Bắc Ninh bảo vệ cá lồng mùa mưa bão
Ngay từ đầu tháng 6, anh Trần Quý Ninh, hộ nuôi cá lồng ở thôn Chi Nhị, xã Song Giang (Gia Bình) mua thêm dây chão, mỏ neo để gia cố các lồng và giằng lại các thành ngăn nuôi cá.
Mới triển khai từ năm ngoái, hiện nay anh đang có 16 lồng nuôi nhiều loại cá như: điêu hồng, lăng, chép giòn… với khoản đầu tư lên đến hàng trăm triệu đồng. Anh chia sẻ: “Vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên tôi phải chuẩn bị các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn để hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra khi có mưa lũ.
Trước mắt, khi nước dâng cao, rác từ thượng nguồn đổ về khá nhiều, mắc vào các lồng cá, tôi phải thường xuyên dọn vớt để tránh gây dịch bệnh tới đàn cá”.
Tại khu vực này, nhằm tạo sự an toàn và phát triển lâu dài cho nghề nuôi cá lồng, các hộ dân tự lắp đặt hệ thống lồng nuôi có khung bằng sắt không gỉ, phao nâng bằng thùng phuy nhựa. Các lồng cá được neo cẩn thận với cọc cố định trên bờ, khi có diễn biến xấu về thời tiết có thể di chuyển đến vị trí gần bờ, tránh bị trôi khi nước chảy xiết.
Hiện nay, toàn tỉnh có 846 lồng nuôi cá, tập trung ở các huyện Lương Tài, Gia Bình, Tiên Du… năng suất mỗi vụ ước đạt 3,5-4 tấn/lồng. Là hướng phát triển kinh tế hiệu quả nên người nuôi cá lồng ngày càng đầu tư hạ tầng khu nuôi.
Tuy nhiên, mùa mưa bão đến, nhiều nguy cơ bất thường do thời tiết, môi trường dòng chảy gây ra có thể ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng đàn cá. Một trong số vấn đề đáng lo ngại là khả năng mất an toàn hệ thống điện khi nước dâng cao làm xê dịch các lồng cá.
Kể từ sau vụ tai nạn thương tâm do điện giật tại khu vực nuôi lồng cá trên sông Cầu, ở thôn Đông Xuyên, xã Đông Tiến (Yên Phong), Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, kiểm tra các điểm nuôi cá lồng trong tỉnh. Kết quả cho thấy, hệ thống điện cơ bản chưa bảo đảm, nhất là việc đấu nối nguồn điện còn sơ sài, chưa an toàn khi sử dụng.
Ngành chức năng có văn bản yêu cầu các hộ nuôi cá lồng trên sông khi sử dụng điện cho mục đích hàn lồng, sinh hoạt, chạy máy sục khí ô xy cần áp dụng các biện pháp an toàn như sử dụng dây dẫn điện, bảng điện, công tắc, cầu trì, cầu dao và các thiết bị điện đúng theo tiêu chuẩn hướng dẫn của nhà sản xuất và của ngành điện; đầu nguồn cấp điện xuống lồng nuôi phải bố trí át chống giật đặt cố định trên bờ nhằm phòng ngừa sự cố điện xảy ra khi vận hành các thiết bị điện…
Khi đặt lồng nuôi phải bảo đảm các điều kiện quy định an toàn về giao thông đường thủy nội địa có phao tiêu, biển báo, các công trình phụ trợ (nhà chứa thức ăn, đường giao thông…) xây dựng trong hành lang bảo vệ đê phải được hạt quản lý đê xem xét đồng ý trước khi xây dựng…
Ngoài những vấn đề do xê dịch các lồng nuôi, theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, một nguy cơ khác có thể gây ảnh hưởng tới môi trường dòng sông đó là nước lớn làm thay đổi đột ngột hàm lượng oxy, khiến cá dễ bị chết ngạt hoặc sự tăng cường nguồn xả thải sản xuất về phía hạ nguồn.
Chi cục Thủy sản tỉnh có công văn gửi chính quyền các địa phương tích cực tuyên truyền tới hộ nuôi phải thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, quan sát môi trường nước (độ đục, lưu tốc…) để có biện pháp phòng bệnh cho cá.
Các hộ cần tích cực chăm sóc, thả nuôi đúng mật độ, giãn thưa khoảng cách bố trí các cụm lồng, hạn chế sử dụng thức ăn tươi sống, định kỳ phòng bệnh giúp cá sinh trưởng phát triển tốt, tranh thủ thu hoạch khi cá đủ kích cỡ để hạn chế tối đa rủi ro và tăng vụ nuôi mỗi năm.
Có thể bạn quan tâm
Phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản khá lớn với 86 ha. Những năm trước đây người dân nuôi trồng thủy sản phường Quỳnh Dị chủ yếu là sử dụng nguồn nước lấy tự nhiên ở lạch Cờn vào hệ thống mương rồi bơm vào ao để nuôi tôm. Tuy nhiên do nước bị ô nhiễm, tôm hay bị dịch bệnh, nhiều hộ gia đình đã có sáng kiến khoan giếng lấy nước nuôi tôm.
Những năm gần đây, vùng ven biển tỉnh Trà Vinh phát triển mạnh phong trào nuôi tôm, với nhiều hình thức nuôi như: nuôi thâm canh, bán thâm canh, nuôi công nghiệp... Ðặc biệt, mô hình nuôi tôm kết hợp trồng rừng ở Khu bảo tồn sinh thái rừng ngập mặn ven biển thuộc xã Long Khánh, huyện Duyên Hải vừa đảm bảo môi trường vừa mang lại giá trị kinh tế cao.
Mấy ngày qua, hầu hết phương tiện tham gia khai thác trên biển của ngư dân Khánh Hội, huyện U Minh (Cà Mau) đều được mùa.