Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bán Mía Sớm Để Nhẹ Gánh

Bán Mía Sớm Để Nhẹ Gánh
Ngày đăng: 14/08/2014

Đây là tâm sự của hầu hết nông dân trồng mía đã và đang bán mía chục, bởi theo họ, với tình hình giá cả bấp bênh như hiện nay, việc bán mía trong lúc này sẽ cầm chắc lợi nhuận và giảm bớt được gánh nặng nếu như để mía thu hoạch vào thời điểm chính vụ.

Có lời là bán

Từ lâu, người ta biết đến vùng mía nguyên liệu Phụng Hiệp có đặc thù là trồng lại vụ lúa liếp sau khi thu hoạch mía. Chính vì vậy, hàng năm có không ít nông dân chủ động trồng một số giống mía ngắn ngày (chủ yếu là ROC 16) để tranh thủ thu hoạch sớm, sửa lại đất, xuống giống vụ lúa liếp.

Tuy nhiên, trong thực tế, cơ cấu mùa vụ không phải là động lực lớn thôi thúc nông dân bán mía sớm, cái chính là bán mía ngay đầu vụ sẽ cầm chắc có lời; nếu tiếp tục neo mía thì chưa chắc đã được giá tốt hơn khi các nhà máy đường đi vào hoạt động.

Hơn nữa, nếu thu hoạch mía khi nước lũ về thì hao hụt rất lớn. Đó là chưa nói tới chuyện áp lực thu hoạch trong mùa nước ngập khiến tiền công đốn mía tăng cao, ngược lại giá bán còn giảm xuống. Suy cho cùng, ăn ít mà chắc, vẫn hơn là năm ăn năm thua.

Với những toan tính trên, ông Lý Hoàng Anh cùng với nhiều hộ khác ở ấp Phó Đường, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp đã nhiều năm liền quyết định bán mía chục mỗi khi thấy có lợi nhuận. Ông Anh cho biết: “Dân xứ này cả năm chỉ trông vào vụ mía, với bao nhiêu chuyện như ăn uống, chi tiêu, đám tiệc, học hành con cái, mua sắm...

Thế nhưng, giá sàn mà nhà máy đường ký hợp đồng bao tiêu với người dân trong vụ này chỉ 830 đồng/kg (cân tại cầu cảng nhà máy). Nếu so với giá thành sản xuất đã là 730-760 đồng/kg thì coi như năm nay người dân tiếp tục lấy tiền cũ đổi tiền mới.

Chính điều này, đã khiến người trồng mía bất an và không ít nông dân đã chọn giải pháp an toàn theo kiểu “xanh nhà hơn già đồng”, miễn có lời là được”. Hiện tại, ông Anh đã bán xong 8 công mía của mình, với giá 28.000 đồng/chục (12 cây), sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình ông có nguồn lợi nhuận gần 6 triệu đồng/công, cao hơn gấp đôi so với bán mía ép đường.

Cũng vừa bán xong 5 công mía (giống ROC 16) cách nay vài ngày, ông Nguyễn Minh Triều, ở ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng, cho rằng: “Mấy năm nay, tình trạng thiếu nhân công đốn mía ngày càng gay gắt, nhất là vào vụ thu hoạch rộ. Vì vậy, ai cũng lo bán sớm để nhẹ gánh hơn.

Tuy nhiên, điều quan trọng khiến nông dân không dám giữ mía lâu là giá cả bấp bênh. Nếu vào vụ thu hoạch rộ, gặp cảnh giá rớt thì các nhà máy sẽ hạn chế thu mua, đánh thấp chữ đường, chê mía xấu… khổ lắm”.

Theo nông dân trồng mía, thông thường, người dân tập trung bán mía chục vào khoảng từ mùng 5 tháng 5 đến giữa tháng 7 (âm lịch) và năm nay cũng không ngoại lệ. Điều bà con cảm thấy yên tâm là giá mía chục luôn giữ ở mức cao và ổn định trong nhiều năm qua. Thời điểm cao nhất là vào đầu vụ, với giá 30.000 đồng/chục; sau đó giảm dần xuống do nguồn cung ngày càng nhiều, nhưng trung bình là 22.000 đồng/chục.

Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, người trồng mía còn lợi nhuận khoảng 60-70 triệu đồng/ha, đây là mức lợi nhuận khá hấp dẫn nhưng không phải người trồng mía nào cũng có được, nhất là trước tình hình khó khăn của ngành mía đường hiện nay.

Ngoài việc cầm chắc lợi nhuận và có thể sạ thêm vụ lúa liếp, khi bán mía chục, nông dân không còn lo lắng việc đo chữ đường của nhà máy, giảm áp lực nhân công và không phải trả tiền thuê đốn mía.

Chính những ưu điểm trên, chuyện nông dân tranh thủ bán mía chục cho thương lái vẫn thường xuyên xảy ra dù ngành chức năng đã có nhiều cảnh báo về những thiệt hại mà người dân có thể gánh chịu khi bán mía vào thời điểm chưa đạt năng suất và chữ đường tối đa.

Bán mía chục không dễ

Từ chuyện nông dân có nhiều điểm lợi trong việc bán mía chục nên diện tích trồng các giống mía ngắn ngày càng tăng. Điển hình như niên vụ mía 2014-2015 này, trong tổng số 8.345ha mía của huyện Phụng Hiệp thì có khoảng 55% là giống mía ngắn ngày (chủ yếu ROC 16), nhiều hơn 5% so với cùng kỳ. Mặc dù diện tích trồng giống mía ROC 16 nhiều nhưng không mấy hộ bán được mía chục bởi nhiều nguyên nhân.

Theo đó, để bán được mía chục thì đòi hỏi quá trình chăm sóc phải kỹ càng hơn so với bán mía đường: phải thường xuyên đánh lá; bón phân cân đối, nhất là tăng cường bón phân kali; đến khi thu hoạch, mía phải đạt chiều cao từ 1,5m trở lên, riêng những cây không đạt chiều cao thì giá thu mua giảm xuống hơn phân nửa.

Có hơn 3 năm kinh nghiệm trong việc bán mía chục, ông Lương Văn On, ở ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng, cho biết: “Không phải ai muốn bán mía chục là bán, vì ngoài sự tỉ mỉ trong quá trình chăm sóc để có được cây mía chất lượng, còn phải tạo được mối quan hệ với thương lái. Do đó, tuy giá mía hiện chỉ còn 19.000-20.000 đồng/chục và nhiều nông dân muốn bán trong lúc này để sạ lại vụ lúa nhưng tìm thương lái rất khó khăn”. 

Hiện nay, tuy nông dân đã thu hoạch một số diện tích mía để bán mía chục, nhưng theo nhận định của ngành nông nghiệp địa phương, tình trạng này không làm ảnh hưởng lớn đến vùng nguyên liệu mía của các nhà máy đường, vì diện tích này không lớn.

Phó phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp Nguyễn Thế Tự cho hay: Hiện nay, nông dân ở một số địa phương trên địa bàn huyện đã thu hoạch khoảng 100ha mía để bán mía chục (chủ yếu ROC 16). Đây là giống mía ngắn ngày được bà con trồng để thu hoạch sớm nhằm có thời gian gieo sạ lại vụ lúa liếp.

Các ruộng mía đang thu hoạch đã có chữ đường (CCS) từ 8-9 CCS, đảm bảo đủ chất lượng cung cấp cho thương lái chở đi bỏ mối ở các tỉnh lân cận để ép lấy nước và đây cũng là cách sản xuất truyền thống, phổ biến của nông dân Phụng Hiệp từ trước đến nay.

Đối với các giống mía còn lại hiện vẫn còn non, do đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con chăm sóc đủ độ chín để bán có giá cao, tăng hiệu quả kinh tế. Dự kiến, thời gian thu hoạch mía chính vụ của Phụng Hiệp có thể bắt đầu vào khoảng cuối tháng 9, khi các nhà máy đường trong tỉnh chính thức đi vào hoạt động…


Có thể bạn quan tâm

Hiệu quả từ mô hình nuôi ếch Thái Hiệu quả từ mô hình nuôi ếch Thái

Nhiều năm qua, người dân trên địa bàn các xã Mỹ Hòa, Mỹ An và Đốc Binh Kiều (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) triển khai mô hình nuôi ếch Thái mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Trong đó, xã Đốc Binh Kiều thực hiện hiệu quả nhất, người dân nuôi ếch trên phần đất trũng bỏ hoang, tận dụng các đìa sen để cải tạo lại thành ao thả ếch...

18/04/2015
Phiên biển xa bờ được mùa, trúng giá Phiên biển xa bờ được mùa, trúng giá

Bây giờ đang là thời điểm những đoàn tàu đánh cá xa bờ của ngư dân trong tỉnh Quảng Ngãi trở về sau hàng tháng trời ròng rã trên biển khơi. Đây là phiên biển đầu tiên trong năm. Cá đầy khoang, giá bán cao, niềm vui ấy báo hiệu một năm gặt hái nhiều thành công của ngư dân vùng biển.

18/04/2015
AGF tiếp nhận vùng nuôi thủy sản mới AGF tiếp nhận vùng nuôi thủy sản mới

HĐQT công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF) ra Nghị quyết tiếp nhận vùng nuôi thủy sản của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phước Anh 2 tại Đồng Tháp.

18/04/2015
Khi con tôm càng xanh “gặp khó” Khi con tôm càng xanh “gặp khó”

Những năm qua, phong trào nuôi tôm càng xanh trên địa bàn huyện Châu Phú (An Giang) đang có xu hướng giảm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này nhưng chủ yếu do nông dân không chủ động được đầu ra.

18/04/2015
Nuôi cá vẩu trên đầm phá Nuôi cá vẩu trên đầm phá

Anh Phan Việt (45 tuổi), trú ở thôn Hiền An 1 (xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) vừa giới thiệu những lồng cá vẩu đang nuôi trên đầm vừa cho chúng tôi biết, người dân nơi đây bắt đầu nuôi cá vẩu vào năm 2009 từ sự tình cờ trong một lần đi đặt chuôm đánh bắt cá hồng, cá mú tự nhiên về nuôi thì có lẫn con giống cá vẩu.

18/04/2015