Bón phân cho cà phê mùa mưa ở Tây Nguyên
Cà phê hút dinh dưỡng bất cứ thời kỳ nào trong năm nên cần được cung cấp dinh dưỡng đều đặn để có thể sinh trưởng phát triển tốt và cho năng suất cao.
Các vùng trồng cà phê vối trọng điểm ở nước ta có hai mùa rõ rệt, mùa khô và mùa mưa. Mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 5), cây cà phê ra hoa đậu quả khi được tưới nước. Mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11), cây nuôi quả cho đến khi thu hoạch và phát triển bộ cành dự trữ cho năm sau.
Mùa mưa, cây sử dụng dinh dưỡng với khối lượng lớn nên khoảng 70% tổng lượng phân bón vô cơ cho cả năm được bón trong mùa mưa. Lượng phân còn lại được bón trong mùa khô kèm theo tưới nước.
Vào đầu mùa mưa, quả cà phê tăng nhanh về thể tích. Ở giai đoạn này nếu thiếu nước các khoang chứa hạt trong quả (là vỏ thóc cà phê sau này) sẽ không phát triển được làm cho hạt cà phê (nhân cà phê) hình thành ở giai đoạn sau có kích thước bé. Chính vì vậy ở Tây Nguyên năm nào bị hạn hán vào khoảng tháng 5 - 6 đầu mùa mưa năm đó cà phê nhân có kích thước nhỏ hơn các năm có mưa đều, sản lượng vì vậy cũng bị giảm.
Kế tiếp là giai đoạn tích lũy chất khô và hình thành hạt. Vào khoảng 6 đến 8 tháng sau khi hoa nở, tức là vào khoảng giữa mùa mưa ở Tây Nguyên. Giai đoạn này nếu thiếu dinh dưỡng, đặc biệt đối với các vườn năng suất cao sẽ dễ dẫn đến trình trạng cây bị kiệt sức gây nên hiện tượng khô cành, khô quả.
Từ tháng thứ 8 tới tháng thứ 10 sau khi hoa nở là giai đoạn quả chín, cũng là lúc cuối mùa mưa và bắt đầu bước vào mùa khô ở Tây Nguyên. Lúc này hạt đã hóa cứng, quả già và chín. Sự vận chuyển dinh dưỡng từ các bộ phận của cây về quả già chậm lại và sự hút dinh dưỡng từ đất cũng hạn chế. Vì vậy việc bón phân cho cà phê đợt cuối trong mùa mưa nên kết thúc vào khoảng cuối tháng 9 và trong tuần đầu tháng 10 dương lịch hàng năm.
Ngày nay phân NPK hỗn hợp được nông dân ưa dùng vì tiện lợi và còn bổ sung được các chất vi lượng cần thiết như kẽm, bo, đồng … cho cây mà trong các loại phân đơn không có. Bón phân có tỷ lệ N/P/K thích hợp với từng thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây trong mùa mưa sẽ tăng cao hiệu quả sử dụng phân bón.
Nếu dùng phân NPK hỗn hợp vào đầu mùa mưa nên chọn các loại phân có tỷ lệ đạm và lân cao hơn kali vì lúc này quả cà phê chỉ mới tăng nhanh về thể tích, cành lá cây cà phê cũng phát triển rất mạnh. Đến đợt bón phân giữa mùa mưa và cuối mùa mưa, lúc quả vào chắc và già hạt, thì các công thức phân bón NPK có tỷ lệ kali bằng đạm hay cao hơn đạm sẽ phù hợp hơn.
Về lượng phân bón, căn cứ vào tiềm năng năng suất của vườn để định được lượng phân bón hợp lý. Nếu vườn cây có khả năng đạt năng suất rất cao nhưng không được cung cấp đủ phân bón cây không đủ sức vừa nuôi quả vừa phát triển bộ cành dự trữ trong mùa mưa, dễ bị khô cành, khô quả sau khi thu hoạch. Tuy vậy vườn cà phê mà năng suất không cao do giống không tốt, do cây già cỗi ... đầu tư phân bón nhiều cũng không mang lại hiệu quả.
Để giúp bà con nông dân bón phân hợp lý cho cà phê trong mùa mưa, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đề xuất loại phân bón và lượng phân bón cho vườn cà phê đạt năng suất bình quân 4 tấn nhân/ha như sau:
- Đầu mùa mưa (tháng 4-5): bón NPK 16-16-8 TE hoặc Đầu Trâu tăng trưởng 19-12-6 TE, bón 400-450 kg/ha
- Giữa mùa mưa (tháng 7-8): bón NPK 16-8-16 TE hoặc Đầu Trâu chắc hạt 16-6-19 TE, bón 500-600 kg/ha
- Cuối mùa mưa (tháng 9-10): bón NPK 16-8-16 TE hoặc Đầu Trâu chắc hạt 16-6-19 TE, bón 400-450 kg/ha.
Nếu vườn cà phê có năng suất cao hơn 4 tấn nhân nên bón tăng cường. Cứ 1 tấn nhân tăng thêm bón thêm khoảng 300- 400kg phân NPK hỗn hợp/ha.
Kỹ thuật bón phân có hiệu quả nhất vẫn là phân tích độ phì đất để bón. Phân tích độ phì đất, người nông dân sẽ biết được đất vườn cà phê của mình đang thiếu hụt chất gì, dư thừa chất gì so với ngưỡng thích hợp. Từ đó, sẽ chủ động tăng cường thêm hoặc giảm bớt lượng các yếu tố dinh dưỡng được bón vào so với quy trình bình thường.
Bón phân đơn sự điều chỉnh dễ dàng hơn, nhưng nếu bón NPK hỗn hợp có thể chọn lựa các loại NPK có công thức phù hợp. Ví dụ: khi phân tích đất, biết hàm lượng lân dễ tiêu trong đất rất giàu có thể không bón lân nung chảy trong một năm hay giảm bớt lượng lân bón hàng năm cho vườn cây.
Đối với bà con nông dân hay sử dụng NPK hỗn hợp, khi phân tích đất vườn cà phê thấy có hàm lượng kali dễ tiêu nghèo dưới ngưỡng thích hợp thì trong đợt bón phân đầu tiên trong mùa mưa có thể chọn công thức 16-16-8 TE hoặc 16-16-13 TE hoặc 16-8-16 TE thay vì công thức 19-12-6 TE; đợt giữa mùa mưa và cuối mùa mưa chọn công thức 16-6-19 TE thay vì công thức 16-8-16 TE. Bón phân theo độ phì đất không những giúp việc đầu tư phân bón hiệu quả hơn mà còn giữ gìn được môi trường đất đai.
Bên cạnh việc bón phân vô cơ, việc bón phân hữu cơ cho vườn cây cần được quan tâm, đây là loại phân không thể thiếu. Phân hữu cơ có những đặc tính mà phân hóa học không thể có được, khi bón vào đất ngoài tác dụng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng, phân hữu cơ còn cải tạo được lý hóa tính, sinh tính đất tức là cải thiện môi trường đất. Phân hữu cơ còn có tác dụng làm tăng hiệu lực của phân hóa học. Lượng bón phân hữu cơ từ 10-15 kg phân chuồng/cây, 2 năm bón một lần, hoặc dùng các loại phân hữu cơ chế biến bón từ 2-3 kg/cây/năm.
Có thể bạn quan tâm
Giá cà phê giảm nhưng vẫn là nguồn sinh kế chính, nên dù có thế nào, chăm sóc hợp lý để cây sinh trưởng bền vững vẫn là chọn lựa ưu tiên của nhà nông.
Mùa khô ở Tây Nguyên kéo dài từ 5-6 tháng, đây cũng là mùa cây cà phê ra hoa đậu quả khi được tưới nước đầy đủ đúng theo nhu cầu của cây.
Biến đổi khí hậu đã làm cho quy luật thời tiết thay đổi theo chiều hướng bất thuận đối với sản xuất cà phê làm cho cây cà phê dễ ra hoa sớm.