Bí quyết làm giàu: Nuôi bồ câu Pháp thu nhập cao
Anh Sơn chăm sóc bồ câu - Ảnh: Hoàng Trọng
Mới 25 tuổi nhưng anh Ngô Tùng Sơn (thôn An Mỹ, xã Mỹ Cát, H.Phù Mỹ, Bình Định) đã có thu nhập ổn định gần 150 triệu đồng/năm nhờ nuôi bồ câu.
Năm 18 tuổi, anh Sơn vận động gia đình đầu tư 20 triệu đồng xây dựng chuồng trại để nuôi bồ câu. Nhờ sự tư vấn và hỗ trợ của Trung tâm bảo vệ giống cây trồng - vật nuôi tỉnh Bình Định, anh Sơn mua 30 cặp bồ câu Pháp từ một trại giống ở Hà Nội về nuôi. Tuy nhiên, do không biết kỹ thuật nuôi nên đàn bồ câu của anh hao hụt dần. “Lúc đó, tôi tìm đọc sách báo, mạng internet... viết về quy trình sinh trưởng, phát triển của chim bồ câu Pháp và học hỏi kinh nghiệm thực tế một số trang trại nuôi loại chim này để tìm giải pháp nuôi hợp lý hơn. Nhờ vậy, đàn chim bồ câu của tôi đông dần. Khi đã có được 100 cặp bồ câu giống, tôi bắt đầu chuyển sang nuôi bồ câu thịt để bán”, anh Sơn kể.
Theo chị Nguyễn Thị Thu Phương, Phó bí thư Huyện đoàn Phù Mỹ, mô hình nuôi bồ câu Pháp của anh Sơn ít vốn đầu tư nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Huyện đoàn Phù Mỹ sẵn sàng tạo điều kiện cho anh Sơn tiếp cận nguồn vốn, khoa học kỹ thuật để đầu tư mở rộng mô hình nuôi bồ câu, đồng thời tạo điều kiện cho các đoàn viên khác tham quan, học tập kinh nghiệm từ mô hình này.
Theo anh Sơn, nuôi bồ câu Pháp chuồng trại phải thoáng mát, ánh sáng đầy đủ, yên tĩnh và sạch sẽ. Mỗi ô chuồng là một cặp chim bồ câu sinh sản (mật độ 3-4 cặp/m2 chuồng). Chuồng nuôi bồ câu thịt (từ 21-30 ngày tuổi) có mật độ 45-50 con/m2. Bồ câu Pháp ăn tạp nên có thể nghiền lúa, gạo, bắp, đậu... chế biến thức ăn cho chúng. Nên cho bồ câu ăn nhiều chất đạm, hạn chế chất béo. Nếu bồ câu mẹ ăn nhiều chất béo thì sinh sản kém, còn bồ câu con ăn nhiều chất béo thì thịt có nhiều mỡ, kém ngon.
Muốn bồ câu bố mẹ đẻ nhiều, nuôi con tốt thì phải chọn chim có lông bụng dày và mượt, khỏe mạnh, không dị tật, lanh lợi, đuôi nhọn… Khi bồ câu đẻ trứng, ấp được 8 ngày thì đem trứng ra soi, bỏ những trứng hư. Nên chọn hai trứng có cùng ngày tuổi hoặc có thể lệch 1 hoặc 2 ngày để ghép cho bồ câu bố mẹ ấp là tốt nhất. Những cặp chim bố mẹ không có trứng để ấp sẽ nuôi riêng để tiếp tục đẻ trứng.
“Bồ câu nuôi khoảng 6 tháng là bắt đầu sinh sản. Bình quân một cặp bồ câu Pháp có thể ấp 8 - 10 lứa bồ câu con mỗi năm. Ưu điểm của bồ câu Pháp là nuôi con nhanh phát triển, ít dịch bệnh. Chim ra ràng phát triển khoảng 18 - 20 ngày thì bắt đầu bán, bình quân mỗi con nặng khoảng 0,5 kg”, anh Sơn cho biết.
Hiện anh Sơn luôn duy trì nuôi 300 cặp bồ câu bố mẹ và mỗi tháng xuất bán khoảng 180 cặp bồ câu thịt. Với giá bồ câu thịt bình quân khoảng 90.000 - 110.000 đồng/cặp, giá con giống khoảng 200.000 đồng/cặp, sau khi trừ chi phí, anh thu lãi trên 12 triệu đồng/tháng.
Có thể bạn quan tâm
Diện tích trồng ổi tại xã Đông Dư (Gia lâm) đã tăng lên 110ha. Từ năm 2006, ổi Đông Dư đã được cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu ổi đặc sản.
Giống lúa thuần CNC11 do TS. Đồng Thị Kim Cúc và cộng sự (Viện Di truyền Nông nghiệp) chọn tạo bằng xử lý tia gamma (nguồn Co60) gây đột biến giống lúa Bắc thơm
Từ những con bò già không còn sức cày kéo, nông dân thôn Cù Lâm (xã Nhơn Lộc, TX.An Nhơn, Bình Định) chăm sóc, vỗ béo rồi bán để kiếm lời.