Bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm ở gia cầm
1. Nguyên nhân:
- Bệnh do virus thuộc nhóm Herpes
- Loài gia cầm mắc bệnh: Gà, gà lôi, gà tây, chim.
- Tuổi gia cầm mắc bệnh và mùa phát bệnh: Từ sau 20 ngày tuổi đến dưới 1 năm tuổi, bệnh nặng nhất vào giai đoạn gà được 3 - 5 tháng tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm, nặng nhất vào mùa nóng ẩm, điều kiện vệ sinh chăn nuôi kém.
2. Phương thức truyền lây:
- Truyền dọc từ mẹ sang con, truyền ngang qua đường hô hấp và đường miệng.
3. Triệu chứng:
Bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm có 5 thể biểu hiện (cấp tính, dưới cấp tính, mãn tính, thể mắt, thể ẩn bệnh).
- Thể cấp tính: Có một số gà bị chết đột tử. Một số khác buồn ngủ, ủ rũ, xù lông, thở khó, ngạt từng cơn, rướn dài cổ hít khí và ngáp hoặc hắt hơi. Cuối cơn ngạt gà lắc đầu khạc đờm đôi khi có lẫn máu. Da, mào tích có màu xanh tím. Các biểu hiện viêm mũi, viêm mí mắt, chảy nước mắt, nước mũi luôn luôn hiện hữu. Tỷ lệ ốm cao, tỷ lệ chết cũng rất cao 50 - 70%.
- Thể dưới cấp: Viêm mũi, viêm mắt, viêm xoang má làm cho gà bị phù đầu giống như sổ mũi truyền nhiễm hoặc bệnh cúm gà, chảy nhiều nước mắt, nước mũi. Ho ngạt từng cơn thưa thớt. Gà ăn kém, giảm đẻ, tỷ lệ ốm khoảng 50%, tỷ lệ chết không quá 20%, bệnh kéo dài 2 - 3 tuần thì chuyển sang thể mãn tính.
- Thể mắt: Thể này thường xảy ra ở gà từ 20 - 40 ngày tuổi. 1 trong 2 mắt bị viêm, sợ ánh sáng nên gà thường tìm chỗ ít ánh sáng để dứng hoặc nằm, chảy nước mắt, hai mí mắt bị viêm dính lại với nhau dẫn đến viêm toàn mắt, mù mắt. Một trong hai bên đầu hoặc cả hai bên đều sưng to.
- Thể mãn tính: Các triệu chứng ho thở ngạt xảy ra với tần số thấp. Tỷ lệ đẻ giảm nhẹ nhưng kéo dài. Tỷ lệ chết khoảng 5%. Bệnh kéo dài hàng tháng, thậm chí đến 2 tháng.
- Thể ẩn bệnh: Đây là thể mang trùng.
4. Mổ khám
* Thể cấp và dưới cấp tính:
- Niêm mạc và thanh mạc của khí quản phù nề, dồn máu đỏ hoặc xuất huyết điểm, chứa nhiều dịch lẫn máu, đôi khi cả cục máu.
- Niêm mạc thanh quản cũng phù nề đỏ hoặc được phủ một lớp màng nhầy trắng.
- Viêm đường hô hấp trên (viêm mũi, viêm xoang).
- Viêm mí mắt, phù nề đầu.
- Túi Fabricius sưng to, bổ đôi thấy dồn máu đỏ hồng.
- Niêm mạc hậu môn phù nề đỏ hồng dễ nhầm với Newcastle, nhưng không có viêm xuất huyết ở van hồi manh tràng, ruột non và dạ dày tuyến.
* Thể mãn và ẩn bệnh:
- Niêm mạc vùng họng, thanh quản, khí quản được phủ một lớp màng giả Fibrin mỏng khó bóc màu trắng ngà giống như bệnh nấm đường tiêu hóa hoặc bệnh thiếu vitamin A.
- Các bệnh tích khác không rõ.
5. Điều trị:
- Phải thực hiện 2 việc cùng một lúc:
+ Uống hoặc nhỏ trực tiếp ngay lập tức vacxin ILT – Laringo vào đàn gà bệnh. Sau đó 10 ngày cho uống nhắc lại lần 2.
+ Cho uống thuốc theo 1 trong 2 phác đồ sau:
Phác đồ 1: 1gr CCRD. Năm Thái kết hợp với 1g Gentafam-1 hoặc 1gr Hepaton và 1gr Super-Vitamin pha vào 1 lít nước cho gà uống cả ngày, uống liên tục đủ 4 - 5 ngày là khỏi.
Phác đồ 2: Lấy 1gr CCRD. Năm Thái kết hợp với 1gr Anti-CRD.LA hoặc Tydox TA và 1g Doxyvit pha chung vào 1 lít nước cho gà uống cả ngày, uống đủ 4 - 5 ngày là khỏi.
6. Phòng bệnh:
- Giữ gìn vệ sinh chăn nuôi thú y thật tốt.
- Chủ động dùng vacxin.
Lần 1: Nhỏ mũi, mắt, mồm vacxin ILT- Laringo lúc gà đạt 15 - 25 ngày tuổi.
Lần 2: Uống vacxin ILT- Laringo lúc gà 45 - 50 ngày tuổi.
Lần 3: Cho uống lại vacxin ILT- Laringo trước khi gà đẻ 15 - 30 ngày.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, thời tiết khô hanh, trên đàn gà xuất hiện các mụn bằng hạt đỗ mọc ở mào, xung quanh mắt… Đây là triệu chứng điển hình của bệnh đậu gà.
Có rất nhiều yếu tố đóng góp nên sự thành công trong chăn nuôi gà, mỗi yếu tố lại có một vai trò và tầm quan trọng khác nhau.
Những bệnh do E. coli gây ra gọi là bệnh colibacillosis và ảnh hưởng đến tất cả các giống và tuổi của gà
Phytase là một trong những enzyme ngoại sinh được nghiên cứu nhiều nhất về việc ứng dụng nó vào chế độ dinh dưỡng ở động vật không nhai lại
Bổ sung bột lá thực vật vào khẩu phần ăn cho gà đã được nhiều người nghiên cứu song hầu hết các nghiên cứu thường phối hợp bột lá