Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bà Rịa Vũng Tàu lập lại trật tự nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và

Bà Rịa Vũng Tàu lập lại trật tự nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và
Ngày đăng: 30/06/2015

Theo quy hoạch, sẽ có 414 lồng nuôi tôm hùm từ tiểu khu 4 về tiểu khu số 7. Trong ảnh: Thu hoạch tôm hùm tại hộ nuôi thủy sản do ông Hoàng Minh Thành làm chủ ở tiểu khu 4.

Sở NN-PTNN cho biết, hiện nay, tại khu vực nuôi trồng thủy sản lồng bè (NTTSLB) trên sông Chà Và có 193 hộ nuôi với 4.615 lồng. Trong đó, nhiều khu vực nuôi quá dày, ví dụ như tiểu khu 4 (76 hộ nuôi với 1.852 lồng, vượt 117,6% quy hoạch mặt nước) và tiểu khu 8 (50 hộ nuôi với 1.031 lồng, vượt 155%). Việc này đã làm giảm hiệu quả nuôi trồng thủy sản, đồng thời là một trong những nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm nguồn nước khi lượng thức ăn dư thừa tăng đột biến.

Để cải thiện tình hình trên, quy hoạch 1/2.000 yêu cầu các cơ sở NTTSLB phải nằm đúng luồng lạch giao thông, bảo đảm khoảng cách giữa các bè nuôi và nằm đúng tọa độ quy hoạch, bố trí lồng nuôi phù hợp, số lượng lồng nuôi tại mỗi tiểu khu có thể chênh lệch 10% so với quy hoạch.

Sơ đồ quy hoạch nuôi thủy sản lồng bè trên sông Chà Và, các số từ 1 đến 8 tương ứng với các tiểu khu quy hoạch.

Phương án bố trí sắp xếp và di dời dựa theo nguyên tắc ưu tiên những cơ sở NTTSLB đã được UBND tỉnh cấp giấy phép đầu tư (nhưng phải nằm đúng theo vị trí tọa độ đã được cấp phép); cơ sở nằm trong vùng quy hoạch và đúng đối tượng quy định. Bên cạnh đó, kiên quyết di dời qua khu vực khác những cơ sở NTTSLB lấn chiếm luồng lạch giao thông đường thủy; cơ sở NTTSLB không nằm trong tọa độ tại các tiểu khu nuôi theo quy hoạch; cơ sở nuôi những loại thủy sản không phù hợp theo quy hoạch. Đối với những cơ sở NTTSLB nằm ngoài khu quy hoạch, sẽ ưu tiên cơ sở có quy mô và vốn đầu tư lớn được phép di dời về.

Sở NN-PTNT cũng đã xây dựng dự thảo phương án bố trí sắp xếp và di dời các cơ sở NTTSLB vào khu quy hoạch. Trong đó, tiểu khu 1 nuôi các loại cá biển vẫn còn trống 183 lồng, có thể bố trí thêm 183 lồng từ tiểu khu 8 di dời qua. Tiểu khu 2 nuôi hàu đan và cá biển; còn dư 72 lồng nuôi hàu, phải di dời qua tiểu khu 5. Tiểu khu 3 nuôi hàu và cá biển; vượt 102 lồng, cần di dời số lượng lồng này qua tiểu khu 5. Tiểu khu 4 hiện nuôi nhiều cá bớp và tôm hùm, theo quy hoạch bố trí nuôi cá biển và hàu; vì vậy, phải di dời 35 lồng cá bớp về tiểu khu 5, 552 lồng cá bớp về tiểu khu 6 và 414 lồng tôm hùm về tiểu khu số 7.

Tiểu khu 5 hiện đang nuôi hàu, quy hoạch nuôi cá bớp, hàu, diện tích còn trống 71%, nên di dời 72 lồng từ tiểu khu số 2; 102 lồng từ tiểu khu số 3; 35 lồng từ tiểu khu số 4; 480 lồng từ tiểu khu số 8. Tiểu khu 6 và 7, trống 100% diện tích theo quy hoạch, có thể bố trí sắp xếp 966 lồng nuôi, nên bố trí sắp xếp được 552 lồng nuôi cá bớp từ tiểu khu 4; Tiểu khu số 7 theo quy hoạch chỉ bố trí nuôi tôm hùm, do đó sẽ ưu tiên để sắp xếp cho các cơ sở nuôi tôm hùm từ tiểu khu số 4 chuyển qua với 414 lồng. Tiểu khu 8 theo quy hoạch nuôi cá biển, vượt 663 lồng so với quy hoạch, bố trí di dời 183 lồng về tiểu khu số 1; 480 lồng về tiểu khu số 5.

Xung quanh phương án di dời, ông Dương Văn Hải, hộ NTTSLB ở tiểu khu 8, kiến nghị: “Tiểu khu 1 là khu vực gần cổng số 6, nơi này nhiều năm qua nguồn nước bị ô nhiễm do nước xả thải của các cơ sở chế biến hải sản chưa qua xử lý. Do vậy, việc di dời lồng bè từ tiểu khu 8 về tiểu khu 1 là khó thực hiện”. Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Trường, Trưởng phòng Kinh tế TP.Vũng Tàu giải thích thêm, hiện UBND tỉnh đã có dự án xử lý ô nhiễm nguồn nước khu chế biến hải sản xã Tân Hải, trong đó tập trung xử lý khu vực cổng số 6. Khi đó, NTTSLB ở tiểu khu 1 không đáng lo sợ.

Hiện các hộ nuôi thủy sản trên sông Chà Và tự phát là chính nên ảnh hưởng đến hành lang an toàn giao thông đường thủy, không mỹ quan, mật độ nuôi quá cao làm ảnh hưởng đến môi trường nuôi. Trong ảnh: Bè nuôi thủy sản trên sông Chà Và.

Ông Nguyễn Công Biên, hộ NTTSLB tiểu khu 3 cho rằng, việc tổ chức lại hoạt động NTTSLB là hết sức cần thiết và có lợi nhiều mặt cho người nuôi trồng cũng như việc khai thác nguồn lợi NTTSLB tại địa phương. Tuy nhiên, nên sớm thành lập các tổ tự quản để mỗi thành viên của tổ tự quản lý, giám sát lẫn nhau, góp ý kiến và hỗ trợ cho nhau trong quá trình nuôi và bảo vệ môi trường nuôi. Tuy nhiên, ông Biên cũng đề xuất: “Để công tác di dời thực hiện tốt, đúng tiến độ, đề nghị xem xét có chính sách hỗ trợ người nuôi trong quá trình di dời. Di dời nhanh cũng là giải pháp bảo đảm sự ổn định và sức khỏe các loại cá đang nuôi trong lồng bè”.

Để hạn chế sự xáo trộn, ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNN cho biết, việc di dời sẽ cố gắng giữ nguyên hiện trạng để giảm thiệt hại cho người nuôi, tức là việc di chuyển ngắn nhất. Bố trí, sắp xếp lồng bè đúng khoảng cách và mật độ theo quy hoạch là giải pháp tốt nhất để lập lại trật tự ổn định và phát triển bền vững, góp phần giảm thiểu thiệt hại do ô nhiễm môi trường, dịch bệnh xảy ra trên động vật thủy sản nuôi lồng bè. Đồng thời, cần phải tiếp tục giải quyết một phần chỗ nuôi cho các bè nuôi trái phép trên địa bàn tỉnh vào khu quy hoạch để khai thác đúng tiềm năng NTTSLB trên sông Chà Và.


Có thể bạn quan tâm

Gia Lâm (Hà Nội) có gần 80 hộ nông dân được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi Gia Lâm (Hà Nội) có gần 80 hộ nông dân được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi

Trạm Khuyến nông huyện Gia Lâm (Hà Nội) vừa tổ chức lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cho gần 80 hộ nông dân trên địa bàn xã Văn Đức.

14/05/2015
Hội thảo triển khai đề án tăng cường trang thiết bị phục vụ cơ giới hóa ngành chăn nuôi bò sữa năm 2015 Hội thảo triển khai đề án tăng cường trang thiết bị phục vụ cơ giới hóa ngành chăn nuôi bò sữa năm 2015

Trạm Khuyến nông Củ Chi thuộc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM vừa tổ chức hội thảo triển khai Đề án “Tăng cường trang thiết bị phục vụ cơ giới hóa ngành chăn nuôi bò sữa” năm 2015 tại địa bàn xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi.

14/05/2015
Phòng bệnh cho gia súc trong thời tiết nắng nóng Phòng bệnh cho gia súc trong thời tiết nắng nóng

Mùa hè, thời tiết nắng nóng, oi bức, nhiệt độ cao khiến gia súc giảm sức đề kháng và dễ mắc một số bệnh như: E.coli, viêm vú, ký sinh trùng đường máu...

14/05/2015
Giảm nóng xây nhà nuôi chim yến Giảm nóng xây nhà nuôi chim yến

Phong trào xây nhà nuôi chim yến ở các huyện phía Đông, nhất là ở TX. Gò Công (Tiền Giang), đã giảm “nóng”. Ông Trần Thanh Hoàng, Phó trưởng phòng Kinh tế TX. Gò Công cho biết, thống kê sơ bộ đến thời điểm hiện nay cho thấy, toàn thị xã có 281 căn nhà nuôi chim yến nhưng phong trào xây nhà đã tạm đứng lại.

14/05/2015
Triển vọng từ mô hình nuôi hươu lấy nhung Triển vọng từ mô hình nuôi hươu lấy nhung

Những năm gần đây ở vùng gò đồi xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó mô hình nuôi hươu lấy nhung đang được người dân xem là hướng làm giàu mới nhiều triển vọng.

14/05/2015
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.