Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Anh nông dân học hết lớp 7 chế robot đặt hạt khiến Israel thán phục, Mỹ đặt hàng

Anh nông dân học hết lớp 7 chế robot đặt hạt khiến Israel thán phục, Mỹ đặt hàng
Tác giả: Huyên Nguyễn
Ngày đăng: 15/06/2018

Tại Lễ kỷ niệm cấp Nhà nước nhân 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chiếc robot đặt hạt có thể thay thế 40 nhân công, anh nông dân học hết lớp 7 Phạm Văn Hát đã khiến cả hội trường nể phục bởi những sáng chế “made in Việt Nam” xuất khẩu đi 14 quốc gia và tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Anh Phạm Văn Hát (áo trắng) giới thiệu về Robot đặt hạt. Ảnh: Huyên Nguyễn

Nhà sáng chế “chân đất”

Chuyện anh nông dân Phạm Văn Hát (SN 1972) mới chỉ học hết lớp 7 nhưng đã sáng chế ra khoảng 30 loại sản phẩm máy nông nghiệp như máy đánh luống, máy thu hoạch rau húng, máy rạch hàng, máy cày hai lưỡi, robot đặt hạt... xuất khẩu đi hơn 10 quốc gia và tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước khiến nhiều người phải nể phục.

Cơ duyên chế tạo máy móc đến với anh là từ quyết định sang Israel để vừa lao động kiếm sống, vừa học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp sau khi thua thiệt 4 tỉ đồng đầu tư cho sản xuất rau sạch.

Anh Phạm Văn Hát chia sẻ: "Một hôm, ông chủ Israel yêu cầu tôi đi rải phân bằng dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng trong thời tiết nắng nóng. Tôi vất vả làm được 2 ngày đầu, mỗi ngày uống hết 12 lít nước.

Đến ngày thứ 3 chịu đựng không được nữa, tôi liền đề xuất được thiết kế chiếc máy giúp thay thế nhân công nhưng do không biết ngoại ngữ nên tôi ra hiệu với ông chủ. Hiểu ý tôi, ông chủ hỏi lại: "Liệu anh có làm được chiếc máy đó không? Nó có thể thay thế được bao nhiêu người?".

Nghe ông chủ hỏi vậy, tôi gật đầu, trong đầu tôi nghĩ là chiếc máy này có thể thay thế được khoảng 15, 20 người nhưng không biết tiếng nên giơ hai bàn tay (ý nói máy thay thế được 10 người).

Vậy là từ hôm đó, anh đã bắt tay vào chế tạo chiếc máy rải phân. Máy làm xong, đem ra cánh đồng thử nghiệm mang lại kết quả bất ngờ. Đến năm 2012, mặc dù ông chủ trả lương cao và rất ưu ái, tạo điều kiện cho anh làm việc.

Cùng với đó, tên tuổi và những sản phẩm máy nông nghiệp của anh được nhiều người ở Israel cũng như người Việt Nam sinh sống, làm việc tại đó biết đến. Song anh Hát quyết định trở về quê nhà để cống hiến cho đất nước và được gần vợ con, anh em, làng xóm.

Ít lâu sau đó, người của ông chủ ở Israel sang Việt Nam, tìm về quê và mời anh quay lại làm việc, nhưng anh quyết định ở lại quê hương mình.

Mong sáng chế rẻ tiền được đến tay người dân

Khi về nhà được ít ngày, thấy anh trai không thuê được người đặt hạt cho kịp thời vụ, anh Phạm Văn Hát nảy ra ý tưởng chế tạo một chiếc máy đặt hạt. Hơn một năm nghiên cứu, chiếc máy gieo hạt đầu tiên ra đời nhưng còn những khiếm khuyết và công suất chưa cao.

Sau nhiều lần quan sát, thử nghiệm trên đồng, anh tiếp tục cải tiến, hoàn thiện để máy đạt đến độ chính xác tuyệt đối như hiện nay với tên gọi "Robot đặt hạt".

Năm 2014, chiếc máy gieo hạt của anh lần đầu xuất hiện trên thị trường và lập tức được nhiều người tìm đến đặt mua. "Robot đặt hạt" của anh thay thế được cho 40 người làm việc.

Chiếc máy này đã có mặt không chỉ ở 63 tỉnh, thành thị trong nước, đặc biệt là còn chiếm lĩnh nhiều thị trường 14 quốc gia khác, trong đó có nhiều nước có nền khoa học kĩ thuật hiện đại như: Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan….

Anh Hát cho biết: “Nhiều người trả 5 tỉ đồng để mua bản quyền, nhưng tôi không bán. Bởi tôi nghĩ, đó là tâm huyết của tôi.

Ngoài ra, người nông dân vốn rất vất vả, mua một chiếc "Robot đặt hạt" với giá trong nước chỉ khoảng vài chục triệu đồng đã là một nỗ lực lớn. Vì thế, nếu bán bản quyền, người ta nâng giá thì đối tượng chịu thiệt thòi chính là người nông dân".

Máy phun thuốc trừ sâu của anh Phạm Văn Hát. Ảnh: Báo Hải Dương

Mới đây, nhà sáng chế chân đất này cho biết đang tiếp tục nghiên cứu và giới thiệu dòng sản phẩm bán tự động thứ hai là máy phun thuốc trừ sâu. Trong vòng một giờ đồng hồ, chiếc máy này có thể phun cho 3ha ruộng. Giá thành chiếc máy chỉ từ 50 – 70 triệu đồng/máy.


Có thể bạn quan tâm

9X làm giàu từ nuôi chim bồ câu Pháp 9X làm giàu từ nuôi chim bồ câu Pháp

Nuôi chim bồ câu thương phẩm, bồ câu giống gia đình anh Phạm Thanh Nhật ở làng Tra, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn thu lãi trên 200 trăm triệu đồng mỗi năm.

15/06/2018
'Liều' bỏ mía trồng cây ăn quả, hóa ra lại 'ăn to' 'Liều' bỏ mía trồng cây ăn quả, hóa ra lại 'ăn to'

Phá toàn bộ diện tích mía kém hiệu quả, chuyển sang trồng cây ăn quả, chị Trần Thị Cảm (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) được mọi người cho là...

15/06/2018
Chị Diễm thành công với tôm – lúa Chị Diễm thành công với tôm – lúa

Đó là khẳng định của chị Nguyễn Thị Diễm, thành viên của Tổ hợp tác Thạnh Hòa, xã Đông Thạnh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang khi nói về hiệu quả sản xuất

15/06/2018