Bệnh Thối Đọt-Mối Nguy Hiểm Cho Các Vườn Dừa
Dừa là loại cây dễ trồng, ít đầu tư phân, thuốc như các loại cây trồng khác, ít chịu ảnh hưởng của biến đổi khi hậu và đặc biệt là thích hợp với vùng đất Bến Tre. Trong thời gian gần đây, diện tích trồng dừa ngày càng mở rộng do giá dừa đang ổn định ở mức cao. Mặc dù, là loại cây “dễ tính” nhưng để đạt năng suất cao thì đòi hỏi nông dân cũng phải quan tâm chăm sóc nhất là việc phòng trừ các đối tượng dịch hại để bảo vệ vườn dừa. Hiện nay, bệnh thối đọt dừa đã có xuất hiện trên một số vườn, đây là bệnh khá nguy hiểm vì nếu không phòng trị kịp thời sẽ làm chết cây.
Triệu chứng đầu tiên là những lá non ở đọt và những lá kế bị vàng từ ngoài chót sau đó lan dần vào bên trong, trong khi các lá phía dưới vẫn xanh. Những lá vàng rất dễ bị gãy bẹ, kéo nhẹ cũng rời khỏi thân. Sau đó, cả củ hủ (đọt dừa và các lá chưa mở) cũng sẽ khô thối và có mùi hôi rất khó chịu (cần phân biệt với triệu chứng bị đuông dừa: chỉ lá ngọn héo vàng và đổ ngã xuống, có nhiều lổ đục của kiến vương; áp sát tai vào thân nghe được tiếng đuông ăn “rào rào” như tiếng máy chà lúa). Giai đoạn này cây không lớn nữa, các tàu lá già ra trước vẫn xanh và các buồng trái ở lá này vẫn có thể chín được, nhưng các buồng trái non ở trên sẽ rụng trầm trọng.
Nếu nấm không xâm nhập đến củ hủ thì cây có thể phục hồi sau đó, nhưng trên ngọn các tàu lá sẽ méo mó và những lá chét chồng chất lên nhau, nhỏ hẵn đi. Vì thế, nông dân cần nhận biết triệu chứng ngay giai đoạn đầu để phòng trừ kịp thời mới cứu được cây dừa.
Bệnh do nấm Phytophthora palmivora gây ra. Nấm gây bệnh trên nhiều loại cây trồng. Trên thế giới nơi nào trồng dừa đều có nhiễm bệnh này. Tuy nhiên, nhiều cây thối ngọn do bị sét đánh, nấm sau đó mới xâm nhiễm vào thì có thể là nấm Phytophthora palmivora hoặc có thể là một loại nấm khác. Nấm thường gây bệnh vào đầu mùa mưa, ẩm độ cao. Từ khi nấm bệnh xâm nhiễm vào đến khi dừa chết khoảng 3-5 tháng.
* Biện pháp phòng trừ:
- Tránh trồng nơi ẩm thấp, vườn trồng dừa phải cao ráo, thoát nước tốt. Không trồng quá dày, thiếu ánh sáng.
- Thường xuyên vệ sinh vườn dừa, phá hết lùm bụi, làm cỏ để tạo thông thoáng vườn dừa.
- Tránh gây vết thương nhất là những lá non, tích cực tiêu diệt các tác nhân gây vết thương như kiến vương, chuột,… để hạn chế con đường xâm nhập của bào tử nấm vào cây.
- Phát hiện trong vườn dừa có cây bệnh nặng (không thể cứu được) thì nên đốn bỏ ngay và tiêu hủy để mầm bệnh không phát tán sang những cây khác.
- Tăng cường bón phân hữu cơ cho dừa.
- Thăm vườn thường xuyên, phát hiện sớm khi cây vừa chớm bệnh (những lá trên hơi vàng trong khi những lá dưới vẫn xanh) dùng thuốc hóa học phun kỹ ở giữa đọt lá và nách lá. Sử dụng một trong những loại thuốc sau: Aliette 80WP, Ridomil-MZ 72 WP, Mataxyl 500WP,… phun 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, bệnh thối đọt dừa đã có xuất hiện trên một số vườn, đây là bệnh khá nguy hiểm vì nếu không phòng trị kịp thời sẽ làm chết cây.
Ong ký sinh là thiên địch của bọ cánh cứng, được nhập về từ quần đảo Samo (Philippines), nơi đã thành công trong việc sử dụng ong ký sinh để diệt bọ cánh cứng phá hại dừa. Tháng 8/2003 các nhà khoa học Trường Đại học nông lâm TP. Hồ Chí Minh
Trước kia dừa xiêm được xem là cây trồng phụ, chỉ trồng xen trong những vườn dừa ta hoặc cây ăn trái để làm nước giải khát khi khách đến nhà. Tuy nhiên , ngày nay dừa xiêm lại trở thành cây có giá trị kinh tế cao mà lại ít vốn đầu tư, mau cho trái, và đặc biệt là ít tốn công chăm sóc, bón phân, phun thuốc như những cây ăn trái khác
Sự phá hại của sâu, bệnh và động vật là một trong những yếu tố chính làm giảm năng suất dừa ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng như ở các nước trồng dừa trên thế giới
Tổng kết kết quả từ các đề tài nghiên cứu khoa học và các mô hình trình diễn ở nhiều địa phương Nam bộ, Chi cục BVTV tỉnh Bến Tre đã đưa ra khuyến cáo bà con nông dân một số lưu ý sau đây nhằm đạt hiệu quả cao nhất khi trồng dừa xiêm