Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Anh Quyết Bò Sữa

Anh Quyết Bò Sữa
Ngày đăng: 12/02/2014

So với nhiều hộ dân khác ở thôn 8 (xã Đại Lào, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) thì anh Đỗ Hữu Quyết không phải là người nuôi bò sữa có quy mô lớn và có thâm niên trong vùng. Thế nhưng, nói về tuổi thì Quyết là người trẻ nhất trong thôn nuôi và quyết chí làm giàu từ bò sữa. Nhiều người trong thôn đã đặt cho anh biệt danh Quyết “bò sữa”.

Năm nay 24 tuổi nhưng Quyết đã bắt đầu nuôi bò cách đây khoảng 4 năm. Khởi nghiệp bằng số tiền 7 triệu đồng nhờ bán 2 chỉ vàng là của “hồi môn” ngày cưới của hai vợ chồng, Quyết đã mua 2 con bê về nuôi.

Không phải ngẫu nhiên mà Quyết chọn hướng chăn nuôi bò sữa để khởi nghiệp, mà do trong thôn đã có rất nhiều người nuôi và thành công từ con bò sữa. Đặc biệt, trong suốt khoảng thời gian đi làm thuê cho các gia đình chăn nuôi bò sữa trong thôn, Quyết đã học được cách thức chăm sóc và một vài kinh nghiệm nuôi bò sữa.

Thế nhưng, kinh nghiệm và bài học đắt giá nhất mà Quyết học được là khi 1 trong 2 con bò bắt đầu cho vắt sữa thì lại “lăn đùng” ra chết. Nguyên nhân là do vệ sinh chuồng không sạch và vắt sữa không đúng cách khiến bò bị viêm vú. Quyết chia sẻ: “Lúc đó, mình cảm thấy nản lòng vì công sức, tiền bạc bỏ ra nhiều nhưng chưa thu lại được thì con bò lại bị chết; coi như một nửa gia sản bị mất đi.

Mình bàn tính với vợ vay mượn anh em, bạn bè để mua lại con bò cái đang mang thai với số tiền 55 triệu đồng. Từ sự cố lần trước, mình càng học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước để chăm sóc cho bò tốt hơn. Mỗi khi bò mẹ sinh bê con, bê cái thì mình giữ lại gây đàn tiếp, còn bê đực thì bán đi. Vì vậy, đàn bò ngày một tăng dần lên”.

Tổng đàn bò sữa của Quyết hiện đã tăng lên 12 con; trong đó, có 6 con đang cho vắt sữa và sinh sản. Từ chỗ chuồng chỉ được làm tạm bợ, đến nay, Quyết đã xây dựng chuồng bò mới và đầu tư máy vắt sữa với chi phí hơn 100 triệu đồng. Chuồng được xây dựng thoáng mát và khoa học, vừa đảm bảo sức khỏe cho bò vừa vệ sinh khi vắt sữa. Để đủ lượng cỏ hàng ngày, vợ chồng Quyết đã dần chuyển 7 sào đất trồng chè và cà phê sang trồng cỏ.

Nhiều người trong thôn cho rằng vợ chồng Quyết “liều” khi bỏ vườn cà phê để về chăn bò. Thế nhưng, Quyết vẫn tự tin: “Mình càng làm càng có kinh nghiệm, nên nghĩ chăn nuôi bò sữa có thể phát triển kinh tế gia đình được. Với 6 con bò đang cho vắt sữa như hiện tại, thì mỗi ngày gia đình thu được khoảng 80 lít sữa, bán được gần 1 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, số tiền dư ra cũng còn khoảng một nửa”.

Vậy mà, khi được hỏi “Thế đã trả hết nợ chưa?”, chị Hồ Thị Trang, vợ anh Quyết, cười: “Càng làm càng mắc nợ anh ạ! Hiện tại, số nợ đã lên hơn 200 triệu đồng”. Hỏi ra mới biết, làm dư bao nhiêu, vợ chồng Quyết lại đầu tư làm chuồng trại, mua thêm bê con. Đặc biệt, mới đây hai vợ chồng đã vay ngân hàng để mua thêm vài sào đất trồng cỏ.

Đến hiện tại, những hộ dân mới bắt đầu chăn nuôi bò sữa đã tìm đến nhà Quyết để học hỏi kinh nghiệm. Là thanh niên năng động, Quyết đã nắm bắt được nhiều kỹ thuật nuôi bò sữa từ việc canh ngày phối giống, đỡ bò đẻ đến việc ủ cỏ để dự trữ thức ăn vào mùa khô…

Không tự mãn với những gì mình đã làm được, mỗi khi có thời gian, Quyết lại lên Đức Trọng xin vào những nhà nuôi bò sữa có quy mô lớn hơn để học thêm kinh nghiệm. Anh tâm sự: “Ở Đức Trọng, nhà nuôi ít cũng vài chục con; còn nuôi nhiều thì đến cả trăm con bò sữa. Nhà nào cũng phía trước là nhà mái Thái khang trang, bên hông là xe hơi, phía sau nhà là đồng cỏ và đàn bò. Đây thực sự là niềm mơ ước của mình!”.

Không chỉ mơ ước, Quyết đang dần biến ước mơ của mình thành hiện thực, ngày đêm chí thú làm ăn, chăm lo phát triển đàn bò sữa. Bà Hoàng Thị Xuyên, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đại Lào, nhận xét: “Hiếm có thanh niên trẻ nào lại chí thú vào việc chăn nuôi bò như Quyết.

Ngoài chăm lo cho cuộc sống gia đình, Quyết còn là đảng viên và là Phó Bí thư Chi đoàn thôn 8. Trong các hoạt động của thôn, Quyết đều rất năng nổ, nhiệt tình. Hiện, Quyết đang được đề nghị khen thưởng là thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”.


Có thể bạn quan tâm

Nông dân tiếp tục khóc ròng vì nông sản rớt giá Nông dân tiếp tục khóc ròng vì nông sản rớt giá

Những ngày gần đây, nông dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng đang như “ngồi trên đống lửa”, bởi hàng ngàn hécta trồng ổi của địa phương đang rơi vào tình cảnh rớt giá thê thảm.

15/06/2015
Lô quả vải tươi đầu tiên của Việt Nam đã vào thị trường Canada Lô quả vải tươi đầu tiên của Việt Nam đã vào thị trường Canada

Lô vải quả tươi đầu tiên từ Việt Nam đã được đưa đến Canada tối 10/6 bằng đường hàng không.

15/06/2015
Chuỗi dự án chăn nuôi phát triển đồng bộ và khép kín Chuỗi dự án chăn nuôi phát triển đồng bộ và khép kín

Chỉ trong vòng 10 năm, Hà Tĩnh đã phát triển tương đối hoàn chỉnh ngành chăn nuôi lợn siêu nạc (LSN) có quy mô lớn nhất miền trung. Đây được xem là chuỗi phát triển đồng bộ và khép kín từ khâu sản xuất con giống, đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm và thức ăn chăn nuôi (TĂCN).

15/06/2015
Hiệu quả từ mô hình trồng bắp nuôi bò Hiệu quả từ mô hình trồng bắp nuôi bò

Mô hình trồng bắp thu trái non kết hợp chăn nuôi bò hay còn gọi là mô hình 2 B “bắp-bò” là một trong những mô hình được người dân áp dụng phổ biến hiện nay, đem lại hiệu quả kinh tế cao so với trồng lúa. Bởi đặc điểm của loại hoa màu này là thời gian sinh trưởng khá ngắn, mỗi năm nông dân có thể sản xuất từ 3 - 5 vụ.

15/06/2015
Đào ao… lấy nước trồng cỏ nuôi bò Đào ao… lấy nước trồng cỏ nuôi bò

Nắng nóng kéo dài, cỏ trồng bị héo úa, người dân ở các xã ven biển huyện Tuy An (Phú Yên) phải đào ao lấy nước tưới cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn cho bò. Có gia đình đầu tư hệ thống tưới nước tự động bằng béc (vòi phun) tưới cỏ để có thức ăn cho bò trong mùa nắng hạn.

15/06/2015