Báo Động Nguồn Ô Nhiễm Gây Ảnh Hưởng Đến Môi Trường Biển
Bình Thuận là một trong những bãi biển đẹp của Việt Nam, nhưng nguồn ô nhiễm môi trường đang ngày càng làm giảm đi vẻ đẹp nguyên sơ của vùng biển này.
Từ khu vực xả thải
Hiện nay, toàn tỉnh có 153 cơ sở sản xuất giống (638 trại), tập trung chủ yếu tại xã Vĩnh Tân - huyện Tuy Phong. Trong đó, chuyên sản xuất giống tôm sú là 59 cơ sở; sản xuất, ương giống tôm thẻ chân trắng là 37 cơ sở; vừa sản xuất, ương giống tôm thẻ và sản xuất giống tôm sú là 48 cơ sở, còn lại một số cơ sở sản xuất giống các loại thủy sản khác như ốc hương, cua, cá biển.
Nhìn chung, đa số các cơ sở sản xuất giống chấp hành tốt các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh, đáp ứng được các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và bảo vệ môi trường như: hệ thống các ao lắng, bể nuôi, bể xử lý nước thải được xây dựng đúng yêu cầu kỹ thuật, nước thải được xử lý trước khi thải ra môi trường nên khả năng gây ô nhiễm môi trường biển là rất thấp. Tuy nhiên, tại xã Vĩnh Tân - huyện Tuy Phong, hiện nay đang xây dựng Nhà máy nhiệt điện, khu vực xả thải nằm trong vùng ngư trường hoạt động của ngư dân, là môi trường sống của các loài thủy sản có giá trị kinh tế và đây còn là khu vực lấy nước biển để nuôi tôm giống cho khu vực xã Vĩnh Tân.
Với tổng diện tích mặt nước nuôi tôm trên toàn tỉnh là 896,49 ha/820 hộ nuôi, trong đó diện tích nuôi tôm thẻ là 829,99ha, được nuôi từ 2 - 3vụ/năm, còn lại là 66,5 ha nuôi tôm sú (trong đó nuôi thâm canh chỉ có 2,5ha; 64 ha nuôi theo hình thức quảng canh). Nhưng có một số hộ nuôi tôm chưa có hệ thống kênh mương dẫn nước, thoát nước riêng; đa số các hộ nuôi nhỏ lẻ, nhiều hộ nuôi phát triển tự phát không nằm trong vùng quy hoạch, chưa có ao lắng, ao xử lý riêng, chưa xử lý nước nuôi trước khi thải ra môi trường nên đây là nguồn gây ô nhiễm đến môi trường biển.
Đến ngư trường
Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 7.795 tàu thuyền làm nghề hoạt khai thác thủy hải sản, trong đó tàu thuyền đánh bắt là 7.653 chiếc, tàu thuyền làm nghề dịch vụ thủy sản là 142 chiếc. Sản lượng khai thác thủy sản từ đầu năm đến hết tháng 9/2013 là 150.219 tấn, trong đó cá 122.932 tấn (chiếm 81,84%), tôm 2.415 tấn (chiếm 1,61%), ghẹ 5.975 tấn (chiếm 3,98%), mực 13.099 tấn (chiếm 8,72%), hải sản khác 5.798 tấn (chiếm 3,85%). Phần lớn, các tàu thuyền hoạt động tuân thủ tốt các quy định trong hoạt động khai thác thủy sản. Tuy nhiên, vẫn còn một số tàu thuyền do hám lợi trước mắt đã vi phạm pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản như vi phạm tuyến khai thác, sử dụng chất nổ xung điện, hiện trạng khai thác san hô…
Vẫn còn diễn ra khá phổ biến gây mất cân bằng sinh thái, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển. Ô nhiễm là một trong những nguyên nhân chính phá hủy các rạn san hô. Xăng dầu và các thứ rác thải từ tàu cá thả trôi nổi quấn chặt làm hủy hoại các rạn san hô, thảm cỏ biển và nơi trú ngụ, sinh sản của các loài thủy sinh. Mặc khác, ngư trường khai thác hải sản truyền thống của vùng biển Bình Thuận đang bị thu hẹp nghiêm trọng do ảnh hưởng quy hoạch khai thác dầu khí. Nguồn lợi thủy sản đã cạn kiệt, số lượng tàu thuyền trong tỉnh tăng nhanh, hơn nữa số thuyền có công suất nhỏ chưa giảm, chưa nói đến hàng năm có hàng trăm tàu thuyền ngoài tỉnh đến khai thác tại vùng biển Bình Thuận, gây nên tình trạng tranh chấp hành nghề trên biển có lúc phức tạp.
Với tình hình ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến môi trường biển như hiện nay, Chi cục Thủy sản Bình Thuận đã tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển, các đoàn thể và cơ quan có liên quan tuyên truyền phổ biến trực tiếp cho ngư dân, tàu cá đang hoạt động trên biển. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, đấu tranh không khoan nhượng với các vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản trên biển để bảo vệ trong sạch cho ngư trường Bình Thuận.
Có thể bạn quan tâm
Trước đây, quanh đầm Lập An, thuộc thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế), người dân chỉ biết mò cua bắt cá trên đầm hay lên rừng đốn củi, nhiều đứa trẻ phải bỏ học giữa chừng vì nghèo. Nhưng...
Ngày 4.3, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm (CGC) đã họp bàn các giải pháp tiêu thụ gia cầm cho nông dân.
Tại đây, vào tháng 8.2013, trại trình diễn và thực hiện chăn nuôi bò sữa công nghệ cao (DDEF) đã được khánh thành. Đây là dự án nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác kỹ thuật giữa Sở NNPTNT TP.HCM và Trung tâm Hợp tác quốc tế (MASHAV) thuộc Bộ Ngoại giao Israel.
Những ngày đầu tháng 3, khảo sát một số vùng nuôi cá trọng điểm, Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đánh giá có địa phương như Cần Thơ, Đồng Tháp nguyên liệu sụt giảm tới 40-60%.
Thuộc vùng “an toàn” không có dịch cúm gia cầm (CGC) H5N1, nhưng những con “đặc sản” như gà móng, gà Đông Tảo, gà chín cựa, chim trĩ… vẫn bị “vạ” oan khi giá liên tục giảm, khiến người chăn nuôi thua lỗ.