Bạch Thông (Bắc Kạn) định hướng phát triển cánh đồng 3 vụ
Quy hoạch vùng sản xuất vụ 3
Bạch Thông có điều kiện thuận lợi về đồng đất, khí hậu, thủy lợi, giao thông để tập trung phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, đặc biệt là vụ thứ 3 để tăng thu nhập cho nông hộ.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau như tập quán canh tác, đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định, nhiều hộ dân còn quan niệm vụ đông chỉ là phụ khiến cho sản xuất vụ đông tại một số xã trong huyện vẫn còn bị bỏ ngỏ, thu hoạch xong vụ mùa là nhiều diện tích đất bỏ trống. Một số địa phương như Quân Bình, Cẩm Giàng, Tân Tiến, Phương Linh có trồng rau đậu trong vụ đông nhưng diện tích nhỏ lẻ, manh mún hộ nhiều thì 2.000m2, hộ ít thì 400 - 500m2, một số diện tích bà con trồng cây rau đậu tự phát chủ yếu là tự cung tự cấp phục vụ nhu cầu tiêu dùng của gia đình, gây lãng phí quỹ đất và mất đi một nguồn thu nhập lớn. Đáng chú ý là những diện tích trồng vụ đông lại chủ yếu là sản xuất trên đất chuyên màu, còn diện tích gieo trồng trên đất 2 vụ lúa chiếm tỷ lệ rất ít.
Nhận thấy lợi thế, tiềm năng về đất đai để phát triển sản xuất vụ 3 là rất lớn vì vậy năm 2015 huyện Bạch Thông đã thực hiện mô hình luân canh 3 vụ tập trung ở 8 xã nằm trong vùng quy hoạch phát triển sản xuất cây lương thực là Cẩm Giàng, Nguyên Phúc, Quân Bình, Hà Vị, Lục Bình, Tân Tiến, Tú Trĩ, Vi Hương.
Định hướng cây trồng phù hợp
Để vụ 3 trở thành vụ sản xuất chính, năm 2015 huyện Bạch Thông đã có chủ trương thực hiện mô hình luân canh 3 vụ. Trong đó triển khai gieo cấy 80ha giống lúa ngắn ngày chất lượng cao PC6 trong vụ xuân và vụ mùa với mục đích rút ngắn thời gian sinh trưởng và thu hoạch lúa để sớm thực hiện sản xuất vụ đông trên diện tích đất 2 lúa, hướng tới phát triển cánh đồng 3 vụ chất lượng cao. Theo cơ quan chuyên môn, nếu cấy giống lúa PC6 trong vụ mùa thì đến giữa tháng 9 là cho thu hoạch, đủ thời gian để sản xuất các cây trồng vụ đông. Cơ cấu cây trồng được huyện chỉ đạo đưa vào sản xuất trong vụ 3 là cây ngô, khoai tây và dưa chuột bao tử.
Bởi thực tế cây ngô và khoai tây rất dễ trồng, phù hợp với đồng đất địa phương, giá trị kinh tế cao. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn nếu 1ha lúa, chăm sóc tốt sẽ thu được 53 tạ/ha, giá thóc là 7.000đồng/kg thì 1 héc ta chỉ thu được 39 triệu đồng. Trong khi đó, cây khoai tây trồng trong vụ đông nếu có thị trường tiêu thụ ổn định thì mỗi héc ta đạt trung bình 15 tấn, giá 5.000đồng/kg sẽ thu được 75 triệu đồng/ha. Ngoài ra, cây dưa chuột bao tử cũng đã được thực hiện thí điểm thành công tại địa phương với quy mô 1,4ha, năng suất đạt 30 tạ/ha, sản phẩm được bao tiêu với giá 6.000đ/kg loại 1 và 3.000đ/kg loại 2. Như vậy bình quân một héc ta dưa chuột bao tử người nông dân có thu nhập 150 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Hiệu quả bước đầu làm cơ sở để huyện có kế hoạch mở rộng diện tích lên 10ha trong vụ đông tới, hỗ trợ 50% giá giống, công vận chuyển và liên kết với doanh nghiệp để trực tiếp đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Năm 2015, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Bạch Thông đã ưu tiên hỗ trợ phát triển cây dưa chuột bao tử tại một số xã dọc Quốc lộ 3 như Cẩm Giàng, Tân Tiến, Quân Bình, Nguyên Phúc.
Tuy nhiên, việc phát triển vụ thứ 3 trên địa bàn huyện Bạch Thông hiện nay còn gặp khó khăn do thiếu doanh nghiệp tiêu thụ nông sản nên nhân dân chưa yên tâm mở rộng sản xuất. Mặt khác, do tập quán canh tác truyền thống của nông dân còn nhỏ lẻ, chưa quen với việc liên kết, thiếu các mô hình hợp tác xã đủ sức để tổ chức sản xuất và hỗ trợ cho nông dân khiến cho việc phát triển sản xuất còn manh mún. Để giải quyết bài toán này, trước hết cần có sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy chính quyền địa phương trong việc định hướng cho nhân dân về thời vụ, cơ cấu cây trồng và tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản ổn định.
Đồng chí La Thị Huyền - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để sản xuất thành công mô hình luân canh 3 vụ bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy chính quyền địa phương, rất cần có những người nông dân tâm huyết với đồng ruộng, có ý chí làm giàu từ đó mạnh dạn đứng ra thuê ruộng của các hộ liền kề để tạo thành cánh đồng lớn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào canh tác nhằm tăng năng suất, chất lượng tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có giá trị thu nhập cao làm cơ sở để các hộ khác học tập và làm theo.
Có thể bạn quan tâm
Đó là nông dân Lê Thành Đôn (sinh năm 1970), ngụ ấp Hưng Thạnh, xã Châu Hưng (Bình Đại - Bến Tre). Anh Đôn được tuyên dương, báo cáo điển hình là nông dân sản xuất giỏi năm 2014.
Để kiểm soát và phân biệt được giống sâm Ngọc Linh, góp phần nâng cao năng suất chất lượng trong sản xuất giống và yêu cầu quản lý nguồn giống sâm Ngọc Linh trên địa bàn, tỉnh Kon Tum phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc (thuộc Viện Dược liệu Bộ Y tế) nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn cây giống sâm Ngọc Linh.
Ngày 8/8, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đã triển khai mô hình chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ rau - quả hữu cơ tại phường Cự Khối (quận Long Biên).
Thời điểm gia nhập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) đang đến gần khiến nhiều sản phẩm trong nước đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ những thị trường đầy tiềm năng của khu vực. Sản phẩm mía đường cũng không phải là ngoại lệ. Ý thức được điều đó, từ doanh nghiệp đến bà con nông dân đã và đang có những bước “chuyển mình” để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Tính đến nay, đã có 11,29 ha cây đương quy tại các xã Na Hối, Lùng Phình, Tà Chải, Nậm Mòn (Bắc Hà - Lào Cai) bị thiệt hại do nắng hạn và bệnh vi khuẩn thối gốc.