Bắc Giang đẩy mạnh thương hiệu chè sạch Bản Ven
Canh tác theo quy trình VietGap, làm ăn tập thể, giữ bí quyết ủ hương khác biệt... giúp chè Yên Thế (Bắc Giang) khẳng định vị thế trên thị trường.
Chè là cây trồng chủ lực phát triển kinh tế tại nhiều địa phương phía Bắc. Ảnh: Bizmedia.
Nước chè xanh màu cốm, để qua đêm cũng không đổi màu cùng hương thơm nồng là những đặc điểm nổi bật của chè xanh Bản Ven (Yên Thế). Ngày nay, người dân đất chè Yên Thế còn tự hào với quy trình sản xuất chè không chất bảo quản hay chất hóa học để xây dựng thương hiệu chè xanh sạch Bản Ven.
Bí quyết giữ hương vị chè xanh Bản Ven
Điểm chung của các thương hiệu chè sạch là lấy các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm lên hàng đầu cùng với chất lượng khác biệt, Nhận thấy xu hướng này, nhiều địa phương đang nỗ lực chuyển hướng canh tác nhằm phát triển thương hiệu chè sạch, chinh phục thị trường trong nước trước khi bước ra thế giới.
Với kinh nghiệm canh tác chè lâu năm, từ 10 năm trước, chè tại Bản Ven bắt đầu được mở rộng ra địa bàn lân cận như tại xã Canh Nậu, Đồng Vương, Đồng Tiến, Đồng Tâm… Để phát triển cây chè bền vững, UBND huyện đã thực hiện đề án hỗ trợ và phát triển vùng sản xuất chè nguyên liệu của huyện giai đoạn 2011-2015.
Đề án này không những mở rộng diện tích trồng chè từ trên 100ha lên 500ha mà còn hỗ trợ cho bà con giống chè mới như LDP2, LDP1, hướng dẫn chuyển đổi sang mô hình canh tác chè VietGap và hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới tiêu, máy móc vào trồng và sản xuất chè.
Ruộng chè VietGap tại Bản Ven, Xuân Lương, Yên Thế. Ảnh: Bizmedia.
Trong đó, Xuân Lương là xã trọng điểm của cây chè với diện tích trồng lên tới 300ha. Anh Hoàng Văn Hà - hộ trồng chè lâu năm tại bản Ven, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, Bắc Giang cũng tham gia mô hình này cho biết, hiện, bà con chủ yếu trồng giống chè LDP1 được Phòng Nông nghiệp huyện hỗ trợ về giống và kỹ thuật trồng ban đầu. Đặc điểm của giống chè này là lá to, búp xanh hơn những giống thường thấy ở trung du, cho chất lượng chè thơm ngon, năng suất tốt. Nhà anh hiện có 1,5 mẫu chè, mỗi năm thu hái 7 -8 lứa cũng cho lãi khoảng 100 triệu đồng.
Trước kia, người trồng phải gánh nước từ các mương, lạch để tưới cho cây nhưng nhờ hệ thống tự động, năng suất chè tăng gấp 3 lần, đạt khoảng 9-10 tấn mỗi ha một năm.
Theo mô hình trồng Vietgap, các ruộng chè được kiểm soát từ quy trình bón phân tới sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi đồi chè đều cắm bảng ghi rõ tên chủ ruộng, ngày phun thuốc. Khi phát hiện bệnh, tất cả các ruộng được hái chạy, sau đó, xử lý phun đồng loạt để hiệu quả hơn.
Ngoài quy trình trồng, tại khâu chế biến chè, nhiều gia đình đã được hỗ trợ máy móc để vò chè, sao chè, ủ hương hay đóng gói hút chân không. Nhờ đó, sản phẩm chè có được sự đồng bộ về mẫu mã, chất lượng đảm bảo.
Sản phẩm mang thương hiệu tập thể chè xanh Bản Ven của Yên Thế. Ảnh: Bizmedia.
Để việc trồng chè thêm hiệu quả, năm 2014, xã Xuân Lương đã hình thành hợp tác xã Thân Trường với sự tham gia của 16 hộ trồng chè. Hợp tác xã không chỉ đóng vai trò giám sát, theo dõi quy trình sản xuất mà còn hỗ trợ kịp thời và cùng người trồng tìm đầu ra cho sản phẩm.
Nhờ thực hiện theo quy trình, đến nay, mức giá bán chè búp tươi bình quân là 15.000 đồng một kg, giá bán chè khô từ 150.000 đến 450.000 đồng một kg tùy loại, mang lại thu nhập ổn định cho người trồng. Đến nay, hợp tác xã có trên 20 thành viên với diện tích trên 10ha. Mô hình này dự kiến tiếp tục nhân rộng lên 50ha với 100 thành viên trong những năm tới, để vùng chè Yên Thế tiếp tục phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Trồng theo hướng hữu cơ, anh Nguyễn Hữu Hà ở Hưng Yên áp dụng thành công mô hình làm kinh tế hiệu quả, làm giàu với loại cây trồng này.
Chiếc máy sàng hạt của anh Trịnh Văn Định ở Hưng Yên giúp nâng cao năng suất, giảm sức lao động, giữ hương vị hạt sen tươi tốt hơn.
Canh tác theo tiêu chuẩn quốc tế kết hợp phát triển du lịch sinh thái giúp người trồng tiêu của huyện đảo có thu nhập cao và ổn định hơn.