Bí quyết làm giàu: Vỗ béo bò hết đát
Ông Sửu đang chăm sóc đàn bò của mình - Ảnh: Hoàng Trọng
Từ những con bò già không còn sức cày kéo, nông dân thôn Cù Lâm (xã Nhơn Lộc, TX.An Nhơn, Bình Định) chăm sóc, vỗ béo rồi bán để kiếm lời.
Theo ông Đỗ Văn Sửu (57 tuổi, thôn Cù Lâm), bình quân trong một năm mỗi hộ dân thôn Cù Lâm nuôi khoảng 4 - 5 lứa bò, mỗi lứa ít nhất 3 - 4 con, thời gian vỗ béo khoảng 2 - 3 tháng, sau khi trừ chi phí ít nhất vẫn lãi 3 - 4,5 triệu đồng/con. Tính ra, mỗi năm thu nhập bình quân từ nuôi bò vỗ béo ở thôn Cù Lâm đạt 50 -60 triệu đồng/hộ, thậm chí có gia đình lãi trên 100 triệu đồng nếu nuôi với số lượng nhiều.
Để vỗ béo bò nhanh xuất chuồng thì phải đặc biệt chú trọng khâu “chọn giống”. “Tốt nhất nên chọn những con giống bò lai, không bệnh tật, bộ khung xương to, vai rộng, đùi ngay thẳng, mông và bản lưng lớn, độ tuổi của bò không quá già”, ông Sửu tư vấn. Ngay khi mua bò về, phải tiêm vắc xin phòng dịch bệnh và chuồng trại phải luôn sạch sẽ. Khu vực nuôi bò phải gần đồng cỏ, triền đê, bãi bồi ven sông, bìa rừng... thì mới đảm bảo nguồn thức ăn thường xuyên. Ngoài những điều kiện này, lợi thế của thôn Cù Lâm là người dân còn tận dụng bã hèm từ nghề nấu rượu Bàu Đá kết hợp với bột mì, bột bắp để cho bò ăn.
Ông Sửu khoe mua con bò “hết đát” giá 41 triệu đồng, đầu tư chi phí thức ăn và công chăm sóc trong 2 tháng hết khoảng 3 triệu đồng. Mới đây, ông bán con bò này được 48 triệu đồng, thu lãi gần 4 triệu đồng. Hiện trong chuồng của ông còn 3 con khác chuẩn bị bán.
“Thức ăn chủ yếu của bò là cỏ tự nhiên ngoài đồng, tôi dắt ra đó cột vào cọc để nó tự ăn. Còn tối về nhà thì có cỏ voi, hèm rượu và cám bồi bổ thêm. Nhà nông có thời gian nhàn rỗi, tranh thủ vỗ béo bò kiếm thu nhập hàng chục triệu đồng như vậy là ổn rồi”, ông Sửu nói.
Trong khi đó, theo bà Từ Thị Yến (43 tuổi, thôn Cù Lâm), hèm rượu chính là bí quyết để người dân Cù Lâm vỗ béo bò nhanh chóng. Hèm rượu giúp bò tiêu hóa tốt và khi bò ăn hèm rượu thì ngủ li bì như say rượu, thức ăn được hấp thụ hết. Cũng nhờ ăn hèm rượu nên bò của thôn Cù Lâm vừa to vừa mập, chắc thịt, thịt đỏ tươi, được khách hàng ưa chuộng.
Ông Dương Văn Khanh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, cho biết cả xã có hơn 2.500 hộ dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa và chăn nuôi bò. Riêng thôn Cù Lâm có khoảng 300 hộ chuyên nuôi bò vỗ béo. “Nghề nuôi bò vỗ béo đang trở thành thế mạnh của xã Nhơn Lộc, nhưng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tìm đầu ra. Hầu hết thương lái mua bò ở Nhơn Lộc đều chở vào TP.HCM tiêu thụ. Thời gian tới, khi đàn bò của Công ty Hoàng Anh Gia Lai chiếm lĩnh thị trường thì hộ nuôi bò nhỏ lẻ sẽ gặp khó khăn. Chính quyền và người dân xã Nhơn Lộc đang tìm biện pháp để giảm chi phí nuôi, chọn giống bò có chất lượng thịt cao để nâng sức cạnh tranh trên thị trường”, ông Khanh nói.
Có thể bạn quan tâm
Dựa vào tăng diện tích, tăng vụ, sử dụng nhiều lao động, vật tư… thì cách mạng công nghiệp được cho là cơ hội để Việt Nam đổi mới công nghệ và gia tăng giá trị
Diện tích trồng ổi tại xã Đông Dư (Gia lâm) đã tăng lên 110ha. Từ năm 2006, ổi Đông Dư đã được cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu ổi đặc sản.
Giống lúa thuần CNC11 do TS. Đồng Thị Kim Cúc và cộng sự (Viện Di truyền Nông nghiệp) chọn tạo bằng xử lý tia gamma (nguồn Co60) gây đột biến giống lúa Bắc thơm