Phú Giáo.
Báo cáo nghiệm thu do ông Mai Văn Trị trình bày nêu rõ: Do tác động của kỹ thuật vào quá trình sinh trưởng và phát triển, các vườn cây thử nghiệm ra chồi non nhiều và đồng đều; hạn chế sâu bệnh gây hại, khả năng đậu trái cao và năng suất cao hơn các lô đối chứng (canh tác theo truyền thống). Cụ thể, ở mô hình trồng giống mới và thâm canh tổng hợp đạt 10,88 - 12,17 hạt/chùm, trong khi lô đối chứng chỉ có 5,48 - 6,07 hạt/chùm. Về năng suất đạt 1,5 - 1,63kg hạt/cây so với lô đối chứng chỉ đạt 0,63 - 0,7kg hạt/cây, tăng 2,35 lần. Ở mô hình tỉa cành tạo tán, năng suất đạt 1,80 - 1,85 tấn/ha so với đối chứng 1,52 - 1,57 tấn/ha, tăng 1,18 lần…
Quá trình thực nghiệm của đề tài đã tiến hành đào tạo được 6 kỹ thuật viên về nhân giống và chăm sóc quản lý vườn điều; tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng điều cho 360 lượt nhà vườn. Để tăng tính thực tiễn, các cán bộ nghiên cứu đã tổ chức 7 đợt hội thảo đầu bờ với 210 lượt nhà vườn, trong đó có 35 cán bộ địa phương tham dự.
Đề tài khuyến cáo nhà vườn trồng giống điều PN1 (đã qua thực nghiệm) do giống này có khả năng phát triển mạnh, năng suất cao, ổn định và chất lượng nhân tốt cho xuất khẩu. Hạt lớn (147,5 hạt/kg), tỷ lệ nhân cao (32,3%) là thế mạnh vượt trội về giá xuất khẩu của giống điều PN1.
Quá trình áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là tiền đề xây dựng các vùng sản xuất điều chất lượng cao, tiến đến việc thích ứng với mọi yêu cầu chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm tại các nước nhập khẩu có khả năng truy xuất nguồn gốc.
Có thể bạn quan tâm
Bà con cần bón phân đầy đủ, chú trọng nhiều phân đạm và phân lân, kết hợp mọi loại chất hữu cơ bón lót.
Một số biện pháp kỹ thuật xử lý nhanh với các dạng vườn điều để phục hồi sức khỏe vườn điều giúp ra hoa và đậu trái và phòng trừ sâu bệnh
Quy trình quản lý bọ xít muỗi và bệnh thán thư hại điều, hướng dẫn nông dân áp dụng phòng chống dịch bệnh hiệu quả và an toàn.
“Trẻ hóa” cây điều là giải pháp cần thiết nhằm giữ vững diện tích, nâng cao năng suất & thu nhập cho người trồng điều, đảm bảo sự phát triển bền vững ngành điều
Lợi thế của ghép chồi là trái ra nhiều đợt nhờ mỗi cành có nhiều chồi non, già. Như vậy, cây điều sẽ ra bông và trái nhiều đợt, mùa điều kéo dài hơn