Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Biện pháp để người nuôi thủy sản nước ngọt đối phó với xâm nhập mặn

Biện pháp để người nuôi thủy sản nước ngọt đối phó với xâm nhập mặn
Tác giả: Nguyễn Quang Trí
Ngày đăng: 12/10/2021

Hiện nay, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino kéo dài nên tình trạng xâm nhập mặn lấn sâu vào các tuyến sông cao hơn nhiều so với các năm gần đây, đồng thời mức độ xâm nhập mặn cũng sẽ tiếp tục gia tăng theo các kỳ triều cường đến tháng 6/2016, có thể sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của một số loài cá nước ngọt.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho các hộ nuôi và sản xuất, ương giống cá nước ngọt cần lưu ý một số vấn đề sau:

1. Ảnh hưởng của độ mặn đến thủy sản

Độ mặn ảnh hưởng đến cân bằng áp suất thẩm thấu tế bào do đó ảnh hưởng đến sự chuyển hóa năng lượng, sinh trưởng của cá. Trong điều kiện độ mặn tăng cao đột ngột sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá và nếu độ mặn cao hơn ngưỡng chịu đựng sẽ gây chết cá.

2.  Khả năng chịu mặn của một số loài cá

Theo tài liệu khoa học, cs Trê vàng, Mùi, Trắm cỏ, Lăng nha, Mè vinh có thể chịu được độ mặn tối đa 5‰; Rô đồng, Tai tượng, sặc rằn, Lóc: tối đa 6‰; Cá Tra, chép: tối đa 7‰; Điêu hồng, tôm càng xanh: tối đa 10‰, Rô phi, Bống tượng: tối đa 15‰; Cá chim có thể sống bình thường ở độ mặn dưới 5 - 10‰, cá chết ở độ mặn 15‰. Tuy nhiên, đây là ngưỡng chịu mặn của một số loài cá khi trưởng thành, riêng đối với cá giống khả năng chịu mặn kém hơn và nhạy cảm hơn.

3. Biện pháp hạn chế ảnh hưởng của nhiễm mặn đối với cá nước ngọt

Thường xuyên theo dõi các thông tin tình hình xâm nhập mặn vào nội đồng trên báo, đài. Đo và kiểm tra độ mặn nước trong ao nuôi thường xuyên. Bổ sung thêm các Vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa… vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi.

a) Đối với nuôi ao:

* Đối với các ao nuôi thủy sản chưa thả giống

- Thường xuyên kiểm tra độ mặn của nước sông hoặc kênh rạch tự nhiên, có kế hoạch chủ động lấy nước khi độ mặn thích hợp vào ao nuôi hoặc ao chứa lắng để dự trữ khi cần thiết (không chênh lệch độ mặn với ao nuôi nhiều).

- Cần có kế hoạch chủ động lấy nước ngọt vào ao chứa lắng để dự trữ trước khi có xâm nhập mặn xảy ra, đảm bảo kế hoạch sản xuất; đồng thời xây dựng kế hoạch thả giống phù hợp, tuyệt đối không nên thả giống nuôi khi nguồn nước có độ mặn cao hơn 4‰.

* Đối với các ao nuôi thủy sản đã thả giống

- Đối với các ao nuôi thủy sản chưa đạt kích cỡ thương phẩm cần thường xuyên kiểm tra độ mặn trên sông để có kế hoạch thay nước phù hợp (khi nguồn nước cấp có độ mặn thấp hơn 3‰), cần thiết sử dụng máy bơm để cấp nước vào ao nuôi khi vào thời điểm nguồn nước có độ mặn thấp (< 3‰), đồng thời kết hợp quản lý các yếu tố môi trường ao nuôi chặt chẽ, tăng cường bổ sung dinh dưỡng (các loại vitamin, men tiêu hóa, khoáng chất…) cho thủy sản nuôi để tăng sức đề kháng.

- Chú ý khi độ mặn tăng cao từ 7 ‰ trở lên, nên giảm khẩu phần ăn cho thủy sản nuôi; tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học nhằm cải thiện chất lượng nước, đáy ao nuôi, hạn chế sử dụng thuốc, hóa chất nhằm tránh việc thay nước thường xuyên.

- Khi độ mặn của nước trên sông tăng cao từ 7‰ trở lên và kéo dài từ 07 ngày trở lên thì có kế hoạch di dời thủy sản nuôi đến hệ thống ao nuôi khác có độ mặn phù hợp, nhằm giảm thiệt hại có thể xảy ra.

b) Đối với nuôi bè:

* Đối với các lồng bè nuôi thủy sản chưa thả giống

- Kiểm tra, tu sửa (đối với lồng bè cũ) hệ thống lồng bè thật kỹ, nhằm tránh thất thoát khi thả giống nuôi.

- Thường xuyên kiểm tra độ mặn nước trên sông và có kế hoạch thả giống phù hợp, tuyệt đối không nên thả giống nuôi khi nguồn nước có độ mặn cao (từ 3‰ trở lên).

* Đối với các lồng bè nuôi thủy sản đã thả giống

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến môi trường nuôi, nhất là độ mặn, để có kế hoạch chăm sóc quản lý phù hợp cho cá nuôi.

- Khi nhiệt độ và độ mặn tăng cao thì khả năng khuếch tán oxy từ không khí vào nước giảm (nồng độ oxy bảo hòa giảm), vì mật độ thả nuôi cá trong bè rất cao nên tăng cường sục khí khi nước đứng, giảm mật độ nuôi so với bình thường hoặc san thưa cá nuôi trong bè hoặc nếu có điều kiện chủ động di dời lồng bè đến vùng nuôi an toàn, hoặc chuyển các đối tượng nuôi vào hệ thống các ao đất, vùng nuôi phù hợp, tránh thiệt hại có thể xảy ra trong thời gian tới.

* Chú ý: Nếu các đối tượng thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm, thì các cơ sở nuôi chủ động thu hoạch ngay (không chờ giá) khi có sự xâm nhập mặn cao, để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra.

4. Đối sản xuất, ương giống:

- Tuyệt đối không nên tiến hành sản xuất cá giống nước ngọt trong thời điểm mặn xâm nhập nếu không có nguồn nước ngọt dự trữ do chất lượng trứng và tinh trùng thấp, tỷ lệ trứng nở thấp, hiệu quả ương cá giống không cao.

- Chủ động lấy nước ngọt vào ao chứa để dự trữ, có kế hoạch sản xuất giống phù hợp.

Lưu ý: Khi thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường báo ngay về Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế các huyện/ thị xã/ thành phố, Chi cục Thú y, Chi cục Thủy sản để được hướng dẫn hỗ trợ kịp thời.           


Có thể bạn quan tâm

20 bước để có một trang trại đảm bảo an toàn sinh học 20 bước để có một trang trại đảm bảo an toàn sinh học

An toàn sinh học trong nuôi trồng thủy sản bao gồm biện pháp kỹ thuật và biện pháp quản lý được áp dụng nhằm ngăn ngừa và hạn chế khả năng lây nhiễm

12/10/2021
Những kinh nghiệm nuôi thâm canh cá Những kinh nghiệm nuôi thâm canh cá

Các kinh nghiệm của nhà nông như: “Cá nổi đầu nuôi lâu mới lớn'; 'Đục nước béo cò”... đều là các chỉ dấu xấu với cá nuôi...

12/10/2021
Chẩn đoán bệnh cá Chẩn đoán bệnh cá

Để các đàn cá nuôi được khỏe mạnh và tăng trưởng tốt đòi hỏi người nuôi phải xem xét cả 3 yếu tố: Môi trường, mầm bệnh và vật nuôi.

12/10/2021