Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bao Giờ Nông Dân Mới Hết Liều

Bao Giờ Nông Dân Mới Hết Liều
Ngày đăng: 20/07/2013

Ở Bạc Liêu, lúa mất giá nên nhiều nơi nông dân trồng màu dưới ruộng. Bởi, trồng một công màu giá trị mang lại cao hơn gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Một số người còn chọn trồng dưa hấu nghịch mùa với hy vọng bán được giá cao và đảm bảo đầu ra. Vậy mà, vụ dưa năm nay, nông dân lại tiếp tục lỗ nặng do thời tiết diễn biến thất thường và giá dưa quá rẻ (chưa đến 3.000 đồng/kg).

Lao đao trong cảnh lúa mất giá, nông dân đưa màu xuống ruộng để tìm phương cứu cánh. Do vậy, thay vì trồng lúa, ở vụ hè thu này, bà con lại chọn trồng dưa hấu nghịch mùa để mong bán được giá cao. Thế nhưng, vụ dưa nghịch này không chỉ thất mùa, mà còn mất giá.

Khó khăn đầu tiên của người trồng dưa hấu nghịch mùa là yếu tố thời tiết. Thời tiết diễn biến thất thường làm ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất dưa hấu. Do vậy, nhiều nông dân hay nói vui với nhau là trồng dưa nghịch mùa gần như phụ thuộc hoàn toàn vào ông trời. Nhiều khi ngày mai thu hoạch, nếu hôm nay mưa, thì cả ruộng dưa sẽ trở thành rẫy “lựu đạn” (vì dưa gặp nước mưa sẽ nổ vỏ).

Phần lớn bà con trồng dưa tự phát, chưa tuân thủ khuyến cáo của ngành Nông nghiệp nên còn gặp nhiều khó khăn trong kỹ thuật chăm sóc. Biết là rủi ro cao, nhưng nông dân vẫn không ngần ngại mạo hiểm đánh đổi vụ lúa hè thu để lấy vụ dưa mùa nghịch. Bởi lẽ, nhiều năm liền, hạt lúa cứ loay hoay trong cảnh được mùa mất giá. Những tưởng cây dưa mùa nghịch sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, ai dè lỗ nặng. Vụ dưa này có hộ lỗ cả chục triệu đồng vì dưa hấu nhỏ trái và giá rớt đến thê thảm.

Hiện, giá dưa thương lái mua tại ruộng chỉ có 2.500 đồng/kg, còn giá dưa bán tại các chợ đầu mối dao động từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Anh Phạm Thanh Bình (ấp Mỹ Phú Nam, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) than thở: “Với giá dưa như hiện nay, người trồng dưa chỉ từ huề tới lỗ. Vừa qua, tôi thu hoạch 4 công dưa. Với giá bán 2.400 đồng/kg, mỗi công dưa tôi thu về hơn 14 triệu đồng. Tuy nhiên, chi phí cho 1 công dưa phải mất từ 16 - 17 triệu đồng, lỗ trắng tay!”.

Thất mùa dưa, nông dân muốn quay lại trồng lúa, nhưng vụ hè thu đã trễ lịch thời vụ. Không đành bỏ đất trống, nhiều bà con lại tiếp tục “liều” bằng cách vay tiền để xuống giống dưa vụ 2 theo kiểu “thua keo này bày keo khác”.

Thời gian qua và hiện nay, nông dân phải “tự bơi”, tìm đầu ra cho hàng nông sản, nên việc trúng mùa mất giá và luôn gặp rủi ro là điều khó tránh khỏi. Không phải nông dân không nhận thức được sản xuất nghịch mùa dễ gặp nhiều rủi ro, nhưng do những bất cập trên, họ phải trồng nghịch mùa với hy vọng sản phẩm sẽ có đầu ra và bán được giá. Thiết nghĩ, nếu ngành quản lý làm tốt được khâu tiêu thụ và bao tiêu, thì nông dân chẳng dại gì mà sản xuất nghịch mùa!


Có thể bạn quan tâm

Nông dân tìm lời giải bài toán cá tra Nông dân tìm lời giải bài toán cá tra

Tôn trọng tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng hợp tác xã kiểu mới, Nhà nước phải tăng cường hỗ trợ… là những gì ông Nguyễn Hữu Nguyên (thường gọi ba Nghiệp), “đại gia” nuôi cá tra ở xã Khánh Hòa (Châu Phú - An Giang), đúc kết được sau nhiều chuyến học tập ở nước ngoài. Theo ông, nếu không thay đổi tư duy sản xuất, cá tra Việt Nam sẽ khó tồn tại và cạnh tranh với thế giới.

25/05/2015
Đau đáu với nỗi lo con nghêu Đau đáu với nỗi lo con nghêu

Không ai biết rõ con nghêu xuất hiện ở vùng biển Gò Công từ bao giờ, chỉ biết những năm trước đây, nhiều người đã khai thác và làm giàu từ nó. Chính vì nguồn lợi quá dồi dào nên nhiều người đã ví các sân nghêu như mỏ “vàng trắng”. Tuy nhiên, những năm gần đây, người nuôi nghêu lại đau đáu nỗi lo mỗi khi vào mùa thu hoạch; nhiều người mất ăn, mất ngủ, thậm chí bạc đầu vì nó.

25/05/2015
Tỷ phú nuôi tôm thẻ chân trắng Tỷ phú nuôi tôm thẻ chân trắng

Được cán bộ nông nghiệp xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên giới thiệu, chúng tôi tìm đến mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên nền cát trải bạt của anh Lê Văn Nhất ở thôn Hòa Thạch.

25/05/2015
Nỗi buồn rong mơ Nỗi buồn rong mơ

Cứ đến tháng 5 - 6 hằng năm, người dân ở các vùng ven biển Bình Sơn (Quảng Ngãi) lại được dịp hái “lộc biển” khi đua nhau khai thác rong mơ. Tuy nhiên, tình trạng khai thác ồ ạt loại rong biển này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển gần bờ.

25/05/2015
Diện tích nuôi thủy sản thu hoạch khoảng 1.003 ha Diện tích nuôi thủy sản thu hoạch khoảng 1.003 ha

Tính đến nay, diện tích nuôi thủy sản được thu hoạch khoảng 1.003 ha, tăng 6,0% so cùng kỳ, trong đó diện tích nuôi cá tra là 567 ha, tăng 7,0% so cùng kỳ. Sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch là 132 ngàn tấn, tăng 6,5%, trong đó sản lượng cá tra 110 ngàn tấn, tăng 3,1% so cùng kỳ.

25/05/2015