Biện pháp phòng trừ cỏ dại, ốc bươu vàng hại lúa mùa năm 2020
Cỏ dại và ốc bươu vàng (OBV) là đối tượng dịch hại nguy hiểm đối với cây trồng nói chung, cây lúa nói riêng. Cỏ dại làm giảm đáng kể năng suất do cạnh tranh với cây trồng về ánh sáng, nước và dinh dưỡng; đồng thời là ký chủ trung gian của sâu, bệnh hại và là nơi trú ẩn của chuột.
Để chủ động ngăn chặn cỏ dại và OBV bảo vệ sản xuất vụ mùa năm 2020, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) hướng dẫn một số biện pháp phòng trừ như sau:
Đối với cỏ dại, cày lật đất ngay sau khi gặt; làm đất kỹ, thu dọn hết cỏ dại, san phẳng ruộng. Tiến hành làm cỏ sớm, sau cấy 7-10 ngày bón phân thúc lần 1 kết hợp làm cỏ sục bùn bằng tay hoặc cào răng lược. Giữ mực nước trong ruộng thích hợp ở thời gian sau khi lúa mới cấy đến đẻ nhánh để hạn chế cỏ dại. Sử dụng thuốc trừ cỏ có hiệu lực cao nhưng ít độc hại đối với người và môi trường; không sử dụng thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục cho phép.
Đối với lúa sạ, sử dụng các loại thuốc nhóm tiền nảy mầm, thuốc có chất an toàn cao. Đối với lúa cấy, sử dụng các loại thuốc tiền nảy mầm và hậu nảy mầm sớm. Sử dụng thuốc đúng nồng độ và liều lượng theo hướng dẫn ghi trên bao bì; tuyệt đối không phun tăng liều, phun chồng lối; không phun thuốc khi mực nước trong ruộng lớn (ngập đỉnh sinh trưởng của lúa), không phun thuốc vào lúc nắng gắt hay có gió to, sắp hoặc sau mưa. Sau khi xử lý thuốc, cần giữ mực nước đều từ 1-3cm trong 3-5 ngày để tăng hiệu lực trừ cỏ; không để ruộng khô, nứt nẻ hoặc ngập úng gây chết lúa. Thực hiện tốt các biện pháp an toàn khi sử dụng thuốc trừ cỏ.
Đối với ruộng có nhiều cỏ đuôi phụng cần xử lý bằng thuốc có hoạt chất Cyhalofop-butyl (Linhtrơ 200EW, Anstrong 10EC, Pitago 550WP, Push® 330EC, Slincesusamy 200EC…). Đối với ruộng có nhiều cỏ lồng vực nên sử dụng thuốc có hoạt chất Quinclorac (Ankill A 40WP, Topsuper 560WP, Pitagor 550WP...). Thuốc trừ cỏ rất dễ gây ngộ độc, ảnh hưởng đến cây trồng nên phải chú ý hạn chế sử dụng thuốc, không lạm dụng thuốc trừ cỏ để diệt cỏ trên bờ ruộng, ven đường tránh ảnh hưởng đến cây trồng, môi trường và con người; chỉ dùng thuốc cho những ruộng có tiền sử nhiều cỏ, thường xuyên mất nước.
Đối với OBV, tạo các rãnh nhỏ xung quanh ruộng, lợi dụng khi tháo nước ốc tập trung chảy theo xuống rãnh để thu gom tiêu diệt. Cắm que cọc rải rác trong ruộng để ốc leo lên đẻ trứng, sau đó thu hủy trứng. Dùng lưới mắt cáo bằng kim loại, lưới ni-lông có lỗ nhỏ hoặc phên chặn trước cửa ruộng, mương máng, cống dẫn nước vào ruộng... để ngăn ốc từ bên ngoài xâm nhập vào ruộng lúa, đồng thời dễ thu gom diệt ốc. Các biện pháp thủ công cần được tiến hành thường xuyên trong suốt vụ. Ốc thu gom đem tiêu hủy hoặc dùng làm phân bón cho cây trồng, nghiền làm thức ăn chăn nuôi.
Kết hợp biện pháp sinh học, thả vịt vào mương máng, ruộng lúa đã cứng hoặc sau khi thu hoạch để vịt ăn ốc con. Ưu tiên sử dụng thuốc nhóm hoạt chất Metaldehyde an toàn cho cây trồng và ít độc đối với động vật thuỷ sinh. Diệt OBV phải làm đồng loạt, tập trung, làm thường xuyên và đúng phương pháp. Tuy nhiên thuốc trừ OBV rất độc đối với động vật thủy sinh nên dùng biện pháp thủ công là chính. Nếu phải sử dụng thuốc hóa học thì khi phun thuốc cần hoành triệt kỹ không cho nước trong ruộng chảy ra mương máng trong 3 ngày sau phun; không phun thuốc gần khu vực nuôi thủy sản.
Có thể bạn quan tâm
Khi loài ong đang trước nguy cơ suy giảm vì biến đổi khí hậu , thuốc trừ sâu thì ý tưởng mới để thụ phấn cho cây này có thể giải cứu thế giới.
Một hộ nông dân nuôi bò sữa ở bang New South Wales đã sử dụng robot chạy bằng năng lượng mặt trời để điều khiển đàn bò sữa từ A đến Z.
Kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của Vitamin C đối với lươn đồng (Monopterus albus) cho thấy, hàm lượng tối ưu của Vitamin C trong thức ăn