Trang chủ / Hải sản / Tôm hùm

Biện Pháp Phòng Bệnh Tổng Hợp Ở Tôm Hùm Nuôi Lòng

Biện Pháp Phòng Bệnh Tổng Hợp Ở Tôm Hùm Nuôi Lòng
Ngày đăng: 19/12/2010

BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH TỔNG HỢP Ở TÔM HÙM NUÔI LỒNG

Nuôi tôm hùm bằng lồng trên biển là hình thức nuôi trong một hệ sinh thái hở, nên việc phòng bệnh gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, trong quá trình nuôi, tôm phải chịu nhiều yếu tố gây sốc như việc phân cỡ tôm, vệ sinh lồng nuôi, thay lưới hay thay lồng nuôi. Đồng thời, việc nuôi nhiều lứa tôm gối nhau trong một hệ thống nuôi dẫn đến hệ quả là các lồng lưới trở thành một “kho” chứa các mầm bệnh. Mặt khác, việc mua bán, vận chuyển giống hay di chuyển lồng/bè từ vùng này sang vùng khác là những yếu tố chính góp phần làm mầm bệnh lây lan. Vì thế, việc phòng bệnh được coi là hết sức quan trọng trong quá trình nuôi tôm hùm lồng. Tuy nhiên, bệnh xuất hiện khi có sự kết hợp của 3 yếu tố: tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus, nấm...), sức đề kháng của vật chủ bị yếu và điều kiện môi trường xấu. Nếu thiếu một trong ba yếu tố trên, bệnh sẽ không xuất hiện. Vì vậy, dựa trên cơ sở này để có khuynh hướng phòng ngừa và điều trị bệnh một cách có hiệu quả.

Xuất phát từ các nhân tố gây ra bệnh ở tôm hùm nuôi, việc phòng bệnh tổng hợp cũng dựa trên cơ sở này, tức là quản lý môi trường nuôi tốt; kìm hãm, ngăn chặn tác nhân gây bệnh; tăng cường sức khỏe của tôm hùm. Cụ thể như sau:

1. QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG NUÔI

* Chọn địa điểm nuôi thích hợp như đã trình bày ở mục 1- chương 2, việc chọn lựa địa điểm nuôi thích hợp giúp giảm thiểu rủi ro do các yếu tố thời tiết, ô nhiễm môi trường, bệnh,....

* Quản lý nguồn chất thải: nguồn chất thải ở đây là do:

- Nguồn thức ăn dư thừa; - Nguồn nước đưa vào (nước sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nông nghiệp...);
- Chu kỳ sản xuất trước để lại (khi vùng nuôi không có dòng chảy tầng đáy, sau mỗi vụ nuôi, đáy nơi đặt lồng không được vệ sinh sạch); - Do sản phẩm trao đổi chất của tôm.
Tuy nhiên, nguồn thức ăn dư thừa gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi là nhiều hơn cả. Do vậy, việc ước lượng thức ăn cho tôm hùm ăn hàng ngày là rất quan trọng, liên quan đến trình độ kỹ thuật của người nuôi tôm hùm.

2. TĂNG CƯỜNG SỨC ĐỀ KHÁNG CỦA TÔM HÙM

2.1. Chọn đàn tôm giống khỏe mạnh

Phải chọn con giống khỏe mạnh, đạt các tiêu chí như đã trình bày ở mục 3 - chương 2.

2.2. Vận chuyển và thả giống đúng quy trình kỹ thuật

Phải đảm bảo việc vận chuyển và thả giống tôm hùm như đã trình bày ở mục 4 và 5 - chương 2 để tôm nuôi cho tỷ lệ sống cao, đặc biệt trong giai đoạn đầu của quá trình nuôi.

2.3. Cải tiến phương pháp quản lý nuôi dưỡng

- Nuôi tôm ở mật độ hợp lý: Mật độ nuôi tôm hùm tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển tôm nuôi. Như đã biết, tôm hùm là loài giáp xác hung dữ, chúng ăn thịt lẫn nhau, do vậy khi nuôi ở mật độ cao tôm sẽ tranh giành thức ăn hay ăn thịt những tôm nhỏ, tôm yếu do bị bệnh, từ đó nguy cơ lây lan mầm bệnh từ cá thể này sang cá thể khác là rất cao, một khi không gian sống không được đảm bảo. Mật độ ương nuôi tôm hùm hợp lý như đã được trình bày ở mục 5 - chương 2.

- Thường xuyên phân cỡ tôm, hạn chế sự phân đàn trong một lồng nuôi: cũng như đa số các loài giáp xác khác, tôm hùm là nhóm giáp xác ăn tạp, thích bắt các loại mồi sống, giáp xác đang lột xác. Do vậy, cần phân cỡ đàn tôm nuôi, cũng như hạn chế sự phân đàn trong một lồng nuôi nhằm giảm khả năng ăn lẫn nhau (tôm lớn ăn tôm nhỏ) trong quá trình lột xác, làm hao hụt tôm nuôi.

- Cho ăn với kích cỡ, số lượng, chất lượng thức ăn đảm bảo, phù hợp với đặc điểm sinh lý, điều kiện môi trường, giai đoạn phát triển của tôm nuôi.- Thường xuyên chăm sóc, quản lý đàn tôm nuôi, vệ sinh lồng/bè cho nước thông thoáng, tránh bị rong rêu bám làm bịt lỗ lưới.
- Thao tác đánh bắt, phân cỡ đàn tôm nên nhẹ nhàng, tránh sây sát cho tôm: Trong môi trường nuôi tôm hùm lồng luôn luôn tồn tại các sinh vật gây bệnh cho tôm. Nếu để tôm bị tổn thương, các sinh vật gây bệnh dễ xâm nhập vào cơ thể thông qua các vùng tổn thương này.

2.4. Đảm bảo một số thành phần vitamin, khoáng chất... liên quan đến sức đề kháng tôm nuôi

Khi tôm hùm có sức đề kháng tốt, chúng có khả năng chống lại các yếu tố gây bệnh nên khó mắc bệnh hoặc chỉ mắc bệnh nhẹ. Do vậy, việc sử dụng vitamin C, một số khoáng chất trộn hay tiêm vào thức ăn cho tôm hùm ăn là một trong các biện pháp dùng để tăng sức đề kháng cho tôm, nhằm phòng ngừa và hạn chế sự xuất hiện bệnh ở chúng. Một số loại vitamin và khoáng chất dùng cho tôm Sú trên thị trường hiện nay cũng có thể sử dụng cho nuôi tôm hùm lồng.

3. TIÊU DIỆT VÀ KÌM HÃM SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TÁC NHÂN GÂY BỆNH

3.1. Sát trùng lồng, nền đáy nơi đặt lồng nuôi trước khi đặt lồng/bè

Việc sát trùng lồng, nền đáy nơi đặt lồng/bè nuôi có ý nghĩa quan trọng trong việc tiêu diệt và kìm hãm sự phát triển của sinh vật gây bệnh. Đây là khâu quan trọng, cần được tiến hành trong quá trình nuôi dưỡng, đặc biệt là sau từng đợt sản xuất hay sau mỗi lần thay lồng/bè. Thời gian để trống nền đáy nơi đặt lồng là vô cùng cần thiết (đối với những hình thức nuôi lồng được đặt sát đáy hoặc gần sát nền đáy), nó có tác dụng giải phóng khí độc, giảm ô nhiễm môi trường và giảm tác nhân gây bệnh. Tuỳ theo mật độ, qui mô của từng nơi mà quyết định thời gian để trống nền đáy lồng nuôi một cách hợp lý, có thể từ vài tuần tới vài tháng. Trong trường hợp trước đó có dịch bệnh, tuỳ theo loại bệnh mà tăng thời gian để trống nền đáy lồng nuôi từ 3 đến 6 tháng.

Ngoài các biện pháp cọ rửa lồng/bè nuôi, phơi nắng lưới và khung lồng, cần phải dùng nước vôi quét bên trong và ngoài lồng/bè nuôi để sát trùng, tiêu diệt mầm bệnh hoặc dùng clorua vôi để khử trùng.

3.2. Khử trùng, kiểm tra nguồn gốc và chất lượng đàn giống thả nuôi

Nguồn gốc giống tôm hùm thả nuôi của bà con nuôi tôm hùm lồng có thể là từ các nguồn:

- Đánh bắt tự nhiên, rồi được đem nuôi trực tiếp; - Mua từ các chủ nậu thu gom ở những người đi khai thác tự nhiên;
- Mua từ những vùng ương nuôi khác mang về để nuôi tiếp.

Do vậy, tôm giống có thể mang mầm bệnh vào lồng/bè nuôi trong mọi trường hợp, đặc biệt là khi mua từ vùng ương nuôi khác mang về. Vì vậy, giống cần phải được kiểm tra một số dấu hiệu bệnh thường gặp như: bệnh đỏ thân, bệnh sữa,... và phải sát trùng trước khi thả vào lồng/bè nuôi. Tuỳ theo kết quả theo dõi, kiểm tra nguồn gốc, chất lượng đàn giống thu mua mà chọn thuốc sát trùng cho thích hợp. Trong nuôi tôm hùm thường dùng formol nồng độ 100 - 200 ppm tắm cho tôm trong 20 - 30 phút.

3.3. Vệ sinh và sát trùng thức ăn

Thức ăn là một trong những nguồn lây nhiễm bệnh cho tôm nuôi do việc sử dụng thức ăn tươi sống là cá nhỏ, tôm, cua, ghẹ. Do đó, vệ sinh và sát trùng thức ăn cần được thực hiện thường xuyên trong suốt quá trình nuôi. Thức ăn phải được bảo quản tốt, còn tươi (không sử dụng thức ăn ươn thối) và được mua hoặc có nguồn gốc từ những vùng không có dịch bệnh.

Thức ăn cho tôm hùm được rửa sạch, tuỳ vào giai đoạn tôm nuôi mà có thể để nguyên hoặc cắt nhỏ, sau đó để ráo nước rồi nhúng vào dung dịch thuốc tím (KMnO4) 3÷5 ppm (3 - 5 mg/lít nước biển), trộn đều và ngâm khoảng 10 - 20 phút để sát trùng rồi cho tôm ăn.

3.4. Sử dụng một số thuốc để tiêu diệt và kìm hãm tác nhân gây bệnh trước mùa phát triển bệnh

Phần lớn các bệnh ở tôm hùm nuôi lồng thường xảy ra và phát triển mạnh ở những mùa vụ nhất định. Các bệnh như bệnh đỏ thân, bệnh đen mang thường tập trung vào mùa khô, do đó phải có biện pháp tiêu diệt và kìm hãm tác nhân gây bệnh trước mùa phát triển bệnh, hạn chế sự xuất hiện của bệnh, tránh gây tổn thất lớn. Có thể sử dụng một số biện pháp sau để tiêu diệt và kìm hãm tác nhân gây bệnh trước mùa phát triển bệnh:

* Định kỳ treo túi vôi quanh lồng nuôi trước và sau thời gian thường xuất hiện bệnh ở tôm.* Định kỳ dùng thuốc đúng nồng độ và thời gian để tiêu diệt các mầm bệnh phát triển trong cơ thể tôm. Thuốc dùng cho tôm thường được sử dụng với các hình thức sau:

- Qua đường tiêm trực tiếp vào cơ thể tôm: Đây là phương pháp có hiệu quả nhất nhưng rất khó thực hiện khi tôm còn nhỏ, số lượng tôm nhiều và dễ gây sốc cho tôm. Vị trí tiêm trên cơ thể tôm thường ở phần cơ thịt, đốt bụng 2.

- Qua đường tiêu hoá của tôm: có hai cách đưa thuốc vào cơ thể tôm:
+ Tiêm thuốc vào thức ăn (cá mồi): thường tiêm vào phần cơ của thức ăn tươi, thuốc sẽ ngấm sâu vào phần cơ thịt của cá mồi. + Trộn thuốc vào thức ăn: đây là phương pháp rất phổ biến đối với hầu hết các loại kháng sinh, vitamin, khoáng (trừ hoá chất và thuốc sát trùng). Phương pháp này rất đơn giản, dễ làm. Tuy nhiên, một phần thuốc sẽ dễ bị phát tán ra ngoài môi trường nước, những con tôm bị bệnh nặng, yếu đã bỏ ăn thì sẽ không sử dụng được thuốc.

- Qua đường ngâm (tắm): phương pháp này thường được áp dụng cho việc tiêu diệt tác nhân gây bệnh ký sinh ngoài cơ thể tôm và tồn tại trong môi trường lồng nuôi. Sử dụng tấm bạt lớn bao 5 mặt của lồng nuôi, sau đó sục khí và đưa thuốc (sát trùng, kháng sinh,...) vào trong lồng, khoảng 30 phút tuỳ loại tác nhân gây bệnh, gỡ bỏ bạt cho nước lưu thông bình thường. Phương pháp này khá hiệu quả và ít ảnh hưởng đến sức khoẻ tôm nuôi.

Đối với tôm hùm nuôi lồng, việc trộn/tiêm thuốc vào thức ăn cho tôm tuỳ theo yêu cầu phòng ngừa từng loại bệnh mà tính số lượng thuốc, số lần cho ăn và chọn loại thuốc nào trộn/tiêm vào thức ăn cho có hiệu quả. Khi dùng thuốc trộn/tiêm vào thức ăn cho tôm ăn để tiêu diệt, kìm hãm sự phát triển của tác nhân gây bệnh tôm cần lưu ý:

- Thức ăn sử dụng để trộn thuốc phải là loại tôm thích ăn, đồng thời phải có độ ngấm được thuốc thích hợp (độ dính thích hợp), nếu không tôm sẽ ít sử dụng, hiệu quả việc sử dụng thuốc sẽ thấp. Ở tôm hùm, thức ăn thường được dùng để trộn thuốc là các loại giáp xác (cua, ghẹ,...), cá tạp tươi.

Bảng 3.1: Ưu và nhược điểm của các phương pháp dùng thuốc
trong việc phòng và trị bệnh cho tôm hùm 

TT

Phương pháp

Ưu điểm

Nhược điểm

1

 Trộn thuốc vào thức ăn, bao dầu mực rồi cho ăn.

- Dễ làm. - Có tác dụng giảm bệnh

- Thuốc không ngấm sâu vào thức ăn nên phần lớn tan ra trong nước, nguy cơ hình thành hệ vi khuẩn kháng kháng sinh trong môi trường.
- Lượng thuốc đưa vào cơ thể thấp nên tôm chỉ đỡ mà không khỏi bệnh, nguy cơ hình thành hệ vi khuẩn kháng thuốc trong tôm. - Tôm bị bệnh nặng không khỏi bệnh vì bỏ ăn.

2

Tiêm thuốc vào cơ thịt của thức ăn và bao bằng dầu mực rồi cho ăn.

- Dễ làm.
- Lượng thuốc ngấm sâu vào thức ăn. - Có tác dụng giảm bệnh hơn cách 1.

- Tốn công tiêm.
- Lượng thuốc đưa vào thức ăn làm thay đổi mùi vị của thức ăn làm tôm ăn ít hoặc bỏ ăn. - Nguy cơ hình thành hệ vi khuẩn kháng kháng sinh vì vẫn có lượng kháng sinh tan vào trong nước tuy đã giảm bớt.
- Lượng thuốc đưa vào cơ thể thấp nên tôm chỉ đỡ mà không khỏi bệnh, nguy cơ hình thành hệ vi khuẩn kháng thuốc trong tôm vẫn còn - Tôm bị bệnh nặng không khỏi bệnh vì bỏ ăn.

3

Tiêm thuốc vào cơ thịt của tôm bệnh.

- Liều lượng thuốc vào cơ thể đúng mức cần thiết.
- Không hình thành hệ vi khuẩn kháng thuốc ngoài môi trường và trong cơ thể tôm - Hiệu quả chữa trị cao, chữa trị được cả cho tôm đã có dấu hiệu bệnh nặng

 - Mất nhiều công tiêm và đòi hỏi có kỹ thuật.
- Bắt tôm để tiêm có thể gây sốc cho tôm.

- Thời gian ngâm thuốc trong thức ăn phải đảm bảo đủ để thuốc ngấm vào được trong thức ăn. Thường ngâm thuốc trong thức ăn khoảng 30 phút đến 1 giờ trước khi cho tôm ăn. - Kích cỡ thức ăn sử dụng lớn, nhỏ phù hợp với từng giai đoạn tôm nuôi, phù hợp với kích cỡ miệng tôm.
- Tính toán lượng thức ăn trong mỗi lần ăn cho chính xác, thường dựa vào khối lượng tôm nuôi và giai đoạn phát triển của tôm. - Cho ăn với số lượng ít hơn bình thường để tôm sử dụng hết thức ăn, sau đó tăng dần lượng thức ăn, nhất là khi tôm bị bệnh đường ruột.
- Cần bao bọc thức ăn có thuốc bằng dầu mực, dầu đậu nành hoặc một số chất ít tan trong nước. - Cần phát hiện bệnh ở thời kỳ sớm để dùng thuốc khi tôm trong lồng còn bắt mồi thì mới có thể đưa thuốc vào cơ thể theo đường tiêu hoá.


Có thể bạn quan tâm

Tỷ phú tôm hùm đảo Lý Sơn Tỷ phú tôm hùm đảo Lý Sơn

Với nhiều lợi thế cho phát triển thủy sản, những năm qua, ngư dân đảo Lý Sơn đã làm giàu từ nghề nuôi tôm hùm lồng; trong đó, tiêu biểu là anh Nguyễn Tấn Nhiều, xã An Vĩnh, thu tiền tỷ mỗi năm nhờ đầu tư hiệu quả.

11/11/2015
Lưu ý khi điều trị bệnh sữa cho tôm hùm Lưu ý khi điều trị bệnh sữa cho tôm hùm

Phòng ngừa là cách tốt nhất để tránh và giảm thiểu thiệt hại do bệnh gây ra.

12/11/2015
Hướng dẫn phòng, chống bệnh sữa trên tôm hùm Hướng dẫn phòng, chống bệnh sữa trên tôm hùm

Bệnh sữa gây thiệt hại lớn nhất cho nghề nuôi tôm hùm ở các tỉnh Nam Trung bộ hiện nay. Tôm mắc bệnh bị chết rải rác hoặc chết hàng loạt, tỷ lệ chết có thể lên đến hơn 70%.

12/11/2015
Kỹ thuật khai thác và vận chuyển Tôm Hùm Giống Kỹ thuật khai thác và vận chuyển Tôm Hùm Giống

Lưới được giăng xuống biển bằng thuyền vào khoảng 8 giờ tối, sau 4 – 5 tiếng (vào khoảng 12 – giờ khuya lưới được kéo lên thuyền lần thứ nhất để thu gom những con tôm hùm giống dính lưới.

12/11/2015
Tảo độc lại xuất hiện ở một số vùng nuôi tôm hùm Tảo độc lại xuất hiện ở một số vùng nuôi tôm hùm

Hiện môi trường nước tại một số vùng nuôi tôm hùm trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số loài tảo độc.

10/09/2015