Bất Ổn Cánh Đồng Lớn!
Qua ba năm triển khai thí điểm (từ năm 2011), mô hình cánh đồng mẫu lớn đã dần phát triển và trở thành cánh đồng lớn kể từ năm 2014, tuy nhiên, những bất ổn trong mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để xây dựng cánh đồng lớn vẫn chưa được giải quyết.
Ngày (31-3) tại Đồng Tháp, một lần nữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), lãnh đạo Sở NN&PTNT 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp và đại diện nông dân đã ngồi lại với nhau bàn cách giải quyết vấn đề “hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn” thông qua một hội thảo cùng tên.
Tuy nhiên, tại hội thảo này vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận cho thấy việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn như ba năm qua hay cánh đồng lớn kể từ năm 2014 này vẫn còn nhiều bất ổn.
Theo ông Lê Việt Hải, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mê Kông, những năm qua, công ty ông đã liên kết, bao tiêu lúa cho bà con nông dân với diện tích lúc cao nhất đạt 4.000 héc ta và lúc thấp nhất cũng trên 1.200 héc ta nhưng trong quá trình thực hiện đôi khi vẫn xảy ra tình trạng nông dân “bẻ kèo”, không thực hiện hợp đồng như cam kết ban đầu.
“Trong những trường hợp nông dân “bẻ kèo”, chúng tôi chỉ biết chấp nhận, không thể làm gì được bởi hiện không có quy định pháp luật để xử lý khi xảy ra tranh chấp trong hợp đồng mua bán. Doanh nghiệp đầu tư, ứng giống cho nông dân, tức đưa tiền của cho họ, mà không biết kêu ai để xử lý khi tranh chấp thì không thể an tâm làm được”, ông Hải nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đời, Chủ nhiệm hợp tác xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, cho rằng chính doanh nghiệp mới là người “bẻ kèo”, phá hủy hợp đồng khi thị trường tiêu thụ có biến động.
“Vụ đông xuân 2013-2014 này, toàn bộ diện tích 1.200 héc ta của hợp tác xã được 4 doanh nghiệp đăng ký bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Doanh nghiệp cam kết mua lúa cao hơn giá thị trường tại thời điểm thu hoạch 100 đồng/kg đối với giống IR 50404 và 200 đồng/kg đối với giống OM 6976. Tuy nhiên, khi nông dân thu hoạch xong thì có 2 trong số 4 doanh nghiệp (xin không nêu tên) “bẻ kèo”, không thực hiện hợp đồng đã ký”, ông Đời dẫn chứng.
Theo ông Đời, doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm của nông dân chủ yếu là nhờ đó tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để tập trung xây dựng kho bãi của họ, còn chuyện bao tiêu thì hên xui, thấy có lợi nhuận họ mua, còn ngược lại sẽ “bẻ kèo” ngay. “Nhưng vấn đề cốt lõi ở đây vẫn là chuyện không có quy định xử lý rõ ràng trong những trường hợp tranh chấp”, ông Đời khẳng định.
Không chỉ xảy ra chuyện “bẻ kèo” trong mua bán ở những mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn…, cho đến nay những tiêu chí về diện tích, hay quy định tỉ lệ gạo xuất khẩu chiếm bao nhiêu phần trăm/tổng lượng gạo được xuất khẩu của doanh nghiệp vẫn chưa có sự thống nhất.
Theo quy định mà Bộ NN&PTNT đề xuất, năm đầu tiên thực hiện cánh đồng lớn (từ năm 2014) lượng gạo trong hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp phải chiếm 15% lượng gạo được doanh nghiệp xuất khẩu, năm thứ hai là 30% và năm thứ ba là 50%.
Thế nhưng, ông Hải của Công ty Mê Kông cho biết, doanh nghiệp không tài nào đáp ứng nổi quy định này. “Không nên quy định một cách vội vã như vậy, mà phải có lộ trình dài, chẳng hạn năm đầu 10%, năm hai là 20%..., đến năm thứ năm là 50%”, ông Hải cho biết.
Trước một số bất cập cũng như chưa có sự thống nhất ở một số điều khoản, quy định trong cánh đồng lớn, ông Lê Vĩnh Tân, Phó trưởng ban kinh tế trung ương, cho biết cần đưa ra những quy định cụ thể về trách nhiệm và xử lý trong những trường hợp xảy ra tranh chấp mua bán giữa doanh nghiệp và nông dân/đại diện nông dân. “Bên cạnh đó, cũng nên tạo dựng lòng tin giữa đôi bên, có như vậy triển khai thực hiện cánh đồng lớn mới thành công được”, ông Tân nói.
Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, yêu cầu doanh nghiệp cần nhanh chóng bắt tay với nông dân triển khai thực hiện ngay. “Nếu cứ ngồi bàn mãi coi chừng ngành lúa gạo Việt Nam giống y như ngành thức ăn chăn nuôi hiện tại, tức là nước ngoài khống chế hết. Khi đó, người dân Việt Nam sẽ ăn gạo thương hiệu nước ngoài ngay trên chính thửa ruộng của mình với cái giá như giá sữa bây giờ vậy”, ông Bình cho biết.
“Nếu cứ ngồi bàn mãi coi chừng ngành lúa gạo Việt Nam giống y như ngành thức ăn chăn nuôi hiện tại, tức là nước ngoài khống chế hết. Khi đó, người dân Việt Nam sẽ ăn gạo thương hiệu nước ngoài ngay trên chính thửa ruộng của mình với cái giá như giá sữa bây giờ vậy”,
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An
Có thể bạn quan tâm
Nguồn phát sinh nước thải từ hoạt động SX, chăn nuôi của trang trại chủ yếu là do quá trình dọn dẹp vệ sinh chuồng trại và bài tiết của động vật nuôi gồm phân, nước tiểu, nước vệ sinh chuồng trại, mỗi ngày có khoảng 100 m3 nước thải, trong những ngày có nhiệt độ cao nhất, sử dụng nước nhiều nhất.
Năm qua, trong bối cảnh khó khăn chung của ngành mía đường, Cty CP Đường Bình Định (BISUCO) đã gặp phải nhiều trắc trở trong kinh doanh, dẫn tới nợ nần nông dân khoản tiền lớn.
Các loại gạo này hầu hết được đóng gói đẹp mắt, có thương hiệu để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Ngoài gạo nội địa được trồng từ giống ngoại, thị trường còn có gạo nhập khẩu.
Giá mía tăng một phần do đầu vụ, mặt khác chữ đường vụ này đạt cao, dao động từ 10,5 đến 11 chữ đường, tăng gần 1 chữ đường so với vụ trước. Với giá mía hiện tại, những diện tích đạt năng suất 100 tấn/ha sẽ có lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng, còn năng suất từ 120-200 tấn/ha thì mức lợi nhuận có thể đạt từ 30-60 triệu đồng.
Trong khi đó, giá mua tại vườn chỉ dao động ở mức 3.000-5.000 đồng một kg. Tuy nhiên, dù đang vào vụ thu hoạch rộ, nhưng tình hình thu mua của các thương lái khá chậm. Ông Hoàng, có vườn trồng hồng khoảng 1ha ở Đức Trọng cho biết dù đã kêu mấy ngày nay, người mua vẫn không đến lấy hàng.