Biện pháp hạn chế tác hại của mặn cho vườn cây ăn trái
Theo đánh giá của các chuyên gia và dự báo của ngành chức năng thì sự xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong mùa nắng năm 2019-2020 sẽ nhiều hơn trung bình các năm.
Ảnh minh họa.
Do đó, nhà vườn trồng cây ăn trái ở những vùng có thể bị nhiễm mặn cần có biện pháp phòng ngừa và khi vườn bị mặn cần có biện pháp làm giảm nhẹ thiệt hại.
1. Biện pháp phòng ngừa mặn xâm nhập vườn cây ăn trái
Để phòng ngừa mặn xâm nhập vườn cây ăn trái, nhà vườn cần phải làm những việc sau đây:
Ngăn mặn: Gia cố đập, đê bao và bờ bao ngăn mặn. Lưu ý đất sét ở ĐBSCL dễ bị co rút gây nứt nẻ khi khô, cho nên khi đấp đất cần phải tấn nylon để mặn không theo đường nứt xâm nhập vào vườn.
Trữ nước ngọt: Phải trữ nước ngọt trong mương vườn lúc nào cũng đầy. Nếu được, sử dụng một đoạn kênh, rạch, ao đìa để trữ thêm nước, bảo đảm đủ nước tưới cho cây trong suốt mùa nắng.
Đo độ mặn mỗi khi đưa nước vào mương vườn.
Mặc dù nhà vườn phải theo dõi dự báo xâm nhập mặn, nhưng trước mỗi lần đưa nước vào mương vườn phải đo lại độ mặn. Khi đo mặn cần lưu ý:
Kiểm tra độ chính xác của dụng cụ đo mặn: Đo nước khoáng đóng chai có độ mặn bằng không thì dụng cụ mới chính xác.
Chọn vị trí đo mặn trong kênh rạch: Đo mặn ngay đầu nguồn nước đưa vào vườn, hoặc đo ở vị trí đầu máy bơm nước.
Kiểm tra độ mặn thường xuyên trong lúc lấy nước: Do độ mặn của nước sông, rạch luôn thay đổi, nhất là thời điểm nước “đứng lớn”.
Theo dõi thủy triều để lấy nước ngọt: Độ mặn trong kênh, rạch không giữ cố định mà thay đổi theo con nước “kém” hay “rong” trong tháng và thay đổi theo nước “lớn” hay “ròng” trong ngày. Vào thời điểm con nước kém (khoảng mùng 9-10 và 24-25 âm lịch, có 2 con nước mỗi tháng), nhà vườn canh lúc nước ròng để lấy nước ngọt, vì lúc này nước biển xuống thấp nhất đó là cơ hội để nước ngọt trong sông đẩy mặn lùi xa ra biển. Lưu ý: Vùng biển Đông có 2 lần nước ròng trong ngày, nhưng biển Tây chỉ có 1 mà thôi.
Hạn chế thất thoát nước trong vườn cây: Có 3 nơi mất nước trong vườn cây ăn trái:
Nước bốc hơi ở mương vườn: Lục bình, bèo, cỏ dại trong mương vườn làm gia tăng lượng nước bị mất, cần phải được làm sạch. Phủ nylon hay màng phủ nông nghiệp lên mặt nước để giảm bốc hơi.
Nước bốc hơi qua mặt đất líp: Cỏ dại làm tăng mất nước ở líp vườn, cần được làm sạch. Phải phủ líp bằng những vật liệu có sẳn tại địa phương như rơm rạ, lá dừa, lá mía… có thể dùng nilon hay màng phủ nông nghiệp trải lên mặt líp.
Nước thoát hơi qua mặt lá của cây: Trên bề mặt lá của cây có nhiều khí khổng thoát nước. Vì vậy, cần tỉa bỏ những lá nằm khuất trong tán quang hợp kém, để giảm lượng nước mất do thoát hơi.
2. Biện pháp khắc phục vườn cây ăn trái khi bị nhiễm mặn
Vườn cây ăn trái bị nhiễm mặn là một tai nạn, không những gây thiệt hại trước mắt cho nhà vườn mà còn làm cho đất xấu đi nhiều năm sau đó. Do đó, nhà vườn cần thực hiện những biện pháp sau:
Lúc vườn cây đang bị mặn: Cần thực hiện các những việc làm sau đây:
Giảm nhu cầu nước của cây: Cần phải tỉa bỏ bớt cành lá. Không để cây mang bông hay trái.
Giảm mất nước trong líp: Phải che phủ mặt líp bằng những vật liệu như trình bày ở phần “hạn chế bốc hơi qua mặt đất líp”.
Tăng khả năng chịu mặn cho cây: Phun các chế phẩm có hormone brassinolide hay humic acid.
Cung cấp dinh dưỡng cho cây: phun phân KNO3 qua lá với nồng độ là 10 g/L. Phun ướt đẩm cả 2 mặt lá.
Phải rửa mặn đã tích tụ trong đất líp: Xới nhẹ lớp đất mặt và dùng nước sông rạch hay nước mưa để rửa mặn. Nên bón phân có canxi để rửa mặn được nhanh hơn, có thể dùng phân Đầu Trâu Mặn-Phèn với liều lượng 100-160 kg/ha hoặc bón 500-1.000 kg/ha đá vôi nung.
Bón phân N. Nên bón các dạng phân ure chậm phân giải như Đầu Trâu 46A+ chống thất thoát N (theo hướng dẫn kỹ thuật của Cục Trồng trọt – Trung tâm Khuyến nông Quốc gia – Viện Lúa ĐBSCL) để cây không bị thiếu N do mặn cạnh tranh.
Bón phân P. Đất bị mặn cây thường bị thiếu P do chất Cl trong muối cạnh tranh. Nên bón phân Đầu Trâu DAP-Avail để hạn chế P bị cố định, gia tăng hữu dụng P cho cây.
Bón phân K. Nên bón phân KCl để hạn chế sự đối kháng của Na đối với K, giúp cây trồng hấp thụ đủ K trong điều kiện mặn. Nếu đất có pH trên 5,5 có thể bón K dạng K2SO4.
(Thành viên Hội đồng Khoa học, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền)
Có thể bạn quan tâm
Năm 2019, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã tiến hành khảo nghiệm sản xuất một số giống chuối mới tại 3 huyện ngoại thành.
Gà trống thiến có đặc điểm sức đề kháng cao hơn và chất lượng thịt cũng thơm ngon săn chắc hơn gà thịt. Nuôi gà trống thiến cũng tốn ít công chăm sóc hơn.
Khi trồng cây ăn quả có múi, đi sâu vào chất lượng, minh bạch hóa nguồn gốc bằng chuẩn VietGAP chính là một hướng đi vững bền nhất.