Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Bí đao, dưa hấu rớt giá không phanh, dân lao đao ôm nợ

Bí đao, dưa hấu rớt giá không phanh, dân lao đao ôm nợ
Tác giả: Võ Phúc
Ngày đăng: 09/03/2016

Nông sản chất đầy đồng

Niên vụ năm nay, người dân huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) trồng khoảng 130ha dưa hấu và 40ha bí đao trắng. Thời điểm thu hoạch, giá dưa dao động từ 500 - 2.500 đồng/kg, còn bí đao trắng được dân chào giá 1.000 đồng/kg nhưng không ai mua.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hậu, ở xã Yang Nam, xót xa: “Gia đình tôi trồng 3ha dưa hấu, sản lượng 90 tấn. Nhưng lúc thu hoạch không thấy thương lái đến mua như mọi năm. Bí quá, tôi lựa ra 60 tấn dưa đẹp rồi thuê 3 xe tải chở lên cửa khẩu ở Lai Châu để bán sang Trung Quốc. Tính ra, với giá bán 3.000 đồng/kg và chi phí dọc đường... xem như huề vốn. 30 tấn dưa còn lại, tôi chất đống vứt ngoài đồng”.

Vườn bí đao trắng của anh Mai Công Phụng (thôn 3, xã An Trung, huyện Kông Chro) cũng đang phơi ngoài đồng do không tìm được đầu ra. Anh Phụng cho biết: “Trồng quả này ít tốn công, giá bán mọi năm từ 6.000 đồng/kg nên nhiều hộ dân hốt bạc. Năm nay tôi trồng 8 sào với kinh phí hơn 10 triệu đồng, ước tính sản lượng hơn 10 tấn. Bây giờ qua mùa thu hoạch nhưng không ai thèm mua nên đành vứt giữa đồng, tầm khoảng nửa tháng tới không ai mua thì coi như bỏ luôn vì bí đao sẽ thối hết”.

Tại thị xã An Khê, nhiều người dân cũng đang ôm nợ vì dưa mất giá. Ông Nguyễn Hùng Vỹ, Chủ tịch UBND thị xã An Khê, cho biết, hiện chưa thể nắm chính xác tổng diện tích dưa mà người dân trồng vì ngoài trồng ở địa phương, họ còn đến vùng khác thuê đất trồng. Tuy nhiên năm nay giá rớt thê thảm nên nhiều hộ mất trắng, may mắn chỉ huề vốn.

Cần quy hoạch vùng trồng hợp lý

Ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, cho rằng chuyện giá cả tuân theo quy luật thị trường nên địa phương không can thiệp được. Để tránh trường hợp ôm nợ vì nông sản mất giá, ông Uyển khuyến cáo: “Trước khi trồng, người dân cần nắm bắt chặt chẽ thị trường, mức độ tiêu thụ để xác định diện tích trồng phù hợp”.

Còn theo tiến sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, tình trạng người dân trồng tự phát là nguyên nhân dẫn đến việc nông sản không bán được. Vì thế địa phương cần quy hoạch vùng trồng hợp lý. Việc quy hoạch phải gắn liền với các loại cây có giá trị, xem có phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhà nước cần có đánh giá cụ thể về cây trồng ở những địa phương đó có thích hợp hay không. Nếu thích hợp nhưng không tiêu thụ được, cái đó thuộc vấn đề quản lý của nhà nước. Ngành chức năng cần hỗ trợ tìm thị trường xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm cho bà con.


Có thể bạn quan tâm

Dùng chiêu huấn luyện trâu, thu nửa triệu mỗi ngày Dùng chiêu huấn luyện trâu, thu nửa triệu mỗi ngày

Từ bỏ chiếc cày trên lưng, những chú trâu ở Bình Định được huấn luyện "làm bạn" với chiếc xe cộ thồ hàng, kiếm thêm thu nhập cho người nuôi.

09/03/2016
Dân trắng tay vì lúa lép hạt Dân trắng tay vì lúa lép hạt

Chỉ những gié lúa lép xẹp trên đồng, ông Nguyễn Hoàng Lượm (ngụ ấp 2, xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch) rầu rĩ cho biết, nhà ông trồng gần 3ha lúa nhưng có đến hơn 1 công (1 công = 1.000m2) mất trắng vì lúa không kết hạt.

09/03/2016
Công khai doanh nghiệp có giống tôm tốt Công khai doanh nghiệp có giống tôm tốt

Đó là quan điểm của ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia trong việc quản lý và cung cấp cho người nuôi tôm những con giống chất lượng cao.

09/03/2016