Bạc Liêu: Vùng đất nuôi tôm công nghệ cao
Tôm nước lợ là một trong những đối tượng chủ lực góp phần giúp ổn định, phát triển ngành thủy sản nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung của tỉnh Bạc Liêu. Một trong những giải pháp để tận dụng tiềm năng đó chính là đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong nuôi tôm nước lợ, trong đó việc thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu là chủ trương đúng đắn cần sớm triển khai thực hiện vào thực tế.
Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: Trần Thiện
Mảnh đất màu mỡ
Bạc Liêu được đánh giá là một trong 6 tỉnh khu vực ĐBSCL có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng của cả nước. Sản lượng tôm hằng năm khoảng 105 nghìn tấn (đứng thứ 2 cả nước), mang lại giá trị gần 11,5 nghìn tỷ đồng (khoảng 500 triệu USD) với nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao hàng đầu quốc gia (6 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm) và có thứ hạng cao trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh nuôi tôm, Bạc Liêu còn là trung tâm sản xuất tôm giống của ĐBSCL và cả nước với sản lượng sản xuất trên 25 tỷ con giống/năm, chiếm 50% của vùng ĐBSCL và 19,23% cả nước. Ngoài ra, Bạc Liêu còn có vai trò đóng góp khá lớn trong nhiều khâu của “chuỗi cung ứng tôm” do có sự phát triển khá đồng bộ ở tất cả lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu cũng như nằm ở vị trí trung tâm của cụm sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm của vùng ĐBSCL. Nên tỉnh có lợi thế hơn hẳn các địa phương khác về “địa kinh tế” trong việc thu hút đầu tư, liên kết, kết nối các hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nói chung và nông nghiệp nói riêng.
Từ thực tiễn việc áp dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản và các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Đại hội lần thứ XV Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu đã xác định lấy con tôm làm chủ lực để phát triển kinh tế thủy sản. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã đồng ý cho phép tỉnh Bạc Liêu Quy hoạch “Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” và định hướng “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”.
Theo quy hoạch, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (trọng tâm là tôm nước lợ) có tổng diện tích là 418,91 ha với tổng số vốn đầu tư lên đến 3.217,75 tỷ đồng (trong đó Nhà nước đầu tư 564,61 tỷ) tại xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu. Chức năng thực hiện các hoạt động ứng dụng các thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào lĩnh vực thủy sản; phòng chống dịch bệnh; bảo quản, chế biến thủy sản; phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ; phát triển các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển dịch vụ công nghệ cao phục vụ ngành thủy sản khu vực Bán đảo Cà Mau nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng.
Đầu tư xứng tầm
Ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bạc Liêu cho biết, để từng bước thực hiện đạt các mục tiêu đã đề ra, Bạc Liêu đã đưa ra phân kỳ đầu tư cụ thể: Năm 2018, tỉnh sẽ tập trung thực hiện và hoàn thành một số nội dung cơ bản như Khởi công xây dựng khu quản lý, điều hành của khu Trung tâm; Xây dựng đường điện, trạm cấp nước sạch, nạo vét kênh, xây dựng cống cấp, thoát nước, hồ cảnh quan; Mở hội nghị xúc tiến thương mại mời gọi đầu tư và xét tuyển nhà đầu tư. Năm 2019 sẽ phấn đấu hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật; Triển khai các nghiên cứu, thực nghiệm, trình diễn; Cấp phép đầu tư và triển khai xây dựng cho các số doanh nghiệp đầu tư và đến năm 2020 sẽ hoàn thiện đầu tư cơ sở hạ tầng toàn Khu; Triển khai các hoạt động về ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực nông nghiệp công nghệ cao, huấn luyện nông dân trong và ngoài tỉnh đồng thời xây dựng khu vực hội chợ triển lãm, quảng bá công nghệ và sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Và trong từng giai đoạn cụ thể tỉnh sẽ xác định một số nội dung ưu tiên kêu gọi đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm đầu tiên của tỉnh: Năm 2018 (giai đoạn 1) sẽ chọn lựa ưu tiên cho các dự án đầu tư nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và sản xuất sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong nuôi thủy sản để làm tiền đề thúc đẩy cho sự hình thành và phát huy tính hiệu quả mà Khu nông nghiệp công nghệ cao đã đề ra. Trên cơ sở đó sẽ tiếp tục mở rộng và kêu gọi đầu tư bổ sung giai đoạn 2 đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất giống thủy sản, chế biến thức ăn tôm, chế biến xuất khẩu theo như điều kiện thực tế.
Bên cạnh đó, nhằm góp phần triển khai ứng dụng hiệu quả đối khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm đầu tiên của cả nước và đánh giá đúng thực trạng, xác định được vị trí, vai trò, thế mạnh của tỉnh Bạc Liêu đối với ngành tôm Việt Nam. Bạc Liêu kêu gọi, cam kết hỗ trợ tối đa nguồn lực cho tất cả thành phần kinh tế đã và đang có ý định thúc đẩy thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong tất các lĩnh vực sản xuất, chế biến và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ trên địa bàn tỉnh.
>> Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu được chia thành các phân khu chức năng, cơ cấu như sau: Phân khu trung tâm (103,31 ha), bao gồm các công trình khu vực điều hành, triển lãm, kiểm định, khu nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khu kêu gọi đầu tư, khu xử lý nước thải tập trung…; Phân khu sản xuất, chế biến (315,6 ha), bao gồm các khu vực nuôi tôm siêu thâm canh, nhà máy chế biến, kho bãi, khu xử lý nước thải tập trung…
Có thể bạn quan tâm
Đây là kết quả của dự án đánh giá sử dụng sản phẩm phụ vi tảo từ ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học làm protein thay thế trong thức ăn nuôi cá hồi
Tỉnh Sóc Trăng có ngành thủy sản khá phát triển với diện tích nuôi tôm thâm canh lớn nhất nước, năm 2017 đi qua đạt nhiều chỉ tiêu tăng trưởng cao.
Ở Việt Nam nghề nuôi cá chình đang ở bước khởi đầu. Một trong những vấn đề khó khăn nhất hiện nay là nguồn giống.